Thứ Năm, 18/05/2017 13:05

Lỗ, lỗ nữa, liệu có lỗ mãi…?

Kế hoạch lỗ năm 2017 đã trở thành điệp khúc trong câu chuyện thua lỗ của một số doanh nghiệp năm vừa qua.

Đặt kế hoạch kinh doanh giảm sút so với năm trước đã có thể bị cổ đông chất vấn chứ chưa nói gì đến những doanh nghiệp thẳng tay với “mục tiêu” lỗ trong năm 2017. Trong đó có doanh nghiệp dự kiến lỗ hàng trăm tỷ đồng, hay thậm chí tìm cách vớt vát bằng cách “giảm lỗ tối đa”.

Kế hoạch lỗ trong năm 2017 của các doanh nghiệp
ĐVT: Tỷ đồng

Trước hết phải nói đến các “tên tuổi” trong ngành vận tải biển bởi câu chuyện thua lỗ triền miên, chìm sâu trong biển nợ của hầu hết doanh nghiệp ngành này đã quá quen thuộc với nhà đầu tư những năm vừa qua. Từ năm 2008 đến nay, chỉ số BDI (chỉ số cho biết mức cước vận chuyển trung bình theo trọng số của thị trường hàng rời khô) của ngành vận tải biển giảm đến 95%, kéo theo doanh thu ngành sụt giảm. Các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn khi thị trường vận tải biển chưa hồi phục trở lại, lượng hàng ít, giá cước thấp trong khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Không quá bất ngờ khi sau năm 2016, nhiều doanh nghiệp niêm yết ngành vận tải biển trong nước phải “khăn gói” rời sàn hoặc cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do kinh doanh thua lỗ. Tính riêng trên UPCoM, 8/9 cổ phiếu vận tải biển nằm trong bảng cảnh báo nhà đầu tư do có vốn chủ sở hữu âm tại ngày 31/12/2016 hoặc 30/06/2016.

Năm 2017 được dự báo sẽ vẫn còn khó khăn. Điển hình như Vận tải biển Việt Nam (VOSCO, HOSE: VOS) vừa trải qua quý 1/2017 với số lỗ gần 84 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 9 liên tiếp thua lỗ, nâng lỗ lũy kế lên hơn 884 tỷ đồng. Trong năm 2017 mục tiêu kinh doanh của VOS chỉ là chủ trương chung chung - giảm lỗ tối đa.

Trước đó, công ty này đã lỗ nặng cả hai năm 2015 và 2016 nên nếu năm nay không có lãi thì VOS sẽ tiếp gót VST, NOS, VSP, SSG… bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc do thua lỗ liên tiếp.

Hay Vận tải biển Bắc (NOSCO, UPCoM: NOS), đội tàu năm nay giảm chỉ còn 5 tàu, trong đó 1 tàu Nosco Glory dừng hoạt động, còn 4 tàu hoạt động thì 2 tàu phải lên đà sửa chữa định kỳ (Nosco Trader và Eastern Star) nên Công ty dự kiến doanh thu vận tải biển năm nay sẽ giảm hơn năm trước. Theo đó, NOS đặt kế hoạch tổng doanh thu chỉ 87.5 tỷ đồng, giảm 43% so với thực hiện 2016. Lợi nhuận trước thuế tiếp tục âm 206 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ năm thứ 6 liên tiếp.

Tính riêng quý 1/2017, NOS đã lỗ tới 57 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30/03/2017 âm 3,456 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu âm 3,196 tỷ đồng. Vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn lần lượt là 845 tỷ đồng và 2,157 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 tới đây, HĐQT NOS sẽ trình cổ đông thông qua việc đổi tên công ty thành CTCP Vận tải Biển Phương Đông, với tên viết tắt là OSCO nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác, khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo hướng phát triển mới của công ty trong giai đoạn mới...

Một công ty khác trong ngành, Hàng Hải Đông Đô (UPCoM: DDM) cũng đặt mục tiêu giảm lỗ tối đa với khoản lỗ trước thuế hơn 100 tỷ đồng. Riêng trong quý 1/2017, DDM đã lỗ hơn 24.5 tỷ, tương đương 25% kế hoạch lỗ cả năm.

Năm 2016 đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp thua lỗ của DDM tính từ năm 2012, với khoản lỗ mỗi năm đều trên 100 tỷ (trừ năm 2012 lỗ 78 tỷ). Bên cạnh nguyên nhân khách quan đến từ thị trường vận tải biển nói chung và gánh nặng chi phí, Ban lãnh đạo cho biết phần lớn các con tàu của công ty được đầu tư bằng vốn vay USD. Trong nhiều năm qua, tỷ giá VND/USD đều tăng, gây nên lỗ chênh lệch tỷ giá lớn (năm 2016 DDM lỗ 18 tỷ đồng).

Trên sàn giao dịch, giá cổ phiếu NOS nằm dài dưới mức 1,000 đồng/cp từ nửa cuối năm 2015, hiện đang giao dịch ở mức 300 đồng/cp. Còn giá cổ phiếu VOS và DDM chỉ trên 1,000 đồng/cp và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Diễn biến giá cổ phiếu từ khi niêm yết của các doanh nghiệp đặt kế hoạch lỗ năm 2017

Năm 2017, Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) đặt kế hoạch lỗ hợp nhất 14 tỷ đồng. Tuy lỗ nhưng nhỏ hơn rất nhiều so với khoản lỗ ròng gần 794 tỷ đồng năm 2016.

Như vậy, sau hai năm kể từ khi nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt, OGC vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Khoản lỗ khủng trong năm 2016 đã đóng góp thêm vào con số lỗ lũy kế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối năm ở mức 2,482 tỷ đồng. Được biết, nguyên nhân thua lỗ năm 2016 chủ yếu đến từ sự sụt giảm mạnh trong doanh thu hoạt động tài chính và các công ty liên kết cũng lỗ nặng.

Theo kết quả mới nhất trong quý 1/2017, OGC ghi nhận lãi hơn 4.5 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu OGC bắt đầu lao dốc sau vụ việc của ông Thắm và hiện cũng chỉ còn giao dịch trên ngưỡng 1,000 đồng/cp.

Doanh thu hoạt động kinh doanh chính không đủ bù đắp các khoản chi phí lớn như chi phí lãi vay, chi phí dự phòng phải thu khó đòi, chi phí khấu hao, chi phí phạt nộp chậm thuế, chi phí tiền lương,… khiến Thuận Thảo (UPCoM: GTT) lỗ ròng sau thuế năm 2016 gần 300 tỷ đồng. Năm 2017, GTT đặt kế hoạch giảm lỗ xuống 112.5 tỷ đồng.

Trước đó, 3 năm liên tiếp 2011-2013, GTT nổi tiếng với những kế hoạch kinh doanh “vẽ trên giấy” nhưng chỉ thực hiện trên dưới 1% kế hoạch lãi đã đề ra. Giai đoạn từ 2008-2013, lợi nhuận khác không chỉ là khoản thu thường xuyên, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận cuối cùng của GTT mà còn là “cứu tinh” giúp Công ty thoát lỗ nặng. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, GTT ngập trong thua lỗ và chính thức bị hủy niêm yết từ tháng 5/2016 do do tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015.

Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (UPCoM: VLF) cũng ngậm ngùi đặt kế hoạch lỗ 33 tỷ đồng trong năm 2017. Được biết, năm 2016, VLF báo lỗ 40 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp thua lỗ kể từ năm 2013. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2016 âm 39 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối áp sát mức âm 200 tỷ đồng.

Quay lại ĐHĐCĐ bất thường lần 2/2015 trước đó, Ban lãnh đạo VLF cho biết sẽ tìm đối tác tham gia tái cấu trúc công ty trong năm 2016, nhằm khôi phục sản xuất. Nếu không tìm được đối tác Công ty sẽ thực hiện bán toàn bộ tài sản để thanh toán nợ đến hạn; nếu đủ trả nợ và còn thừa tiền sẽ cho tiến hành giải thể. Trong trường HĐQT tính toán và dự tính cân đối nguồn thu từ bán toàn bộ tài sản nhưng không đủ cho các chủ nợ, sẽ tiến hành mở thủ tục phá sản và giao toàn bộ tài sản cho Tòa án xử lý để thanh toán cho các chủ nợ.

Giá cổ phiếu GTT và VLF chỉ còn giao dịch ở mức vài trăm đồng một cổ phiếu từ đầu năm 2016 và hiện nằm tại 400-500 đồng/cp những phiên gần đây.

Từ một doanh nghiệp được coi là thành công của ngành thương mại với lợi nhuận tốt và nhiều tiềm năng ở khối tài sản khổng lồ, XNK Tổng hợp 1 Việt Nam (HNX: TH1) đã liên tục kinh doanh sa sút trong vòng 5 năm gần đây. Năm 2016, doanh thu thuần giảm 70% so với năm 2015, lỗ ròng gần 134 tỷ đồng do phải phải bù đắp các khoản trích lập dự phòng đối với các khoản nợ khó đòi từ nhiều năm trước, trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán giảm giá, chi phí lãi vay ngân hàng cao, chênh lệch tỷ giá.

Năm 2017, HT1 đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 618 tỷ đồng, lỗ ròng sau thuế 10.4 tỷ đồng. Với khoản lỗ hai năm 2015 và 2016 đều trên 130 tỷ đồng, mục tiêu tiếp tục lỗ trong năm 2017 cho thấy HT1 đã chuẩn bị sẵn “tâm lý” rời sàn. Quý 1/2017, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế trên 29 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng chứng khoán kinh doanh, trong khi cùng kỳ lỗ gần 16 tỷ đồng.

Trên sàn giao dịch TH1 cũng đang ở trạng thái hết sức bi đát, giá cổ phiếu đã giảm gần 70% giá trị so với thời điểm đầu năm 2016 và hiện đang ở mức 6,200 đồng/cp.

Năm 2016 khó khăn do tình hình giá dầu trên thế giới giảm sâu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cũng khiến Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVCoating – HNX: PVB) dự kiến sẽ vẫn lỗ tiếp gần 25 tỷ đồng trong năm 2017, đồng thời không chia cổ tức năm nay.

Trước đó, mặc dù đặt kế hoạch lãi ròng 2016 chỉ vỏn vẹn gần 5 tỷ đồng, chưa tới 4% thực hiện 2015, nhưng Công ty đã không hoàn thành kế hoạch mà còn ghi nhận lỗ tới 54 tỷ đồng. Đây cũng là năm lỗ đầu tiên trong vòng 8 năm qua của PVB.

Theo đó, toàn bộ 21.6 triệu cổ phiếu PVB bị đưa vào diện cảnh báo từ 27/2/2017 do lợi nhuận sau thuế năm 2016 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 trên BCTC kiểm toán năm 2016 là số âm. Cổ phiếu PVB cũng đã giảm mạnh 60% so với thời điểm đầu năm 2016, xuống chỉ còn 10,500 đồng/cp chốt phiên giao dịch 15/05/2017./.

Các tin tức khác

>   4 tháng lãi trước thuế của FPT đạt 904 tỷ, bằng 26% kế hoạch cả năm (18/05/2017)

>   SJM: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (18/05/2017)

>   Đất Xanh bắt tay "Chúa Đảo" làm dự án Tuần Châu (18/05/2017)

>   AGF: Nhắc nhở chậm CBTT BCTC soát xét niên độ 01/10/2016 đến 31/03/2017 (18/05/2017)

>   PPI: Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi nhân sự HĐQT (18/05/2017)

>   BMSC: Thông báo giấy phép điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán (người đại diện theo pháp luật) (18/05/2017)

>   HNX: Danh sách chứng khoán đăng ký giao dịch của Bảng Cảnh báo nhà đầu tư đến ngày 19/05/2017 (18/05/2017)

>   Minh Phú thu về 45 tỷ đồng lãi ròng quý 1/2017 (18/05/2017)

>   Phát Đạt tạm dừng mua bán dự án River City để chuẩn bị cho cuộc “lột xác” mới? (18/05/2017)

>   CZC: Điều lệ tổ chức và hoạt động (18/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật