Các nhà quản lý quỹ đầu cơ đã hết thời?
Từng được xem là “những người có trí tuệ phi thường” của Phố Wall, những giám đốc quỹ đầu cơ đã “sống khỏe” suốt một thời gian dài nhờ một niềm tin thiếu căn cứ khá đơn giản rằng: Họ thông minh hơn nhà đầu tư bình thường và có thể tạo ra lợi nhuận lớn hơn, Washington Post cho hay.
Hình ảnh một chuyên viên giao dịch (trader) khéo léo, có mối quan hệ tốt với những lần đặt cược “dũng cảm” lên đến hàng trăm triệu USD đó đã thu hút được hàng ngàn tỷ USD từ những nhà đầu tư giàu có, các quỹ hưu trí và những nguồn hiến tặng mà sẵn lòng trả phí cao và giao hơn 20% lợi nhuận nào cho tầng lớp trader ưu tú ấy.
Giờ đây, nhiều nhà đầu tư đang xem xét lại điều này. Theo Hedge Fund Research, năm 2016, các quỹ đầu cơ chỉ tạo ra được lợi nhuận khoảng 5%, thấp hơn so với mức tăng 10% của chỉ số S&P 500.
Theo eVestment – một công ty chuyên về dữ liệu nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư đã phản ứng bằng cách rút 111 tỷ USD ra khỏi ngành này trong năm 2016. Năm ngoái, hơn 1,000 quỹ đã phải đóng cửa, con số lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay.
Nhiều lợi thế mà ngành này dựa vào trong suốt nhiều thập kỷ qua đã bắt đầu biến mất, các chuyên gia trong ngành cho biết. Hiện đang có thêm nhiều quỹ đầu cơ đặt cược tương tự nhau. Và việc tìm ra một ý tưởng độc nhất – chẳng hạn như một công ty được định giá chưa đúng mức hay một công ty có sai sót mà không ai khác phát hiện ra – đang trở nên khó hơn, đặc biệt là vào thời điểm mà rất nhiều cổ phiếu đang tăng, các chuyên gia cho hay.
“Ngành quỹ đầu cơ đã bắt đầu sụp đổ. Có quá nhiều công ty đặt cược giống nhau”, Charles Geisst, sử gia về Phố Wall tại đại học Manhattan, New York, cho biết.
Những rắc rối của ngành này bắt đầu xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính, khi các nhà đầu tư bị sốc đã nhìn thấy giá trị những thương vụ đầu tư của họ lao dốc, các chuyên gia cho hay. Trước đó, họ kỳ vọng những người chọn cổ phiếu có hiểu biết sẽ bảo vệ họ khỏi những thua lỗ mà nhà đầu tư phải đối mặt mỗi ngày.
Thật vậy, trong quá trình hồi phục kinh tế – điều mà đã đẩy thị trường chứng khoán lên các mức kỷ lục – những người bỏ tiền vào các vụ đầu tư thụ động đã được tưởng thưởng. Theo Morningstar, suốt 10 năm qua, lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư thụ động là 5.7%/năm, trong khi những người bỏ tiền ở các quỹ quản lý theo phương pháp chủ động (active fund) chỉ có lợi nhuận là 5.3%/năm.
Các quỹ đầu cơ cũng đang mất đi sự ủng hộ từ một số khách hàng quan trọng nhất của mình. Hệ thống hưu trí California Public Employees đã rút 4 tỷ USD khỏi các quỹ đầu cơ, vì cho rằng các quỹ này tính phí quá đắt và phức tạp. Vào năm ngoái, Hệ thống hưu trí New York cũng đã rút khỏi ngành này.
Dù vậy, theo một báo cáo gần đây của tạp chí Alpha của tổ chức Institutional Investor, 25 nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu đã kiếm được tổng cộng 11 tỷ USD trong năm 2016. Đứng đầu trong số này là ông James Simons của quỹ Renaissance Technologies, với 1.6 tỷ USD/năm, hay 4.3 triệu USD/ngày.
Cũng theo tạp chí này, quỹ đầu cơ của Simons đã ghi nhận lợi nhuận ở mức 2 con số. Tuy nhiên, gần phân nửa 25 nhà quản lý hàng đầu đã khép lại năm 2016 với lợi nhuận ở mức 1 con số.
“Phần lớn các quỹ đầu cơ hoạt động không tốt, qua đó khiến lợi nhuận cả ngành này bị giảm”, Don Steinbrugge, Giám đốc điều hành tại Agecroft Partners, lên tiếng. Tuy vậy, ông cho rằng các quỹ đầu cơ được quản lý tốt nhất tiếp tục mang lại lợi nhuận kỷ lục. Và quy mô ngành này vẫn rất lớn, với lượng tài sản trị giá hơn 3 ngàn tỷ USD.
Sự sụt giảm gần đây của ngành này có thể là tạm thời, một số chuyên gia phân tích tài chính tranh luận. Các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động được thiết kế để bám sát thành quả của thị trường. Nếu thị trường chứng khoán trở nên biến động hơn hay bị giảm giá thì các quỹ đầu cơ có thể hấp dẫn trở lại.
Tuy nhiên, một vài sự biến động trong thời gần đây đã để lại ấn tượng không tốt về ngành này.
Hãy lấy Bill Ackman làm ví dụ. “Nhà thông thái” trong ngành quỹ đầu cơ này đã tạo được tiếng tăm là nhà chọn lựa cổ phiếu hàng đầu. Những vụ đặt cược “mạnh tay” của Ackman đã tạo ra lợi nhuận 2 con số cho các nhà đầu tư của ông ta – 40% trong năm 2014 – và mang lại hàng trăm triệu USD từ khoản phí dành cho ông và cả công ty của ông là Pershing Square Capital Management.
Thế nhưng, trong năm 2015, Ackman đã thực hiện vụ đặt cược lớn nhất trong đời vào công ty dược phẩm Valeant – công ty mà ông thậm chí lớn tiếng ủng hộ ngay cả khi nó đối diện với những điều tra của nhà điều hành về cách quy định giá thuốc và những bê bối trong sổ sách. Trong lúc những người hoài nghi bắt đầu “bán đổ bán tháo” cổ phiếu của công ty này thì Ackman lại mua thêm. Cuối cùng, cổ phiếu của công ty này trượt dốc chỉ còn 8 USD và ông Ackman đã chịu tổn thất vô cùng lớn.
Trước khi Ackman thừa nhận thất bại và bán cổ phần của Pershing trong công ty dược phẩm Valeant thì quỹ này đã mất 4 tỷ USD. Trong bức thư thường niên năm 2016 của Pershing Square, Ackman hối tiếc viết: “Vụ đặt cược tồi tệ này đã khiến tất cả chúng ta mất đi một số tiền khổng lồ, và làm tiêu tan lịch sử thành công của công ty chúng ta”.
Ackman – người từ chối đưa ra lời bình luận cho bài báo này – không phải là nhà quản lý quỹ đầu cơ duy nhất gặp khó khăn trong thời gian gần đây.
Năm ngoái, Richard Petty, người được xem là một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong ngành quỹ đầu cơ, đã phải đóng cửa quỹ của mình là Perry Capital sau những đợt thua lỗ nặng nề. Quỹ Eton Park Capital Management ở New York do một cựu thành viên của Goldman Sachs thành lập, cũng đã đóng cửa trong năm nay.
Ngay cả John Paulson, người từng có giao dịch được gọi là “vĩ đại nhất lịch sử Phố Wall” do từng mang về cho công ty mình 15 tỷ USD bằng cách đặt cược rằng thị trường nhà đất sẽ sụp đổ, cũng gặp khó khăn trong thời gian gần đây. Theo LCH Investments, quỹ của ông đã mất 3 tỷ USD hồi năm ngoái. Paulson mất tiền do đầu tư vào Valeant và một số công ty dược phẩm khác.
Với nhà đầu tư “lão làng” Warren Buffett, những vụ sụp đổ gần đây của ngành quỹ đầu cơ là có thể đoán trước được. Ông Buffett từng chỉ trích những mức phí cao ngất mà hầu hết các nhà quản lý quỹ đưa ra – 2% phí quản lý và 20% lợi nhuận kiếm được. Trong khi đó, mức phí đầu tư vào các quỹ chỉ số thụ động có thể rẻ hơn nhiều, nhìn chung rất thấp, chỉ khoảng 0.1% trong một số trường hợp.
Cách đây 9 năm, ông Buffett và Giám đốc điều hành của Hidden Brook Investments là Ted Seides đã cược với nhau 500,000 USD để xem một quỹ đầu tư theo chỉ số S&P 500 có thành quả tốt hơn một quỹ đầu cơ hay không.
Cho đến nay, quỹ đầu tư theo chỉ số của ông Buffett đã đạt được mức lợi nhuận hàng năm là 7%, trong khi các quỹ đầu cơ của ông Seide chỉ mang về lợi nhuận 2.2%/năm. Điều đó nghĩa là một nhà đầu tư có 1 triệu USD mà làm theo lời ông Buffett sẽ kiếm được 854,000 USD, trong khi những người theo Seides sẽ chỉ kiếm được 220,000 USD. Trong một bài báo gần đây, Seides đã thừa nhận thất bại rằng “Vụ cá cược đã chấm dứt. Tôi đã thua”./.
|