Chỉ số sợ hãi xuống đáy 23 năm báo hiệu điều gì?
Đây là trường hợp cực kỳ hiếm thấy đối với Phố Wall, CNNMoney cho hay.
Trong ngày thứ Hai, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, trượt xuống mức thấp lạ kỳ với 9.8, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1993. Đặt trong bối cảnh khi đó, đây là tháng mà cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký kết thỏa thuận NAFTA.
Và xác suất chỉ số VIX dao động dưới mức 10 là 0.2% kể từ năm 1990, theo ConvergEx.
Nhiều nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm khi chứng kiến sự yên tĩnh tràn ngập trên Phố Wall. Nhớ lại tháng 8/2015, Dow Jones tích tắc sụt hơn 1,000 điểm trong 1 ngày, qua đó đẩy chỉ số VIX lên 41.
Và trong mùa hè năm 2008, khi khủng hoảng tài chính nổ ra, chỉ số VIX đã vượt mốc 81 khi các thị trường đột ngột sụp đổ sau vụ phá sản của Lehman Brothers. Đối với nhà đầu tư, điều này chẳng vui vẻ gì!
Tuy nhiên, một số người tỏ ra lo lắng rằng mức độ biến động cực thấp ngày hôm nay được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạo ra một cách giả tạo và điều này có thể báo hiệu rằng Phố Wall đã trở nên tự mãn về rủi ro.
Xem xét tới tất cả sự bất ổn xoay quanh thời điểm, tác động và kết quả của chương trình kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Có rất nhiều rủi ro trên thế giới, và tôi nhận thấy rủi ro sẽ ở mức cao nhất khi các thước đo rủi ro ở mức cực thấp như hiện nay”, cựu Thống đốc Fed, Kevin Warsh, cho biết tại Hội nghị Đầu tư Sohn lần thứ 22.
Ông Warsh biết một vài điều về rủi ro sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông Warsh thường xuyên bàn luận với các cựu lãnh đạo Fed là Ben Bernanke và Tim Geithner về cách ổn định hệ thống tài chính.
Là một người từng trải, ông Warsh cho chia sẻ: “Khi chỉ số VIX ở mức 9.5 hoặc 10, tôi không cảm thấy thoải mái. Thay vào đó, tôi sẽ cảm thấy sợ hãi”.
Dĩ nhiên, có một số lý do để thị trường trở nên yên ổn ngay tại lúc này. Vào ngày thứ Hai, chỉ số VIX giảm 8% và S&P 500 lên mức kỷ lục mới khi nhà đầu tư ăn mừng với chiến thắng của ứng viên trung dung Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.
Phố Wall cũng tỏ ra lạc quan rằng ông Trump và những người thuộc Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ rồi cũng sẽ tiến tới thỏa thuận để cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Một đợt cắt giảm thuế suất có thể thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp và nâng giá chứng khoán lên cao.
Ngoài ra, chỉ số Tham lam và Sợ hãi (Fear & Greed Index) của CNNMoney đang ở mức “trung lập”, hồi phục từ mức “cực kỳ sợ hãi” trong tháng 3/2017.
Một số nhà đầu tư tỏ ra lo lắng vì mọi thứ trở nên quá yên ắng.
“Quá yên ắng không phải là một điều tốt đẹp gì”, Kit Juckes, Trưởng Bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu tại Societe Generale, cho biết trong một báo cáo gửi tới khách hàng vào ngày thứ Ba. Ông nói thêm: “Liệu đây có phải là bằng chứng về một thế giới yên ổn? Không hẳn như vậy”.
Thay vào đó, một số người quan sát cho rằng mức độ biến động thấp là do Fed và các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu giữ lãi suất ở mức cực thấp.
Mặc dù Fed đã bắt đầu nâng lãi suất, nhưng chúng vẫn còn ở mức cực thấp và số dư bảng cân đối kế toán của cơ quan này đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2008 lên 4.5 ngàn tỷ USD. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương khác, cụ thể là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), đang thực hiện chính sách lãi suất âm.
Câu hỏi cho nhà đầu tư tại thời điểm này là liệu mức độ biến động thấp có báo hiệu về một sự bùng phát sắp diễn ra?
Lịch sử cũng không thể cho thấy rõ xu hướng diễn ra sau khi chỉ số VIX dao động dưới mức 10. Được biết, kể từ năm 1990, chỉ số này chỉ dao động thấp hơn mức 10 trong 3 thời kỳ: đó là tháng 12/1993, tháng 12/1994 và cuối năm 2006/ đầu năm 2007. Colas của ConvergEx lưu ý rằng trong mỗi trường hợp, chứng khoán Mỹ đều biến động mạnh vào thời điểm 1 năm sau đó.
Tuy nhiên, lại có 2 chiều hướng đối lập.
Cụ thể, trong năm 1995, S&P 500 tăng vọt 34%. Trong khi đó, năm 2008 lại là một năm thảm họa đối với nhà đầu tư khi thị trường mất gần 40% giá trị.
“Vậy năm kế tiếp sẽ giống trường hợp năm 1995 hay năm 2008?”, ông Colas tự hỏi./.
|