Doanh nghiệp thép tiếp tục thắng lớn trong quý đầu năm 2017
Quý 1/2017, với nhu cầu thép trên thị trường tăng mạnh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, khiến doanh thu và lãi ròng tại nhiều doanh nghiệp thép niêm yết đạt kết quả tích cực.
Kết thúc quý 1/2017, tổng doanh thu của 28 doanh nghiệp ngành thép đạt 42,421 tỷ, lãi ròng đạt 3,509 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 23% và 96% so với cùng kỳ, tiếp tục đánh dấu một chặng đường thắng lợi mới sau năm 2016.
Trong đó, 68% doanh nghiệp niêm yết trong ngành báo tăng lãi với mức tăng thậm chí đạt hơn 570%. Đáng chú ý có Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN) và Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) chuyển lỗ thành lãi lớn.
Ở chiều ngược lại, mặc dù vẫn báo lãi nhưng do áp lực chi phí còn cao, khiến 8 đơn vị ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Riêng HLA tiếp tục thua lỗ với mức lỗ hơn 53 tỷ đồng trong quý 2/2017.
Lãi ròng 28 doanh nghiệp ngành thép trong quý 1/2017
HSG: BCTC quý 2 (01/01 - 31/03/2017)
|
Ra quân đầu năm thắng lớn
Đầu tiên có lẽ phải nhắc đến Thép Pomina (POM) với lãi ròng tăng hơn 571%, từ mức 30 tỷ (quý 1/2016) lên mức 204 tỷ đồng trong quý 1/2017. Theo POM chia sẻ, sở dĩ lãi quý 1 đột biến do thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh, đẩy giá nguyên liệu tăng nên lợi nhuận ngành thép cao.
Chỉ sau 3 tháng đầu năm 2017, Công ty đã thực hiện được 23% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lãi ròng. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ trên, tại ĐHĐCĐ năm 2017 vừa qua, ban lãnh đạo Công ty lạc quan rằng mục tiêu cả năm chắc chắn sẽ thực hiện được. Hơn nữa, Công ty dự kiến quý 3 sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm và khi đó POM có thể phải điều chỉnh lại chỉ tiêu kinh doanh.
Một doanh nghiệp trong ngành khác cũng đạt mức tăng trưởng lãi ròng trên 500% là Thép Dana - Ý (DNY), với doanh thu đạt 456 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 6 lần, đạt 9.6 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía Công ty, trong kỳ sản lượng tiêu thụ tăng làm tăng doanh thu. Đồng thời giá bán tăng hơn 10%, trong khi nguyên vật liệu tồn kho cuối năm trước vẫn còn giá thấp khiến lợi nhuận thu về tăng cao so với quý 1/2016.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh trong kỳ ghi nhận tăng trưởng cao so với cùng kỳ còn có DTL (tăng 462.5%), DNS (tăng 400%), VCA (tăng 325%), VTV (tăng 275%), …
Doanh nghiệp thép tăng lãi trong quý 1/2017
|
Song, nếu xét về giá trị tuyệt đối, ông lớn Hòa Phát (HPG) vẫn là đơn vị có lợi nhuận lớn nhất toàn ngành. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn đạt doanh thu 10,400 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1,935 tỷ đồng, tăng tương ứng 44% và 90% so với cùng kỳ 2016. Với kế hoạch năm 2017 đi thụt lùi, doanh thu ở mức 40,000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 6,000 tỷ đồng cho năm 2017, Tập đoàn đã thực hiện được 26% chỉ tiêu doanh thu và hơn 32% chỉ tiêu lãi ròng sau 3 tháng đầu năm.
Chuyển lỗ thành lãi
Doanh thu quý 1/2017 tăng 183% lên 447 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ, trong khi cùng kỳ năm 2016 lỗ hơn 3.5 tỷ đồng là kết quả ghi nhận tại TNS.
Sỡ dĩ Công ty đạt được kết quả trên do các tháng đầu năm 2017 thị trường thép liên tục chuyển biến tích cực, nhu cầu thép tăng cao dẫn đến sản lượng sản xuất kinh doanh được cải thiện, phía TNS cho biết. Đồng thời, việc gia tăng sản lượng trong quý 1/2017 lại giúp Công ty giảm được chi phí sản xuất, giá thành phân xưởng và tiêu hao kỹ thuật.
Giao dịch cổ phiếu TNS từ đầu năm 2017 đến nay
Mặc dù vậy, giao dịch cổ phiếu TNS trên thị trường lại liên tục lao dốc, từ mức 4,400 đồng/cp hồi đầu năm (02/01/2017) xuống còn 1,700 đồng/cp (21/04/2017), tương ứng giảm hơn 61%.
|
Tương tự tại TVN, quý 1/2017 ghi nhận lãi gần 60 tỷ đồng từ công ty liên kết (trong khi cùng kỳ năm 2016 lỗ hơn 150 tỷ). Do đó, lợi nhuận sau thuế Công ty cũng chuyển từ lỗ 4.5 tỷ (quý 1/2016) sang lãi hơn 207 tỷ đồng (quý 1/2017).
Song, năm 2017, ông lớn TVN chỉ đặt kế hoạch lãi trước thuế 300 tỷ đồng, giảm đáng kể so với kết quả năm 2016.
Nhưng cả năm 2017 sẽ khó khăn hơn?
Có thể nói năm 2016 là một năm khá thắng lợi đối với ngành thép Việt Nam, đa số doanh nghiệp đạt được những con số khá ấn tượng về hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, bước sang năm 2017, chỉ tiêu đề ra tại hầu hết đơn vị trong ngành ở mức tương đối an toàn, thậm chí còn đi lùi so với kết quả năm 2016.
Đơn cử có SMC đề ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ có 150 tỷ đồng, chưa bằng 50% lãi ròng năm 2016. Tại ĐHĐCĐ vừa qua, SMC nhận định 2017 là một năm bùng nổ của hoạt động sản xuất kinh doanh thép của cả doanh nghiệp sản xuất và thương mại, đặc biệt là việc triển khai các siêu dự án như thép Cà Ná và thép Dung Quất. Điều này sẽ gia tăng tính cạnh tranh và giành giật thị trường quyết liệt trong những năm tới. Vì vậy, HĐQT Công ty cho rằng hiệu quả của SMC trong năm nay dự báo sẽ không thể nào so sánh với năm 2016.
Một nguyên nhân khác được ông Đặng Huy Hiệp – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HMC chia sẻ, là do tình hình giá thép trên thế giới diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt từ quốc gia láng giềng Trung Quốc. Khi mà, Trung Quốc trên vai trò là một nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đang dư thừa nguồn cung, nhu cầu trong nước sở tại lại trầm lắng, sẽ dẫn đến việc Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước khác trong thời gian tới. Ngoài ra, các sản phẩm thép của Trung Quốc đang phải chịu thuế chống bán phá giá tại Mỹ, EU, … như vậy tại các thị trường khác (trong đó có Việt Nam) dự kiến tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi một lượng lớn thép xuất khẩu giá rẻ từ quốc gia đông dân này.
Theo đó, các nhà máy sản xuất thép trong nước tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là lĩnh vực thép xây dựng, dẫn đến thị trường thép năm 2017 được dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn. Ông Hiệp cũng nhấn mạnh, với diễn biến khó lường của thị trường thép như đã phân tích, không chỉ Kim khí TP.HCM – Vnsteel, mà còn nhiều doanh nghiệp thép khác, bao gồm cả những đơn vị lớn có lợi thế cạnh tranh vẫn hạ chỉ tiêu kinh doanh về mức an toàn. Riêng HMC cũng hạ chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2017 xuống còn 32 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với thực hiện năm 2016.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của TVN, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch HĐQT cũng khẳng định, trong năm 2016 thị trường thép có nhiều khởi sắc với mức tăng trưởng trên 20%, hoạt động sản xuất kinh doanh của TVN có hiệu quả và nhiều công ty thành viên có lãi lớn. Nhưng bước sang năm 2017, TVN đánh giá thận trọng về thị trường thép với mức tăng trưởng chỉ khoảng 10-12%.
Ông Đa còn cho biết, mặc dù trong quý 1/2017, hoạt động kinh doanh của TVN vẫn tốt với tổng lợi nhuận của các đơn vị trong hệ thống khoảng hơn 400 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 257 tỷ đồng nhưng sang quý 2, tình hình nhận định thị trường thay đổi một cách đột ngột với khả năng cạnh tranh được dự báo ngày càng lớn đặc biệt là thị trường Trung Quốc, giá sản phẩm giảm mạnh của TVN giảm 600,000-700,000 đồng/tấn so với đầu năm.
8 đơn vị giảm lãi
Ngược lại với nhiều doanh nghiệp, mặc dù nhu cầu thép quý 1 nhìn chung tăng tương đối, tuy nhiên doanh thu DPS chỉ đạt 210 tỷ đồng, giảm đến 81% so với quý 1/2016. Không những vậy, trong kỳ do giá vốn hàng bán tăng, nên lãi ròng DPS giảm hơn 86%, từ mức 14.5 tỷ (quý 1/2016) giảm còn 2 tỷ đồng (quý 1/2017).
Với Ống Thép Việt Đức (VGS), quý 1/2017 giá USD tăng cao so với cùng kỳ, theo đó giá nguyên vật liệu nhập khẩu tương ứng tăng mạnh. Trong khi nguyên vật liệu của Công ty chủ yếu lại từ nhập khẩu. Đồng thời, giá thép trong kỳ tăng đẩy chi phí lãi vay tăng, mặt khác Công ty phải điều chỉnh giảm giá bán trước biến động giá khiến kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng. Kết quả là, lãi ròng trong kỳ chỉ còn 13 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với quý 1/2016.
Hay KKC do phải trích lập quỹ lương khiến chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạnh. Theo đó, lãi ròng KKC quý 1/2017 chỉ đạt 6 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp thép giảm lãi trong quý 1/2017
|
|
|