Sẽ công khai đơn vị không hành động tháo gỡ giúp doanh nghiệp
Sau hội nghị Thủ tướng đối thoại doanh nghiệp (DN) ngày 17-5, sẽ có các chương trình hành động để công khai những cơ quan chưa tích cực tháo gỡ khó khăn giúp DN và người dân.
Nhiều hộ kinh doanh ngại lên DN mong sớm có cải thiện sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN để bớt lo vướng thủ tục thuế, bị thanh tra, kiểm tra nhiều. Trong ảnh: một hộ kinh doanh tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau hội nghị của Thủ tướng với DN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông cho biết như trên và nói:
- Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đã ra đời sau cuộc đối thoại của Thủ tướng với DN lần thứ nhất (ngày 29-4-2016). Từ đó, đã có nhiều bộ, ngành và địa phương lên chương trình hành động, trực tiếp nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN. Những chương trình đối thoại, “cà phê doanh nhân”, “trò chuyện cùng doanh nhân” được triển khai ở nhiều nơi, mang lại hiệu quả thiết thực...
Ông Đặng Huy Đông - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
Dân đã hưởng ứng kêu gọi khởi nghiệp?
* Vậy theo thứ trưởng, đâu là những kết quả nổi bật nhất sau một năm thực hiện nghị quyết 35 và những tháo gỡ của Thủ tướng?
- Thấy rõ nhất là sự hưởng ứng của xã hội rất tốt. Con số thống kê chưa đầy đủ là đến nay đã có 28 trung tâm hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo của khu vực tư nhân. Đây là sự nở rộ lớn, chưa bao giờ có được, cho thấy khu vực tư nhân đã hưởng ứng lời kêu gọi khởi nghiệp của Chính phủ.
Số lượng DN cũng tăng lên khi năm 2016 là khoảng 500.000 DN đang hoạt động, có đóng thuế, nhưng sau 1 năm đã đạt trên 610.000 DN. Cùng với đó số vốn đăng ký đầu tư, vốn mở rộng cũng tăng thêm.
Đặc biệt là từ phiếu thăm dò cộng đồng doanh nghiệp FDI đều cho thấy thông điệp tích cực rằng VN tiếp tục là địa chỉ ưu tiên, mở rộng đầu tư. Đơn cử như trong báo cáo của Hiệp hội DN ASEAN - Hoa Kỳ gửi lên đại sứ Hoa Kỳ cách đây 1 tháng cho biết tất cả DN ở VN đều tăng trưởng, có lãi và muốn tiếp tục hoạt động.
* Nhưng tại sao trong quý 1 tăng trưởng GDP đạt mức thấp nhất trong nhiều năm, số lượng DN giải thể cũng tương đương với DN thành lập mới?
- Không phủ nhận chỉ số GDP tăng thấp nhưng niềm tin của DN đã tăng. GDP tăng thấp đã phản ánh đúng bức tranh của nền kinh tế còn cần nhiều cải cách, đổi mới. Song tăng trưởng thấp thực chất là để hướng tới tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn. Hoàn toàn có thể thúc đẩy tăng trưởng cao hơn nếu tăng thêm đầu tư, chi tiêu của Chính phủ nhưng sẽ không thực chất.
* Qua cuộc đối thoại với Thủ tướng, có thể thấy tinh thần cải cách mới dừng lại ở cấp trên, còn ở bên dưới, giữa lời nói và hành động vẫn có khoảng cách?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đang có nhận thức chưa đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương. Có những bộ tích cực, vào cuộc mạnh mẽ. Tuy nhiên có bộ dù đã có tháo gỡ nhưng các chính sách trong phạm vi quản lý vẫn hạn chế, cần sửa đổi thêm như đất đai, xây dựng hay đầu tư...
Cũng có địa phương chưa thực sự tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN khi vẫn còn tâm lý coi cơ quan quản lý là cấp trên, vẫn còn xin - cho. Đặc biệt là các cấp quản lý huyện, xã. Những vấn đề này sẽ được quán triệt mạnh mẽ trong chỉ thị sắp được ban hành sau khi tiếp nhận những ý kiến tại hội nghị Thủ tướng với DN.
Sẽ chỉ ra ai ngồi im, không hành động
* Với vai trò là cơ quan tham vấn Chính phủ, ông có thể cho biết những vấn đề chính nào sẽ được tập trung để hỗ trợ phát triển DN thời gian tới?
- Bộ KH-ĐT sẽ tập hợp các kiến nghị đưa ra trước và trong hội nghị để đưa vào chỉ thị. Theo đó sẽ rà soát, tăng cường giám sát và có đầu mối để cộng đồng DN khi gặp khó khăn, bị nhũng nhiễu... có thể thông tin, đề xuất, kiến nghị trực tiếp lên Chính phủ, qua hiệp hội hoặc truyền thông.
Các vấn đề sẽ được triển khai ngay như tăng cường phối hợp các bộ, ngành để giúp DN thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, thông tin... Sẽ tập trung vào củng cố việc thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra...
Việc giám sát sẽ chỉ ra cơ quan nào không hành động, ai ngồi khoanh chân, ung dung, chỗ nào phát triển. Bộ KH-ĐT sẽ có ứng dụng công nghệ thông tin để thống kê, công khai minh bạch tất cả những vấn đề này. Trên cơ sở đó có các báo cáo hằng năm, hằng quý và thậm chí là từng tháng về hoạt động của bộ, ngành, địa phương một cách công khai.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (giám đốc Công ty CP thuế kế toán Luật Việt Á):
Chính phủ đã lắng nghe nhiều hơn
Cái được lớn nhất sau hội nghị Thủ tướng với DN năm nay mà DN cảm nhận được là từ Chính phủ tới địa phương sẽ lắng nghe DN nhiều hơn, đồng hành cùng DN. Tinh thần của người đứng đầu Chính phủ cho thấy cơ quan công quyền sẽ phải chuyển sang chính quyền phục vụ để tiến tới chính quyền dịch vụ như các nước.
Nghĩa là chính quyền phải coi người dân là đối tượng được phục vụ. DN kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn trong tư duy của cơ quan quản lý từ xây dựng thể chế đến hành động.
DN tư nhân cần nhất, mong nhất trong bối cảnh hiện nay là xã hội nhận thức đúng, tích cực về giới dân doanh. Giới dân doanh không phải là con buôn, là trọc phú mà là một động lực phát triển kinh tế.
Được xã hội nhận thức đúng, đánh giá đúng thì hoài bão, ước mơ kinh doanh của dân doanh sẽ tăng thêm hơn rất nhiều. Dù tại Hội nghị trung ương 5 đã khẳng định điều này rồi, nhưng giới dân doanh mong từ nhận thức đến hành động cần phải gần nhau hơn nữa.
Tất nhiên, để DN phát triển, môi trường kinh doanh được cải thiện, không thể chỉ có sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, công chức, viên chức mà từng doanh nhân, DN cũng phải nâng mình lên. DN cũng phải nhận thức và làm đúng quy định.
L.THANH
|
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170519/se-cong-khai-don-vi-khong-hanh-dong-thao-go-giup-doanh-nghiep/1316985.html
|