ĐHĐCĐ Thiên Long: Năm nay có gì khác?
CTCP Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) vốn là một thương hiệu quen thuộc trên thị trường bán lẻ Việt Nam khi các sản phẩm của công ty này gắn bó theo nhiều năm tháng của các lứa tuổi học trò như bút bi Thiên Long. Song, đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, một thương hiệu quen thuộc đã trở thành chuyện cũ, điều họ quan tâm là Thiên Long năm nay có gì khác so với năm qua?
* Bút bi Thiên Long đang chuyển mình về đâu?
Năm 2017 sẽ triển khai dự án mở rộng nhà máy Nam Thiên Long
Sáng 16/05, TLG đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 nhằm thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 cũng như kế hoạch năm 2017. Theo đó, năm 2016, TLG thu về doanh thu đạt 2,162 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 240 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2015. Về giá trị xuất khẩu, trong năm qua, doanh thu xuất khẩu của công ty là 327.4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2015. Hết năm 2016, hai nhãn hãng Flex Office và Colokit của TLG đã có mặt hơn 50 quốc gia.
HĐQT của công ty cho biết cuối năm 2016, tỷ lệ tự động hóa của nhà máy Nam Thiên Long đã nâng lên 70.3% so với 67% vào cuối năm 2015. Công ty đã sản xuất khuôn mẫu đáp ứng 90% nhu cầu khuôn mới, cũng trong năm 2016, sản lượng sản xuất mực đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của Tập đoàn đã tăng gần 50% so với năm 2015, tổng cộng với hơn 200 tấn mực các loại. Cuối năm 2016, Thiên Long có 60,000 điểm bán lẻ, phủ khắp 63 tỉnh thành trong cả nước.
Với kết quả trên, công ty sẽ chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 30% mệnh giá tương ứng số tiền chi ra là 115 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của TLG
|
Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2017, TLG đề ra kế hoạch doanh thu đạt 2,450 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện 2016 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 265 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm trước, cổ tức dự kiến sẽ là 20%.
Về kế hoạch đầu tư, năm 2017, công ty sẽ triển khai dự án mở rộng và tăng công suất Nhà máy Nam Thiên Long với tổng diện tích sử dụng tăng thêm 8,542 m2 và được đầu tư trang bị máy móc, trang thiết bị hiện đại. Dự kiến nhà máy mới được đưa vào sử dụng vào tháng 11 năm 2017.
HĐQT cho biết tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch năm 2017 thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng năm 2016 là do năm 2017 công ty sẽ phải đối mặt với những thay đổi về giá dầu, giá nhựa. Song song đó, công ty có những dự án xây dựng, mở rộng nhà máy, mở rộng thị trường, tuy đây là những chiến lược dài hạn của công ty nhưng những năm đầu phải ghi nhận về mặt kế toán những chi phí phát sinh vì vậy mức tăng trưởng lợi nhuận có thể thấp hơn năm vừa qua.
Nới room ngoại lên 100%
Tại đại hội, các cổ đông của công ty cũng đã thông qua việc nâng room ngoại từ 49% lên 100%. Về việc mở room của công ty, HĐQT cho biết TLG thực hiện điều này là để chuẩn bị cho việc hợp tác với những nhà đầu tư chiến lược sau này và chuẩn bị cho tương lai. HĐQT cho rằng công ty không muốn trói chân mình, những chiến lược ngắn hay dài hạn của công ty đều đã có sự chuẩn bị.
Được biết, thanh khoản của cổ phiếu TLG khá thấp khi cổ đông nội bộ nắm giữ trên 60%, quỹ đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 30%.
Một điểm đáng chú ý, TLG sẽ phát hành gần 11.5 triệu cp thưởng với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 115 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện là 10:3. Sau khi phát hành thêm cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của công ty dự kiến sẽ nâng lên 498 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành là trong quý 2, quý 3 năm 2017.
Bên cạnh đó,công ty cũng sẽ phát hành thêm 2.4 triệu cp ESOP với giá phát hành là 30,000 đồng/cp. Thời gian thực hiện là trong năm 2017, ngay sau đợt phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
CEO mới của Thiên Long sẽ là ông Nguyễn Đình Tâm
Về cơ cấu nhân sự, HĐQT cho biết ông Nguyễn Đình Tâm sẽ là CEO mới của công ty. Nói về ông Tâm, HĐQT cho biết ông đã gắn bó 25 năm với công ty trong cả thời kỳ cạnh tranh và thời kỳ phát triển của TLG. Ông Tâm là thành viên quan trọng trong nhóm thành viên tham gia gặp gỡ đối tác và thực hiện các dự án quan trọng. HĐQT khẳng định ông Tâm là người hiếm hoi có bề dày lịch sử kinh nghiệm trong ngành và vì vậy TLG cần những người như ông Tâm.
Được biết, ông Tâm đã gia nhập vào TLG vào năm 1993, ông từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Giám đốc Kỹ thuật, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Phó Tổng Giám đốc Sản xuất và Phó Tổng Giám đốc Thường trực kiêm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Sản xuất kể từ tháng 2/2013.
Trả lời câu hỏi về việc ông Tâm không tham gia vào HĐQT, ban lãnh đạo cho biết công ty đã tốn nhiều thời gian cân nhắc, xem xét mỗi thành viên tham gia HĐQT có những đóng góp vào giá trị của công ty. Với một số cổ đông, ông Tâm là người mới, nhưng đối với công ty ông là người trong nhà, và công ty phải chắc chắn rằng người dẫn dắt là đầu tàu và phải thực hiện được những cam kết của công ty đối với cổ đông. Vấn đề không phải là HĐQT có 8 hay 11 người mà chính là những người tham gia vào HĐQT phải tạo ra giá trị cho công ty.
Về sự có mặt của ông Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) và ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KDC trong HĐQT nhưng lại không nắm giữ cổ phiếu của công ty. HĐQT cho biết hai ông có những đóng góp rất lớn đối với công ty, và ban lãnh đạo khẳng định rằng mình sẵn sàng mở cửa để nhận những phản biện chứ không chỉ nhận phản biện vào riêng ngày họp đại hội cổ đông. /.
|