Lợi nhuận giảm sút, Lọc dầu Dung Quất có gì hấp dẫn nhà đầu tư?
Vài năm trở lại đây, tổng doanh thu của Công ty TNHH MTV Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất liên tục giảm, lợi nhuận trồi sụt thất thường nhưng cũng đang có xu hướng giảm, hiện giá dầu thế giới chưa phải là cao và đang dưới ngưỡng 50 USD/thùng, đơn vị này có gì hấp dẫn nhà đầu tư trong đợt cổ phần hóa sắp tới?
Công ty TNHH MTV Lọc Hóa Dầu Bình Sơn được thành lập năm 2008 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu, có vốn điều lệ 35,009 tỷ đồng. Sản phẩm chính của BSR gồm propylene, polypropylene, khí hóa lỏng, xăng RON 92 và 95, xăng E5/E10, nhiên liệu phản lực JET A1, dầu hỏa, dầu Diesel, dầu nhiên liệu và lưu huỳnh. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có công suất chế biến 6.5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lọc - hóa dầu trong nước.
|
Câu chuyện cổ phần hóa của BSR không phải là mới mà đã kéo dài nhiều năm.
Trước đó, từ năm 2010, Chính phủ đã có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài mua cổ phần của BSR nhằm thu hồi lại một phần vốn của Nhà nước để phục vụ cho các dự án, đặc biệt là dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất. BSR đã làm việc với nhiều đối tác nước ngoài nhưng không có kết quả do quan điểm khác biệt với nhau.
Đến năm 2015, Thủ tướng yêu cầu PVN thực hiện cổ phần hóa BSR và chỉ giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ. Đồng thời, dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất (nâng công suất từ 6.5 triệu tấn/năm lên 8.5 triệu tấn/năm) đã bắt đầu tiến hành công tác thiết kế và BSR đã đẩy mạnh công tác cổ phần hóa. Hội đồng Thành viên PVN đã ra quyết định về việc cổ phần hóa BSR vào ngày 06/11/2015 và mục tiêu hết năm 2017 phải thực hiện xong.
Tại thời điểm đó, theo thông tin từ báo chí, Tập đoàn Gazprom Neft (Nga) dự định tham gia vào NMLD Dung Quất nhưng đã chính thức dừng đàm phán mua 49% vốn BSR do không thỏa mãn với các điều kiện mà phía Việt Nam đề xuất. Tuy nhiên, Gazprom Neft vẫn sẽ nghiên cứu cơ hội tham gia mua cổ phần của BSR trong tương lai.
Lộ trình cổ phần hóa của BSR tiếp tục theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 và tỷ lệ Nhà nước dự kiến nắm giữ sau khi thoái vốn là dưới 50%. BSR hiện đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa với mục tiêu thu xếp tài chính cho các dự án đầu tư chiến lược trong tương lai.
Trả lời báo chí vào hồi gần cuối năm 2015, ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR cho biết muốn tìm được đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc hoá dầu và có tiềm lực tài chính vững mạnh để cùng BSR thực hiện nhiệm vụ phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, mới đây BSR lại vừa phát hành thư mời mua cổ phần gửi đến 15 quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho đợt cổ phần hóa sắp tới. Dự kiến cuối năm 2017, BSR sẽ chào bán cổ phần ra thị trường.
Cũng cần nhắc lại rằng, đã qua rồi các thời đỉnh cao của giá dầu. Việc cổ phần hóa BSR liệu có đủ hấp dẫn trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm mạnh trong nhiều năm qua và hiện vẫn đang dưới ngưỡng 50 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới trong vòng 5 năm qua
ĐVT: USD/thùng
|
Kế hoạch lợi nhuận 2017 giảm mạnh 66% xuống 1,682 tỷ đồng
Trong vài năm gần đây, tổng doanh thu của BSR liên tục sụt giảm từ 154,320 tỷ vào 2013 xuống 75,184 tỷ đồng vào năm 2016. Lợi nhuận của BSR cũng trồi sụt (lợi nhuận 2014 giảm mạnh do chuyển vốn vào xây dựng nhà máy), từ mức 6,370 tỷ năm 2015 giảm xuống hơn 5,000 tỷ đồng trong năm 2016.
Kết quả kinh doanh vài năm gần đây của BSR
Trong năm 2016, BSR có một số hợp đồng với các bên như Tổng công ty Dầu Việt Nam ( PVOil) mua dầu thô cho BSR giá trị hơn 57,300 tỷ, các hợp đồng kinh doanh xăng dầu với PVOil 17,000 tỷ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) 28,550 tỷ, Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không VN (SKYPEC) 1,790 tỷ đồng…
|
Đáng chú ý, đến năm 2017, BSR đặt kế hoạch doanh thu 62,400 tỷ đồng, giảm 17% so với ước thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm mạnh 66%, đạt 1,682 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư hơn 1,940 tỷ đồng.
Hiện BSR có 2 công ty con là CTCP Nhà và Thương mại Dầu Khí (PV Building) 83% vốn (146 tỷ đồng) và CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) 61% vốn (742 tỷ đồng). Trong đó, PV Building đạt tổng doanh thu năm 2016 là 623 tỷ, lãi sau thuế 12.5 tỷ đồng. Còn CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (vốn điều lệ 1,252 tỷ đồng) có nhà máy đã dừng hoạt động từ tháng 4/2015 đến nay, hiện để duy trì hoạt động tối thiểu BSR-BF đã cắt giảm lao động, chỉ để lại nhân sự tối thiểu thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài sản và bảo dưỡng sửa chữa.
|
Trong giai đoạn 2016-2020, BSR đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào cuối 2020. Kế hoạch giai đoạn 5 năm này, BSR dự kiến sản lượng sản xuất đạt hơn 28,000 tấn, vốn điều lệ 47,523 tỷ đồng, tổng doanh thu hơn 573,700 tỷ đồng (xây dựng theo phương án giá dầu 90 USD/thùng).
Theo kế hoạch, BSR sẽ tiếp tục thoái vốn tại PV Building và dự kiến Nhà nước nắm giữ 51%. Riêng với BSR-BF, BSR sẽ vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động, xây dựng phương án chuyển thành nhà máy trực thuộc BSR sau khi được chấp thuận (giai đoạn 2016-2020).
Với dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR đã và đang cùng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (DEZA) triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, đang thực hiện công tác lập thiết kế tổng thể (FEED). Vào cuối tháng 3/2017, BSR đã nhận bàn giao hồ sơ thiết kế kỹ thuật tổng thể. Việc hoàn thành FEED giúp BSR đạt các mục tiêu của dự án mở rộng NMLD Dung Quất là nâng công suất nhà máy lọc dầu từ 148,000 thùng/ngày lên 192,000 thùng/ngày, tăng độ linh động chế biến dầu thô…/.
|