Thứ Bảy, 27/05/2017 09:09

ĐHĐCĐ Vĩnh Cửu: Khi nào hết khó?

Khác với mọi năm, ĐHĐCĐ của CTCP Vĩnh Cửu (Vinhcuu) năm 2017 diễn ra khá “thân mật” với 8 cổ đông tham dự, trong đó chủ yếu là cổ đông nội bộ. Vẫn câu chuyện áp lực nợ vay, thiếu hụt vốn lưu động, con đường tiếp theo của Vĩnh Cửu sẽ ra sao?

ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Vĩnh Cửu tổ chức chiều ngày 26/05/2017

“Đau đầu” về vốn lưu động

Mặc dù năm 2016 Công ty đạt lãi ròng vượt kế hoạch với hơn 7 tỷ đồng nhưng trên thực tế vẫn loay hoay với bài toán vốn lưu động, khi mà dòng tiền hoạt động Công ty gần như không có.

Kết thúc năm 2016, Công ty ghi nhận hơn 79 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng. Như vậy, nhờ thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc, hoạt động của Công ty theo đó cũng đạt được những thành tích tương đối, doanh thu vượt 13% và lãi ròng vượt 42% kế hoạch ban đầu.

Ông Nguyễn Vui – Chủ tịch HĐQT cho biết, thật ra Công ty đã rất cố gắng để giải quyết vấn đề này, nhưng vẫn chưa tìm được lối thoát cụ thể. Trong năm qua, Công ty cũng đã xoay sở vốn từ những cá nhân bên ngoài, song vẫn chưa đủ nhu cầu cần thiết.

Được biết, tổng nợ hiện tại Công ty đang có đạt hơn 50 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu Công ty chỉ đạt 40 tỷ. Như vậy, công tác huy động vốn đối với tình trạng hiện tại của Công ty tương đối khó khăn. Đơn hàng thì có sẵn, nhưng không có vốn thì khó lợi nhuận hóa được những cơ hội.

Phát hành cổ phiếu thì không ai mua, vay nợ ngân hàng thì khó lòng bởi tài sản đảm bảo không có, liệu con đường nào trước mắt cho Công ty?

Trước bế tắc này, đại diện Ngân hàng HDBank cho biết, mặc dù hạn mức dài hạn cho Vĩnh Cửu đã đầy, song ngân hàng vẫn sẽ xem xét để cấp hạn mức ngắn hạn cho Công ty trong thời gian tới.

Cùng với đó, cổ đông ý kiến Công ty nên tiếp tục đặt kế hoạch phát hành cổ phần nhằm huy động vốn. Có như vậy, Công ty mới có thể tính tiếp đến việc mở rộng đầu tư sản xuất, nhằm duy trì cũng như phát triển Vĩnh Cửu trong tương lai.

HDBank trở thành cổ đông lớn

Năm 2016, cổ đông Công ty thông qua việc phát hành 4 triệu cổ phiếu nhằm huy động vốn, trong đó HDBank nhận chuyển đổi 800,000 cổ phiếu, tương đương 8 tỷ đồng nhằm cấn trừ nợ. Tuy nhiên, 3.2 triệu cổ phiếu phát hành công khai còn lại vẫn bị “ế” do không có cổ đông đăng ký mua. Như vậy, vốn cổ phần đến nay của Công ty vẫn duy trì tại con số 40 tỷ đồng.

Về phía ngân hàng, được biết năm 2016 HDBank đã nhận chuyển đổi 800,000 cổ phiếu, tương đương 8 tỷ đồng nhằm cấn trừ nợ. Theo đó, năm 2017 phía CTCP Địa ốc Đại Á (Công ty con của HDBank) sẽ cử ông Nguyễn Văn Hoàng làm đại diện vốn góp của Công ty tại Vĩnh Cửu. Đồng thời, cổ đông Công ty cũng đã thông qua việc bầu ông Hoàng đảm nhiệm vị trí thành viên Ban Kiểm soát nhằm thay thế hai thành viên Ban Kiểm soát miễn nhiệm là ông Tôn Thất Hào và bà Sỳ Suy Mỹ vì lý do cá nhân.

Tính đến hiện tại, Công ty còn nợ hơn 15 tỷ đồng tại HDBank. Trước đó tại Đại hội năm 2016, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vui bộc bạch đã phải bán nhà riêng để trả bớt nợ tại nhà băng. Cụ thể, số nợ gốc tại HDBank tính đến cuối năm 2015 đạt 30 tỷ đồng, sau đó ông Vui và bà Phạm Thị Vân Kiều (cổ đông sáng lập) đã bán căn nhà riêng tại số 17 Giang Văn Minh (quận 2) để trả bớt nợ 11 tỷ đồng ngày 21/07/2015. Do đó, số nợ gốc còn lại tại HDBank là 19 tỷ đồng. Trong năm 2016, Công ty đã tiếp tục trả được khoảng 5 tỷ, theo đó đưa con số nợ dài hạn tại HDBank về 15 tỷ đồng.

Thông tin bên lề Đại hội, được biết cá nhân mua lại nhà của ông Vui không phải ai xa lạ mà chính là ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG), giá mua lúc bấy giờ đâu đó khoảng 14.5 tỷ đồng. Theo nhận định của nhiều cổ đông, mức giá trên tương đối thiệt thòi cho ông Vui, nếu tính đến hiện tại mức chi trả cho căn nhà phải đạt hơn 20 tỷ đồng. Nhưng tình cảnh bắt buột, ông Vui phải chấp nhận để duy trì hoạt động của Vĩnh Cửu.

Kế hoạch cho năm 2017, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 90 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, tương ứng tăng 13% và 12% so với kết quả thực hiện năm 2016. Theo đó, Công ty cho biết sẽ tiến hành tái cơ cấu mọi hoạt động, đồng thời cơ cấu lại bộ máy tổ chức cho hợp lý.

Tính đến ngày 31/12/2016, Công ty còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 1 tỷ đồng, cổ tức một lần nữa không được bàn luận tại Đại hội. Một cổ đông bên ngoài tham dự cho biết, thực sự rất mệt mỏi khi chờ đợi cổ tức nhiều năm liền, vấn đề là không biết chờ đợi đến bao giờ?

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn xoay quanh đồng vốn, nhưng ban lãnh đạo Công ty vẫn cam kết trước Đại hội sẽ cố gắng cơ cấu lại toàn bộ Công ty, từ khâu sản xuất cho đến bộ máy quản lý, nhằm từng bước đưa Công ty tăng trưởng ổn định trở lại./.

Các tin tức khác

>   Vincom đạt mốc 40 trung tâm thương mại (26/05/2017)

>   HPM: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (26/05/2017)

>   Nhựa Đồng Nai sẽ phát hành 100 tỷ trái phiếu trong năm 2017 (27/05/2017)

>   C69: Thông báo v/v họp ĐHĐCĐ thường niên 2017 (26/05/2017)

>   TET: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (26/05/2017)

>   DNP: Nghị quyết HĐQT (26/05/2017)

>   STS: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (26/05/2017)

>   KSD: Lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính soát xét và năm 2017 (26/05/2017)

>   SBT: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2016-2017 (26/05/2017)

>   FUCVREIT: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tuần từ 17/05/2017 đến 23/05/2017 (26/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật