EU muốn gỗ tiêu thụ tại Việt Nam cũng phải hợp pháp
Để xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) được thuận lợi, Việt Nam phải đảm bảo tiến tới các sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đều phải là gỗ hợp pháp, theo một Hiệp định vừa được ký tắt giữa Việt Nam và EU.
Ngày 11-5 vừa qua, bà Astrid Schomaker, Giám đốc Phát triển bền vững toàn cầu thuộc Tổng cục Môi trường, Ủy ban châu Âu và ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam đã ký tắt văn bản của Hiệp định VPA. Sau đó, hiệp định sẽ được hai nước thông qua dựa trên văn bản đã ký tắt trước đó.
Đây là hiệp định đối tác tự nguyện và thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được đàm phán từ tháng 11-2010 giữa Việt Nam và EU. Mục tiêu của Hiệp định VPA/FLEGT với EU là để mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS), phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU.
FLEGT-VPA sẽ đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Úc, Nhật….do khi có được VPA, ngành gỗ Việt Nam sẽ tạo được danh tiếng tốt hơn trên thị trường quốc tế, và kỳ vọng sẽ tiếp cận và mở rộng thêm thị trường cho các sản phẩm của mình.
Trả lời TBKTSG Online tại hội thảo về lâm nghiệp cuối tuần trước, giám đốc một doanh nghiệp gỗ tại Bình Định cho hay, doanh nghiệp gỗ của ông và nhiều doanh nghiệp gỗ ở Bình Định từ lâu đã không sử dụng gỗ bất hợp pháp. Nguồn nguyên liệu gỗ dùng để xuất khẩu chủ yếu là gỗ rừng trồng trong nước hoặc là các loại gỗ nhập khẩu từ Mỹ có chứng chỉ rừng bền vững FSC.
Khái niệm gỗ hợp pháp của EU
Tuy nhiên, khái niệm gỗ hợp pháp của EU rất rộng. Doanh nghiệp xuất khẩu ngoài việc đáp ứng nguồn gốc gỗ hợp pháp còn phải đáp ứng các quy định về chế độ với người lao động như giờ làm thêm, bảo hiểm xã hội; về bảo vệ môi trường như nguồn nước thải nhà máy, khí thải…. “Điều này sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh giá xuất khẩu thì phải giảm xuống”, vị giám đốc này nói.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), dù hai bên đã thống nhất đàm phán và ký tắt văn bản nhưng để đưa được VPA/FLEGT vào thực thi còn rất nhiều việc phải làm.
Theo đó, FLEGT vận hành theo cách nếu một công ty gỗ đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý như EU và Việt Nam đàm phán, công ty đó sẽ được một cơ quan chức năng của Việt Nam cấp giấy phép để xuất khẩu sản phẩm của mình vào thị trường EU mà không phải thực hiện các thủ tục kiểm định hải quan như trước.
Ngược lại, nếu không có giấy phép FLEGT, doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu sản phẩm gỗ vào EU, nhưng phải thực hiện trách nhiệm giải trình (due dilligence) như cần có bằng chứng về gỗ được khai thác hợp pháp, hóa đơn chứng từ liên quan, giấy phép vận chuyển, nguồn gốc gỗ, bằng chứng về tuân thủ các yêu cầu có liên quan đến sử dụng lao động và môi trường….
“Do đó, phải hình thành một cơ quan cấp phép FLEGT có đủ năng lực, không cửa quyền, không gây tiêu cực khi cấp phép. Đồng thời, phải có hệ thống giám sát để đảm bảo cấp phép hoạt động nghiêm chỉnh theo đúng cam kết của hai bên", ông Hoài nói.
Quy định cho thị trường gỗ trong nước
Bên cạnh những quy định nghiêm ngặt về vấn đề nguồn gốc gỗ hợp pháp, lao động, môi trường... VPA/FLEGT còn có những quy định liên quan tới cả thị trường gỗ trong nước.
Theo trang EUFLEGT facility, VPA không chỉ đảm bảo khai thác gỗ ở Việt Nam là hợp pháp mà còn yêu cầu Việt Nam thực hiện cam kết xây dựng thủ tục và quy định pháp luật nhằm ngăn chặn gỗ khai thác trái phép xâm nhập vào chuỗi cung ứng của Việt Nam.
Chỉ khi nào EU và Việt Nam hài lòng rằng hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) đáp ứng các cam kết nêu trong VPA, Việt Nam mới được cấp phép FLEGT cho các sản phẩm xuất khẩu sang EU. Và khi đó, doanh nghiệp mới không phải thực hiện trách nhiệm giải trình.
Ông Hoài cho biết, theo VPA, Việt Nam không chỉ đề cập tới xuất khẩu gỗ sang EU mà cả thương mại đồ gỗ nội địa, tức nguồn gỗ tiêu thụ nội địa cũng phải là gỗ hợp pháp và việc này phải làm đồng thời tới khi lô gỗ đầu tiên được cấp FLEGT.
Đây sẽ là một thách thức lớn đối với làng nghề, nơi chủ yếu dùng gỗ không có nguồn gốc và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện chỉ doanh nghiệp lớn, đang xuất khẩu gỗ sang EU đã có điều kiện để tuân thủ nghiêm ngặt quy định EU, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong nước chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ các quy định này. Đặc biệt, các làng nghề vẫn sử dụng gỗ khai thác tự nhiên, gỗ nhập khẩu từ châu Phi và nhiều nước khác nhau để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. “Do đó, cần đẩy mạnh nhận thức của người tiêu dùng nội địa tiêu thụ gỗ hợp pháp. Đây là câu chuyện không thể làm nhanh được”, ông Hoài nói.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends cho hay, theo kinh nghiệm của nhiều nước đã ký kết FLEGT VPA với EU, mục đích của EU là muốn gỗ sản xuất và tiêu thụ tại chính các nước đã ký FLEGT-VPA đều là hợp pháp. Hiện nay có 6 nước đã ký với EU, 9 nước đang đàm phán, trong đó có Việt Nam.
Khi ký kết, Việt Nam sẽ phải có cơ chế hiệu quả nhằm loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi thị trường. Như vậy, sẽ phải có cơ chế quản lý để sản phẩm gỗ sản tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu đều là gỗ hợp pháp.
Cho biết tại một buổi họp báo gần đây liên quan tới ký kết VPA/FLEGT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, muốn tham gia vào thị trường thế giới thì phải đảm bảo sự hài hòa chung và phải chấp nhận luật chơi chung. “Thị trường luôn thay đổi và chúng ta phải luôn thích ứng”, ông Tuấn nói và cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi, cửa quyền trong việc cấp chứng chỉ FLEGT, hướng tới sự minh bạch thông qua việc cấp giấy phép điện tử”.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 5 đạt 513 triệu đô la Mỹ, đưa khối lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 5 tháng đầu năm ước đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016. Mỹ, Trung Quốc, và Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm 69,1% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Trung Quốc (35,6%), Mỹ (16,1%), Hàn Quốc (14,7%), Đức (11,2%), Úc (11,1%) và Canada (11%).
|
http://www.thesaigontimes.vn/160737/EU-muon-go-tieu-thu-tai-Viet-Nam-cung-phai-hop-phap.html
|