Hết chưa số phận đong đưa?
“Xóa mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân”! Tầng lớp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thở phào vì ít ra quyết nghị của Hội nghị Trung ương 5 nói lên quyết tâm của một Chính phủ kiến tạo, sẵn sàng tìm mọi cách nhằm vực dậy khu vực kinh tế tư nhân, nhưng quan trọng hơn đó chính là tiếng gõ cửa của Chính phủ đến các cấp thừa hành để làm sao đưa kinh tế tư nhân thành nguồn động lực phát triển chính.
Thật ra, đến bây giờ mới xóa bỏ định kiến và rào cản với DNNVV là quá trễ, nhưng tin vẫn chưa tắc đường thông.
Đối với một đất nước như Vương quốc Anh chẳng hạn, trong quá khứ từng có đội thương thuyền mạnh nhất thế giới, sự tăng trưởng kinh tế của họ hiện nay đến 99,5% là dựa vào kinh tế tư nhân và DNNVV. Các DNNVV của họ cho đến bây giờ vẫn không ngừng nhận được sự hỗ trợ, được khuyến khích tăng trưởng và mở rộng.
Việt Nam về con số đâu có thua, trong tổng số lượng doanh nghiệp hiện có, DNNVV chiếm tỷ trọng đến 97,5%! Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển, họ gặp không ít khó khăn và sự nản lòng.
Bỏ qua cái suy nghĩ bắt chước không đến nơi đến chốn của những người thủ cựu dựa vào tư tưởng Khổng Nho, mà “thương” là tầng lớp bị xếp cuối cùng khi người ta xem trọng sĩ, nông, công mới đến thương. DNNVV của nước ta quả phải chịu số phận ba chìm bảy nổi. Từ cơ chế xin-cho làm mất biết bao cơ hội phát triển một nền kinh tế tư nhân lành mạnh, đến một thời gian dài khổ sở với nhũng nhiễu to nhỏ của các cấp thừa hành, hoạt động kinh doanh không biết mình trúng hay trật vì những người thực thi không chiếu theo luật mà thích dựa vào lệ... Đến nỗi cái trứng vịt hay trứng gà mà cứ tưởng là “trứng vàng” nên doanh nghiệp và nông dân phải è cổ ra đóng không biết bao nhiêu thứ phí!
Thôi, hãy đóng lại cái quá khứ “đong đưa” ấy. Tại sao không có quyền hy vọng một ngày mai tươi sáng nhỉ?
Đối với nhiều nước, kể cả các nước phát triển như Vương quốc Anh hay nhiều nước khối EU chẳng hạn, phải nói rằng nền kinh tế của họ mạnh là nhờ lấy kinh tế tư nhân làm “sống lưng” để phát triển. Dĩ nhiên tầm vóc, kích cỡ, vốn liếng kể cả kinh nghiệm của các DNNVV của họ lớn hơn của nước ta gấp nhiều lần.
Tầm cỡ DNNVV của nước ta chủ yếu chừng mươi tỉ đồng vốn, vài mươi lao động mà hô hào đẩy họ “ra biển lớn” liệu có ngộ, có mơ mòng lắm không?
Nhiều người đi nước ngoài về thường chê trụ sở các cơ quan quản lý kinh tế, kinh doanh xứ người không hoành tráng bằng ta. Thật ra, bộ máy phục vụ nền kinh tế của họ đã chuyển thành những cơ sở dịch vụ để phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp. Ở đâu yếu khâu kế toán, có dịch vụ bày tận tình. Ở đâu không biết cách tiếp cận vốn và tín dụng, có người đến huấn luyện. Thậm chí nay là thời buổi thương mại điện tử (e-commerce), thì cũng chính các cơ quan dịch vụ đến hỗ trợ giúp cho các doanh nghiệp nào muốn đi vào kinh doanh theo con đường ấy. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh doanh cực kỳ gọn nhẹ, tất cả các phần việc cần hỗ trợ DNNVV đều giao cho các bộ phận dịch vụ thông qua các hợp đồng phụ, một phần được quỹ hỗ trợ DNNVV tài trợ, một phần doanh nghiệp phải trả phí.
Điều này có khi là bài học hay cho bộ máy quản lý kinh tế nước ta thật. Một hôm, có một anh đại diện nhà đầu tư nước ngoài buột miệng nói rằng “dân tình mấy ông rất dễ gần gũi, mặt ai cũng tươi cười, nhưng hoạt động kinh doanh ở nước ông tôi vẫn có cảm giác không được đối xử thân thiện”. Tôi hỏi cớ sao ông ta nói vậy, hay vì do các cản trở về ngôn ngữ? “Không, cả một công sở to đùng người đi vào có thể bị lạc, nhưng không có một cái bàn để tiếp nhà đầu tư khi họ gặp khó khăn...”, ông ta giải thích. Phải chăng đó là tiếng lòng của bạn bè và cũng là của DNNVV ở nước ta.
Xóa mọi định kiến, rào cản đối với kinh tế tư nhân, đó chính là yêu cầu của Chính phủ kiến tạo đối với cấp thừa hành của mình, và chính là mệnh lệnh trái tim của những người đang tham gia công tác quản lý kinh tế tại các địa phương, thậm chí đến cấp phường cấp xã.
Cái “cốt nền” của DNNVV của nước ta không giàu như Tây như Tàu, kinh nghiệm trận mạc, thương trường không nhiều mấy, họ là những nhà kinh doanh nhỏ, đem vốn liếng và kinh nghiệm của mình và gia đình, anh em bạn bè ra để một mặt kiếm miếng cơm manh áo, mặt khác đóng thuế vì sự phát triển của đất nước. Nếu không thấy được thực chất như thế mà cứ nghĩ ai làm kinh tế đều giàu, ai giàu cũng nhờ gian... thì quả không thể khuyến khích DNNVV được!
http://www.thesaigontimes.vn/160159/Het-chua-so-phan-dong-dua.html
|