Lao dốc hơn 4%, giá dầu rớt mốc 46 USD/thùng
Giá dầu rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2016 vào ngày thứ Năm, khi mối lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu đã xóa đi phần lớn đà tăng từ khi OPEC ký kết thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong 8 năm, Reuters cho hay.
Vào lúc 16h09 (giờ GMT), các hợp đồng dầu WTI tương lai sụt 2.05 USD (tương ứng 4.3%) xuống 45.77 USD/thùng, mức thấp nhất trong 5 tháng.
Còn các hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 2.10 USD (tương ứng 4.1%) xuống 48.69 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2016.
Được biết, các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào ngày 30/11/2016 nhằm xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu.
Dù dự trữ dầu thô toàn cầu đã bắt đầu sụt giảm, nhưng mức sản lượng ngày càng tăng của các quốc gia không ký kết thỏa thuận như Mỹ một lần nữa lại thử thách niềm tin của nhà đầu tư về nỗ lực của các nhà sản xuất dầu chủ chốt trong và ngoài OPEC.
12h18 (giờ GMT): Dầu WTI bất chợt rớt mốc 47 USD xuống thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2016
Giá dầu Brent cũng rớt mốc 50 USD/thùng
Các hợp đồng dầu WTI tương lai rớt mốc 47 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đồng thời chạm mức thấp nhất trong năm nay sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu tại Mỹ giảm yếu hơn dự báo, Reuters cho hay.
Dữ liệu Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô nội địa sụt 930,000 thùng trong tuần kết thúc ngày 28/04/2017, thấp hơn rất nhiều so với dự báo giảm 2.3 triệu thùng từ các nhà phân tích. Được biết, dù nguồn cung dầu đã giảm liên tục trong 4 tuần vừa qua, nhưng hiện chỉ cách mức cao kỷ lục 7 triệu thùng.
Tính đến lúc 12h18 (giờ GMT), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI tương lai trên sàn Nymex đã sụt 97 xu (tương ứng 2%) xuống 46.85 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2016.
Còn các hợp đồng dầu Brent tương lai trên sàn London hạ 95 xu (tương ứng 1.9%) xuống 49.84 USD/thùng, cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2016.
Bên cạnh đó, các hợp đồng xăng tương lai cũng lao dốc gần 2.1% sau khi báo cáo cho thấy đà suy yếu kéo dài của nhu cầu đối với gas. Hiện hợp đồng này đã giảm hơn 6% trong năm 2017.
Sự gia tăng của sản lượng dầu tại Mỹ và nguồn cung ở mức cao trong thời gian dài chính là những lý do chi phối giá dầu. Bên cạnh đó, mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng tác động rất mạnh đến giá dầu.
Tính tới tháng 4/2017, sản lượng dầu của OPEC đã giảm 4 tháng liền, khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu là Ả-rập Xê-út giữ sản lượng dưới mức mục tiêu. Điều này đã giúp giảm bớt phần nào tác động tiêu cực từ mức độ tuân thủ thấp hơn của các thành viên khác.
Nga – quốc gia cắt giảm sản lượng nhiều nhất trong các nhà sản xuất ngoài OPEC – cho biết tính tới ngày 01/05/2017, quốc gia này đã cắt giảm hơn 300,000 thùng/ngày kể từ khi sản lượng chạm đỉnh trong tháng 10/2016./.
|