Con cá lại làm nhà đầu tư chứng khoán hân hoan hay thất vọng?
Chuyện con cá lại một lần nữa đem đến rất nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2016 cũng như những tháng đầu năm 2017, từ hân hoan cho đến cả… thất vọng.
Đại diện điển hình cho hai “trường phái” trái ngược nhau có lẽ là đến từ hai ông lớn trong ngành là Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) và Hùng Vương (HOSE: HVG).
Thất vọng
Còn nhớ tại ĐHĐCĐ thường niên đầu năm 2016, Chủ tịch HVG ông Dương Ngọc Minh đã có cái nhìn thận trọng về tình hình kinh tế thế giới với nhiều biến động phức tạp nên Hùng Vương chọn những bước đi thận trọng để đảm bảo mức tăng trưởng ổn định.
Đó là nói thế nhưng dường như Hùng Vương không thận trọng thật sự khi đã mải miết đưa ra hàng loạt kế hoạch đầu tư lớn như mua 51% vốn Công ty Russian Fish của Nga trong bối cảnh nước này gặp khó khăn, đầu tư kho lạnh 60,000 tấn, đầu tư nuôi heo… Và con số lợi nhuận kế hoạch cho niên độ 2016 tới 500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 500-600 triệu USD, trong đó cá tra chiếm 200-250 triệu USD, tôm đạt 300-350 triệu USD. Sản lượng thức ăn chăn nuôi dự kiến là 1.5 triệu tấn và đạt 2.5 triệu tấn trong năm 2018 với tổng đàn heo bố mẹ là 100,000 con.
Thật, không ai nói trước được điều gì! Không chỉ Hùng Vương mà nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình huống khó khăn bất khả kháng không kịp trở tay do ảnh hưởng từ biến động giá dầu, Brexit, đồng Euro mất giá… khiến Công ty phải bán lỗ bán tháo sản phẩm để giải quyết vấn đề nợ vay với ngân hàng. Cụ thể là Hùng Vương bị thiệt hại đến 500 tỷ đồng từ việc dự báo sai rằng giá bánh dầu đậu nành có thể tăng lên 500 USD/tấn nên đã nhập về số lượng lớn bã đậu nành với giá cao. Nhưng thực tế giá bánh dầu chỉ còn 290 USD/tấn.
Thêm vào đó, giá dầu giảm mạnh đã khiến đồng Rúp của Nga mất giá gần 10% khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chủ chốt như Hùng Vương bị ảnh hưởng nặng…
Với những cơn địa chấn đó, Hùng Vương vẫn công bố lãi 110 tỷ đồng dù không được như kế hoạch đặt ra ban đầu. Vậy nhưng, điều làm nhà đầu tư thất vọng và thót tim là sau kiểm toán, niên độ này Hùng Vương bất ngờ chuyển từ lãi sang lỗ 49 tỷ đồng. Nợ vay cũng là một vấn đề đau đầu của Hùng Vương khi duy trì tới 7,649 tỷ đồng ngắn hạn và hơn 1,000 tỷ đồng dài hạn. Trong khi khả năng thanh toán lãi vay chỉ ở mức 1.13 lần.
Đến ĐHĐCĐ 2017 vừa qua, Hùng Vương tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận 400 tỷ đồng và được cho là con số “dè dặt” bởi còn dự trữ đến 33,000 tấn fillet thành phẩm. Trong khi giá cá nguyên liệu đang tăng mạnh và “chỉ riêng việc bán hàng tồn kho cũng mang về cho Hùng Vương khoản lợi nhuận tương đối lớn, cộng thêm cá trong ao thì Hùng Vương có thể thu về trên 700 tỷ đồng lợi nhuận” như lời ông Minh nói.
Nhà đầu tư lại thêm một lần kỳ vọng theo. Nhưng hi vọng để rồi lại càng thất vọng hơn khi quý 1 niên độ 2016-2017 chỉ lãi gần 10 tỷ đồng, còn quý 2 Hùng Vương báo lỗ gần 41 tỷ đồng với lý do: “Công ty chủ động giữ hàng, không bán ngay ra thị trường để chờ ký những hợp đồng giá cao. Theo đó doanh số quý 2 sụt giảm 45%, tuy nhiên phần sụt giảm này sẽ được bù đắp trong quý 3 và quý 4 sắp tới”.
Liệu nhà đầu tư còn đủ tự tin để thêm một lần nữa đặt niềm tin vào doanh nghiệp này?
Có lẽ câu trả lời đã được thể hiện qua giá cổ phiếu HVG trong thời gian qua khi đi xuống đều đặn từ mức trên mệnh giá nay đã xuống sát mốc 6,000 đồng/cp.
Biến động giá cổ phiếu HVG từ đầu năm 2016 đến nay
|
Thủy sản số 4 (HOSE: TS4) cũng chịu chung số phận lao đao như HVG trong năm qua khi mặt hàng chủ lực là cá tra fillet giảm sâu chỉ còn 2.1 USD/kg cho thị trường châu Âu đã khiến tất cả các thị trường khác giảm theo. Bên cạnh đó, Công ty cũng thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, vay ngân hàng nhiều dẫn đến chi phí lãi vay lên tới 58 tỷ đồng, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao. Công ty đã lỗ gần 7 tỷ đồng trong năm qua.
Theo đó, lối thoát của TS4 trong bối cảnh này là tự bán mình cho đối tác Thái – đây cũng là khách hàng lâu năm của công ty – để có những bước đi tốt hơn trong thời gian tới.
Biến động giá cổ phiếu TS4 từ đầu năm 2016 đến nay
|
… hân hoan
Trong một gặp gỡ gần đây, Chủ tịch VHC là bà Trương Thị Lệ Khanh chia sẻ, công ty đang phải “chiến đấu” trên nhiều mặt trận. Từ hàng rào thương mại khi thâm nhập vào thị trường Mỹ gồm thuế chống bán phá giá và chương trình giám sát cá da trơn (Farm Bill), việc truyền thông Tây Ban Nha bôi nhọ cá tra thiếu căn cứ… đến những khó khăn trong ngành như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khiến diện tích nuôi bị thu hẹp đã đẩy giá cá nguyên liệu tăng cao trong năm qua.
Vậy nhưng, với sự chuẩn bị tốt cũng như phản ứng nhanh khi xuất khẩu vào thị trường nào thì kinh doanh theo luật của nước sở tại, nhằm đáp ứng và vượt qua các rào cản thương mại để phù hợp thị trường. Đồng thời Vĩnh Hoàn cũng cố gắng chứng minh tính tương đồng, marketing gửi các thông điệp đến những người làm chính sách này của Mỹ, vận động hành lang đối với đạo luật Farm Bill… Song song đó, Vĩnh Hoàn cũng phát triển khối thị trường mới tại Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Mexico, giảm tỷ trọng vào Mỹ từ 62% xuống 58%… Đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh khi mở rộng vùng nuôi từ 60% lên 65% đã góp phần mang lại kết quả lợi nhuận khả quan trong năm qua cho Vĩnh Hoàn trong bối cảnh khó khăn của ngành thủy sản kéo dài.
Từ đó, kết quả năm đầu tiên của "Big Plans" (mục tiêu doanh thu tăng 15-20%/năm, đạt 10,000 tỷ đồng vào năm 2018; tầm nhìn đến 2020 tăng gấp đôi mức doanh thu và EBITDA dự kiến của năm 2016), Vĩnh Hoàn đã gặt hái mức lợi nhuận sau thuế kỷ lục 567 tỷ đồng, tăng 76% so năm trước và vượt gần 62% kế hoạch đề ra. Dù doanh thu chưa hoàn thành kế hoạch với 7,304 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2016, Vĩnh Hoàn đã có thêm thị trường mới là Pakistan, Thái Lan, Ấn Độ và Hy Lạp, nâng mạng lưới khách hàng lên khoảng 300 khách hàng tại hơn 40 quốc gia. Các thị trường có sự tăng trưởng vượt bậc là Nhật, Trung Quốc và Mexico với mức tăng lần lượt là 60%, 30% và 80%.
Vĩnh Hoàn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cá tra từ năm 2010 đến nay với 15% thị phần năm 2016.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp thủy sản
|
Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2017, Vĩnh Hoàn lại ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ khi đạt 98 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm tới 600 tỷ đồng, đã gây lo lắng cho cổ đông. Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, quý vừa qua lãi giảm do nguyên liệu khan hiếm nên giá nguyên liệu đã tăng 20% nhưng Vĩnh Hoàn không thể ngay lập tức tăng giá bán. Bước sang quý 2 công ty đã điều chỉnh giá bán và chắc chắn biên lợi nhuận sẽ cao hơn.
Với kết quả đó, cổ phiếu VHC cũng được hưởng lợi khi tăng hơn gấp đôi từ đầu năm 2016, từ mức 25,000 đồng/cp để lên tới hơn 53,000 đồng/cp hiện nay. Thêm vào đó, cổ đông cũng được hưởng mức cổ tức tiền mặt 2016 tới 20%.
Biến động giá cổ phiếu VHC từ đầu năm 2016 đến nay
|
|
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), đến năm 2050, dân số thế giới sẽ vượt 9 tỷ. Nếu tỷ trọng cá tiêu thụ vẫn giữ nguyên như hiện nay thì đến 2050 sản lượng cá phải tăng thêm 56% nữa mới đáp ứng nhu cầu. Trong khi nguồn thủy sản đánh bắt ngày càng bị giới hạn thì chắc chắn nhu cầu về nuôi trồng cá sẽ tăng để đảm bảo nguồn thực phẩm. Nghĩa là dư địa phát triển của các doanh nghiệp còn rất nhiều.
Tất nhiên vẫn còn một chặng đường dài phía trước mà trong đó có cả khó khăn và thuận lợi, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những nỗ lực và chuyển biến hiệu quả, nhanh chóng trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh./.
|