Thứ Tư, 31/05/2017 14:10

ĐHĐCĐ NNG: Hồng Phú được đối tác ngoại quan tâm, La Maison bắt đầu có lãi

Ngày 26/05, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Công nghiệp Dịch vụ Thương mại Ngọc Nghĩa (UPCoM: NNG) đã thông kế hoạch năm 2017 với doanh thu thuần 2,104 tỷ đồng, tăng 27% so năm 2016; lợi nhuận sau thuế gần 9 tỷ đồng, tăng gần 33%.

Do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 còn hạn chế và dự báo năm 2017 còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty, HĐQT thống nhất không nhận thù lao năm 2017. Đối với lương Tổng giám đốc, mức lương gộp là 100 triệu đồng/tháng, hưởng lương tháng 13 và các phúc lợi khác, còn mức thưởng sẽ căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2017.

Trong năm nay, NNG sẽ tiến hành đầu tư vào ngành P.E.T với ngân sách dự kiến 140-170 tỷ đồng theo hướng bố trí lại sản xuất từng nhà máy chuyên môn hóa ngành nghề và khách hàng phục vụ.

Đối với ngành thực phẩm cụ thể là nước chấm và gia vị, tính đến thời điểm tháng 3/2017, CTCP Thực phẩm Hồng Phú đã vay vốn ngắn hạn, trung hạn từ NNG và các công ty thành viên, và điều này làm ảnh hưởng đến áp lực kinh doanh của Hồng Phú do phải tiếp tục chịu chi phí lãi phát sinh. Vì vậy, NNG sẽ tăng vốn cho Hồng Phú từ mức 200 tỷ đồng lên 308 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó, CTCP P.E.T Quốc tế góp 40 tỷ đồng, CTCP Nắp Toàn cầu góp 68 tỷ đồng.

Còn ngành thịt không phát sinh đầu tư mới.

Nguồn vốn đầu tư sẽ vay trung dài hạn (giảm trừ số vay lưu động tương ứng để đảm bảo không tăng dư nợ vay) và đầu tư tại công ty nào thì công ty đó sẽ dùng tiền tự có để đối ứng.

Năm 2016 đầu tư 132 tỷ đồng vào hai công ty thịt

Trong năm 2016, NNG thực hiện được gần 1,657 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận gộp gần 530 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 6.7 tỷ đồng.

Trong năm qua, NNG đã góp vốn chiếm tỷ lệ 100% Công ty TNHH Thịt ngon Quốc tế (F.M.C) và Công ty TNHH Thịt ngon Quốc tế La Maison với quy mô vốn điều lệ mỗi công ty là 66 tỷ đồng.

Đối với việc chuyển nhượng cổ phiếu quỹ, NNG vẫn đang tìm đối tác phù hợp để thực hiện chuyển nhượng.

Tại Đại hội, cổ đông có một số thắc mắc và được ban lãnh đạo NNG giải đáp như sau:

Thị trường dầu mỏ và các sản phẩm suy thoái thì NNG có ý định chuyển sang ngành bao bì khác thay thế hay không, ví dụ như bao bì giấy, thùng carton chẳng hạn?

Thị trường dầu mỏ thế giới suy thoái chỉ là mang tính tạm thời và sẽ sớm hồi phục. Vì vậy, ngành P.E.T trong thời gian qua có sự sụt giảm cũng mang tính tạm thời, HĐQT đánh giá ngành P.E.T là ngành chủ lực của Công ty nên sẽ tiếp tục và có kế hoạch lấy lại thế mạnh cho ngành này trong thời gian tới, và không có kế hoạch chuyển sang ngành bao bì khác.

Lượng cổ phiếu quỹ chưa bán ra, Công ty có ý định dùng chia cổ tức cho cổ đông hay không?

Trong năm 2016, Công ty cũng đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư muốn mua, nhưng quan điểm của HĐQT và đối tác chưa gặp nhau do liên quan đến vấn đề giá. Quan điểm của HĐQT là làm sao đảm bảo tốt nhất lợi ích cho cổ đông của công ty.

HĐQT đánh giá nếu không đạt được mức giá như mong muốn thì thà để chia cổ tức cho cổ đông vẫn tốt hơn, và vệc này vẫn còn để ngỏ, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể sắp tới.

Báo cáo tài chính 2016 có lãi nhưng Công ty không chia cổ tức, vậy định hướng của HĐQT về việc chia cổ tức trong thời gian tới?

Mặc dù năm 2016 có lời nhưng năm 2017 có nhiều khoản đầu tư nên HĐQT đề nghị không chia cổ tức năm 2016, và năm 2017 sẽ xem xét vấn đề này. 

Theo báo cáo thì Công ty Hồng Phú vẫn lỗ, HĐQT có xem xét giống như trường hợp của công ty bánh kẹo trước đầy là chấm dứt hoạt động thay vì tiếp tục mở rộng hoạt động mà không có hiệu quả?

Mặc dù Công ty Hồng Phú vẫn lỗ nhưng giá trị ngày càng gia tăng, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Hồng Phú. Đối với ngành thực phầm giai đoạn đầu thường là lỗ, nhưng khi có lãi thì sẽ lãi rất nhiều do hệ thống phân phối đã được xây dựng ổn định. Hiện tại có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan cũng đã quan tâm đến Hồng Phú, và khi Hồng Phú kinh doanh ổn định thì giá trị sẽ rất lớn, vì giá trị chính của Hồng Phú là nằm ở thương hiệu và hệ thống phân phối, và khi giá trị của Hồng Phú tăng cao thì giá trị của Ngọc Nghĩa cũng tăng cao.

Có thông tin hành lang là các công ty thuộc Ngọc Nghĩa nợ quá hạn các nhà cung cấp, yêu cầu HĐQT xác nhận thông tin này?

Tôi xin xác nhận nợ quá hạn nhà cung cấp là có, nhưng mức độ thế nào thì cần phải đánh giá lại. Ngay cả Pepsi, Coca Cola cũng có nợ quá hạn nhà cung cấp. Ngọc Nghĩa có nhiều nhà cung cấp khác nhau nên sẽ không tránh khỏi trường hợp có nợ quá hạn vì nhiều lý do, nhưng mức độ không nghiêm trọng như cổ đông lo lắng. 

Trong báo cáo thì các khách hàng lớn thay đổi chính sách, và ngành P.E.T tăng trưởng khoảng 18% nhưng lợi nhuận chỉ tăng vài tỷ thì có phải ngành thực phẩm vẫn còn lỗ? Đối với Công ty Hồng Phú có nhiều nhà đầu tư quan tâm, vậy Công ty có xem xét đến việc bán Hồng Phú hay không và bán như thế nào, bán hết 100% hay vẫn giữ lại cổ phần chi phối? Đối với ngành thịt thì định hướng công ty như thế nào?

Đối với ngành P.E.T, các khách hàng thay đổi chủ yếu là thay đổi mô hình hợp tác, đối tác thổi chai, còn Ngọc Nghĩa cung cấp phôi để giảm chi phí logistic, và điều này cũng đúng định hướng của Công ty nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến định hướng hoạt động của ngành P.E.T. Mặc dù các khách hàng lớn đang ngày càng đa dạng nhà cung cấp nhưng lúc nào cũng dành phần cao nhất cho Ngọc Nghĩa vì thương hiệu.

Đối với công ty Hồng Phú, hiện tại còn lỗ nhưng chắc chắn sẽ có lãi trong thời gian tới, nhưng để làm được điều này thì Hồng Phú cần phải tăng thêm vốn. Việc bán cổ phần thì chỉ bán ở mức 50% để có thêm nguồn lực cho sự phát triển của Hồng Phú.

Đối với ngành thịt, mới đi vào hoạt động cuối năm 2016 nhưng có nhiều tín hiệu lạc quan. Cụ thể, công ty thịt phía Nam sẽ có lãi trong năm 2017, và công ty thịt phía Bắc cũng sẽ phấn đấu đến mục tiêu có lãi.

Ngành P.E.T kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2017 là bao nhiêu, công ty xuất khẩu sang những thị trường nào, giá trị bao nhiêu? Hồng Phú nếu không có nhà đầu tư nào vào thì định hướng như thế nào, đẩy doanh thu hay giảm chi phí? Hiện tại ngành nước mắm có 2 nhãn hàng là Kabin và Thái Long, ý kiến của cổ đông đề nghị công ty xem xét lại nhãn hàng để tăng độ nhận biết. Ngành thịt kế hoạch khi nào hòa vốn?

Ngành P.E.T doanh thu xuất khẩu khoảng 150 tỷ đồng, mảng xuất khẩu sẽ đẩy mạnh khi ổn định được thị trường trong nước. Doanh thu ngành P.E.T 2017 dự kiến là 1,800 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ khoảng 10%.

Đối với Hồng Phú, sẽ thực hiện tiết giảm chi phí và tăng mặt hàng cho kênh phân phối từ các sản phẩm nhập khẩu để tăng giá trị gia tăng cho Hồng Phú.

Về ngành thịt, La Maison sẽ bắt đầu có lãi từ tháng 6/2017 để đảm bảo tổng thể cả năm hòa vốn. Hiện tại doanh thu của La Maison mỗi tháng đạt mức 10 tỷ đồng./.

Tài liệu đính kèm:
NNG_2017.5.31_aa48a6d_12392_bn_2017_05_29_1622_1.PDF
Các tin tức khác

>   ANT: Nghị quyết HĐQT (31/05/2017)

>   DTK: Báo cáo thường niên 2016 (31/05/2017)

>   GVT: Báo cáo thường niên 2016 (31/05/2017)

>   SMT: Nghị quyết HĐQT (31/05/2017)

>   NET: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (31/05/2017)

>   SPM: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (31/05/2017)

>   HDC: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2016 bằng tiền (31/05/2017)

>   BRS: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (31/05/2017)

>   IN4: 08/06 GDKHQ nhận cổ tức 2016 bằng tiền tỷ lệ 20% (31/05/2017)

>   LKW: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (31/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật