Kỳ 1
Đâu là những điều nhà đầu tư cần lưu ý về hoạt động Sale and Lease Back?
Gắn liền với môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao hiện nay, làm thế nào để đạt được hiệu suất hoạt động tối đa với chi phí tối thiểu luôn là một bài toán nan giải cho bất kỳ một doanh nghiệp nào. Trong đó, hoạt động Sale and Lease Back nổi lên như một phương án hữu hiệu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Vậy đâu là những điểm khiến Sale and Lease Back trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà quản trị doanh nghiệp?
Sale and Lease Back là gì?
Hoạt động Sale and Lease Back (Bán và Thuê lại) hình thành khi bên sở hữu tài sản (Seller) bán lại tài sản cho một đối tác khác (Buyer) và chủ động thuê lại tài sản đó. Lúc này, bên bán tài sản sẽ đóng vai trò bên thuê lại tài sản (Lessee) và bên mua tài sản sẽ trở thành bên cho thuê tài sản (Lessor). Hình thức thuê lại có thể là Thuê tài chính hay là Thuê hoạt động tùy vào thỏa thuận của hai bên.
Hoạt động Sale and Lease Back được sử dụng phổ biến trong các ngành sản xuất kinh doanh có đặc thù tài sản có giá trị lớn và chiếm tỷ trọng cao trong giá trị tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, ngành Bất động sản, Hàng không là những ngành có số lượng doanh nghiệp sử dụng hoạt động này rất phổ biến.
Được xem là một hình thức hoạt động sở hữu nhiều ưu điểm so với các hình thức tài trợ vốn truyền thống, đâu là những lợi thế mà hoạt động Sale and Lease Back mang lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục của các doanh nghiệp thuê lại tài sản?
Chuyển đổi nguồn vốn kinh doanh thành tiền mặt. Với hoạt động Bán và Thuê lại, công ty có thể giữ lại nguồn vốn mà đáng lẽ ra đã bị cột chặt vào quyền sở hữu tài sản trong trường hợp không thực hiện hoạt động này. Bên cạnh đó, công ty vẫn tiếp tục nắm giữ và sử dụng tài sản này trong suốt thời gian thuê lại.
Một điểm khác cần lưu ý là giá trị huy động vốn thông qua hoạt động Sale and Lease back thường cao hơn so với các hình thức huy động vốn thông thường. Theo đó, với hoạt động Sale and Lease back, công ty hoàn toàn có thể đạt được giá trị huy động bằng 100% giá trị tài sản, trong khi giá trị huy động (vay) chỉ dao động từ 70-80% giá trị tài sản thông qua hình thức huy động vốn thông thường bằng tài sản thế chấp.
Tiết kiệm chi phí vốn. Công ty thuê lại tài sản có thể tái cấu trúc lại kỳ hạn thuê ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tài sản gia tăng mà không phải chịu tác động từ áp lực thanh toán, chi phí tái cấp vốn hay các khoản chi phí phức tạp khác nếu áp dụng việc huy động vốn theo cách thông thường bằng tài sản thế chấp.
Ngoài ra, hoạt động Sale and Lease back còn giúp công ty tránh được các khoản chi phí khác như chi phí thẩm định và các khoản chi phí pháp lý phát sinh khác.
Hưởng ưu đãi về chi phí thuê lại tài sản. Trong các thỏa thuận Sale and Lease back, bên Cho thuê thường đạt được những điều khoản huy động vốn và hưởng chi phí vay tốt hơn so với một chủ sở hữu tài sản thông thường. Với việc bên Cho thuê có thể được hưởng mức lợi suất vay ưu đãi hơn thì điều này sẽ giúp các công ty thuê lại tài sản có thể giảm bớt một phần chi phí khi thuê lại tài sản.
Cải thiện hiệu quả sử dụng tài sản và xếp hạng tín dụng. Trong một thỏa thuận Sale and Lease back, công ty thuê lại tài sản thay thế một tài sản cố định (mang tính dài hạn) bằng một tài sản ngắn hạn (dòng tiền từ hoạt động bán tài sản). Nếu hoạt động thuê lại được phân loại là thuê hoạt động, tài sản thuê và nợ vay sẽ không được vốn hóa vào tài sản và trong trường hợp này, công ty thuê lại tài sản chỉ phải hạch toán chi phí thuê tài sản vào Báo cáo hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ giúp cải thiện các chỉ số liên quan đến hiệu quả sử dụng tài sản, các chỉ số thanh toán và đòn bẩy của doanh nghiệp, góp phần gia tăng xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.
Ta có thể thấy rõ lợi ích này trong hiệu quả kinh doanh của hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong ngành Hàng không Việt Nam hiện tại, đó là VietJet Air (HOSE: VJC) và Vietnam Airlines (UPCoM: HVN).
Với phương thức tài trợ cho hoạt động kinh doanh chủ yếu đến từ hoạt động Sale and Lease back, điều này đã giúp VJC có thể phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi rất nhanh mà không cần đầu tư quá nhiều vốn. Bên cạnh đó, việc không phải vốn hóa tài sản và nợ vay lên bảng cân đối kế toán đã giúp hiệu quả sử dụng tài sản, cơ cấu nợ vay cũng như các hệ số khả năng thanh toán của VJC đều vượt trội hơn so với HVN qua các năm.
Quy mô tài sản (tỷ đồng) và hiệu quả kinh doanh của VJC và HVN
Nguồn: Vietstock Finance
Khả năng sinh lời trên tổng tài sản của VJC và HVN
Nguồn: Vietstock Finance
Khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu của VJC và HVN
Nguồn: Vietstock Finance
Khả năng thanh toán hiện hành của VJC và HVN
Nguồn: Vietstock Finance
Vòng xoay tổng tài sản của VJC và HVN
Nguồn: Vietstock Finance
Tỷ trọng nợ vay của VJC và HVN
Nguồn: Vietstock Finance
Với những ưu điểm kể trên, hoạt động Sale and Lease back thực sự đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp thuê lại tài sản, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng triệt để áp dụng hoạt động này vì đi kèm theo đó là những bất lợi cần được cân nhắc khi lựa chọn hình thức hoạt động này.
Giảm tính linh động. Khi thực hiện hoạt động Sale and Lease back, quyền sở hữu tài sản được chuyển giao hoàn toàn cho bên Cho thuê. Trong trường hợp tài sản thuê đóng vai trò chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thuê lại tài sản sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong những tình huống phải đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong kế hoạch sử dụng và thay thế tài sản. Bên cạnh đó chi phí thuê thường cố định theo hợp đồng, trong trường hợp thị trường cho thuê tài sản suy yếu thì bên đi thuê cũng sẽ không được điều chỉnh giảm giá thuê.
Ta có thể thấy được điểm bất lợi này trong hoạt động kinh doanh của ngành Hàng không. Với việc các loại máy bay mới với hiệu suất tốt hơn và hiện đại hơn luôn được ra đời mỗi năm, giá trị thị trường của tài sản thường giảm dần theo thời gian. Vì lí do đó mà nhiều hãng Hàng không lớn như Southwest Airline hay Ryanair không lựa chọn hoạt động Sale and Lease back mà theo đuổi cách tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi hoặc mua máy bay và tìm cách bán lại khi giá trị thị trường giảm xuống mức thấp.
Không được hưởng lợi từ giá trị thanh lý của tài sản. Đây chính là bất lợi lớn nhất mà các doanh nghiệp thuê lại tài sản phải đối diện vì quyền sở hữu tài sản sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho bên Cho thuê trong hoạt động Sale and Lease back. Do đó, doanh nghiệp thuê lại tài sản sẽ không được hưởng lợi từ giá trị thanh lý của tài sản khi chấm dứt quá trình trích khấu khao. Tuy vậy, doanh nghiệp thuê lại tài sản có thể khắc phục rủi ro này bằng cách “gài” vào hợp đồng thuê điều khoản mua lại tài sản (hoạt động thuê tài chính). Tuy vậy, điều này sẽ khiến doanh nghiệp thuê lại tài sản đánh mất những lợi ích so với việc lựa chọn hình thức thuê hoạt động như đã đề cập ở trên.
Chi phí thuê cao. Nhìn chung, trong nhiều trường hợp, nếu không được hưởng các khoản ưu đãi từ bên Cho thuê thì chi phí thuê trong một thỏa thuận Sale and Lease back thường cao hơn chi phí vay của một khoản huy động vốn thông thường bằng tài sản thế chấp.
Thêm vào đó, tính thanh khoản của hợp đồng cho thuê tài sản thuê cũng thường kém hơn và chi phí đàm phán hợp đồng cũng cao hơn so với một hợp đồng cho vay thông thường.
Một điểm khác cần lưu ý là ở Việt Nam hiện nay dù nhu cầu cho hoạt động này đã gia tăng khá nhanh nhưng số lượng công ty cho thuê tài sản vẫn là khá ít. Vì vậy đối tác cho thuê của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, rủi ro tỷ giá cũng là một vấn đề tiềm ẩn mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện khi lựa chọn hoạt động Sale and Lease back./.
|