Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: CII, BBC, AAA, KLF… dậy sóng
Tâm điểm lãnh đạo giao dịch tuần qua (16-22/05) khiến nhà đầu tư chú ý có lẽ đến từ các mã đã từng làm mưa làm gió trên thị trường như CII, BBC, AAA, KLF... Bên cạnh đó, có những giao dịch khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi khi cổ phiếu lên đỉnh hoặc xuống đáy thì lãnh đạo đều nhảy vào mua/bán thuận hay ngược với thị trường.
Giữa lúc cổ phiếu CII đang đi lên thì Tổng giám đốc Lê Quốc Bình công bố muốn bán ra gần hết số lượng cổ phiếu đang nắm giữ 2.21/2.66 triệu cp, chiếm 1.1% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian giao dịch thỏa thuận này dự kiến từ 24/05 đến 22/06. Mục đích giao dịch được vị Tổng giám đốc cho biết là để trả nợ ngân hàng; mua cổ phần CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (HOSE: CEE); góp vốn vào CTCP Đầu tư Tân Tam Mã; đóng tiền nhà Thủ Thiêm.
Trong khi đó, CEE là công ty thành viên của CII vừa mới lên sàn HOSE, và ông Bình cũng bắt đầu đăng ký mua vào nhưng chỉ 500,000 cp CEE. Còn Tân Tam Mã là công ty mà ông Bình, ông Lê Vũ Hoàng - Chủ tịch HĐQT CII và bà Nguyễn Mai Bảo Trâm - Thành viên HĐQT CII là 3 nhân vật chủ chốt.
Sau thông tin này, cổ phiếu CII đang đỏ lửa phiên thứ 3 liên tiếp, xuống mức 38,400 đồng/cp chốt ngày 22/05. Liệu lịch sử có lặp lại như hồi giai đoạn tháng 8/2015 ông Bình có giao dịch bán 12.5 triệu cp và 8.5 triệu cp CII khiến cổ phiếu này rớt xuống mức dưới 20,000 đồng/cp?
Và một điều đáng nói thêm, sau đợt gây bão đó, vị Chủ tịch này đã đăng đàn và cho biết "từ nay trở đi, tôi cam kết không mua, không bán cổ phiếu CII nữa, sợ lắm rồi"...
Ngược lại, hoạt động kinh doanh của CII trong quý 1/2017 lại đột biến với lãi ròng tới 1,227 tỷ đồng.
Sau một thời gian yên ắng, BBC lại dậy sóng trước thềm ĐHĐCĐ 2017 với việc Phó Chủ tịch và Thành viên HĐQT muốn bán gần hết lượng cổ phần đang nắm giữ. Trong đó, ông Trương Phú Chiến - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc quyết định bán ra 110,000 cp trong tổng số đang nắm giữ 118,075 cp (0.77%). Còn ông Võ Ngọc Thành - Thành viên HĐQT BBC đăng ký bán 300,000 cp trong tổng số đang nắm giữ 302,500 cp (1.96%).
Trong khi đó, tại thời điểm năm 2016, hai cổ đông lớn nhất của BBC là CTCP Thực phẩm PAN đang nắm 43.73% vốn BBC, còn Lotte Confection nắm 44.03%. Theo báo cáo thường niên 2017, BBC đặt kế hoạch doanh thu thuần 1,400 tỷ đồng, tăng gần 9% so năm 2016. Lợi nhuận sau thuế 87 tỷ đồng, tăng nhẹ 6.5%.
Liệu ĐHĐCĐ tới đây của BBC sẽ biến động gì lớn hay không khi Lotte vẫn muốn thâm nhập sâu hơn còn PAN Food quyết tâm không thoái vốn tại đây?
Cũng là một cổ phiếu từng gây rất nhiều chú ý cho nhà đầu tư trong quá khứ, nay AAA tiếp tục gây ấn tượng khi đưa công ty thành viên là Nhựa và Khoáng sản An Phát - Yên Bái (AnPhat Mineral) lên sàn HOSE; đồng thời lãnh đạo chủ chốt của AAA sẽ chuyển toàn bộ cổ phần sang cho công ty An Phát Holdings, hướng đến việc nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Theo đó Chủ tịch Phạm Ánh Dương sẽ chuyển nhượng toàn bộ 16.26% vốn theo phương án thỏa thuận từ ngày 22/05 đến 20/06, còn Thành viên HĐQT Nguyễn Lê Trung cũng sẽ chuyển nhượng hết 10.92% vốn AAA.
Cổ phiếu KLF cũng đang bắt đầu tạo sóng khi Thủy hải sản Liên Thành tiếp tục công cuộc lướt sóng lượng lớn cổ phiếu. Trong khi đó, Chủ tịch KLF cùng Ủy viên HĐQT đang cật lực mua vào 750,000 cp dù giá chỉ quanh mức 2,500 đồng/cp.
Mặc dù niêm yết trên UPCoM, nhưng cổ phiếu QPH từ cuối năm 2016 biến động khá bất thường khi từ mức giá hơn 11,000 đồng đột nhiên vọt lên 32,000 đồng/cp rồi lại rớt thảm hại xuống mức cũ chỉ trong tích tắc vài phiên. Và từ cuối tháng 4/2017 đến nay QPH cũng đang trở lại sự biến động cực lớn này khi Điện lực Trung Sơn đều đặn gom vào tăng nắm giữ sau khi được cổ đông cho phép chào mua công khai để tăng sở hữu lên trên 24% vốn. Và một trong những người chịu bán QPH có người cầm trịch là Chủ tịch Thái Phong Nhã với hơn 16% vốn (gần 3 triệu cp).
Ngược lại, Tổng giám đốc Lê Thái Hưng lần đầu đăng ký mua vào 1.5 triệu cp để đầu tư dài hạn.
“Nhờ đó” giá cổ phiếu QPH đã giảm từ mức trên 21,000 đồng/cp để xuống 13,200 đồng/cp kết phiên hôm 22/05.
Tuần qua cũng ghi nhận rất nhiều giao dịch của ban lãnh đạo và người nhà khi cổ phiếu tăng vọt như tại DHD Ủy viên HĐQT và người nhà đã đồng loạt chốt lời khi cổ phiếu tăng gấp đôi dù mới lên sàn, giao dịch tại mức 41,000 đồng/cp. Tương tự, giá cổ phiếu SSN đã tăng tới 186% so với hồi niêm yết, Phó tổng giám đốc Nguyễn Nhân Kiệt đã muốn bán bớt 6.2 triệu cp trong tổng số đang nắm giữ hơn 18 triệu cp SSN.
Ngược lại, cổ phiếu IFC đã giảm 27% trong hai tuần qua khiến Chủ tịch Võ Ngọc Xuân bắt đầu tháo chạy khi đăng ký thoái hết 20% vốn, tương ứng 600,000 cp IFC.
Ngoài ra, mặc dù giao dịch mua chui từ năm 2015 nhưng đến nay UBCKNN mới ra quyết định xử phạt con trai của Chủ tịch MCG 15 triệu đồng do không báo cáo việc dự kiến giao dịch mua 27,320 cp trong thời điểm cuối năm 2015./.
|