Các chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 5/2017
Từ tháng 5/2017, sẽ có nhiều chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực như quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, chế độ với người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước...
Quản lý thuế đối với giao dịch liên kết
Có hiệu lực từ ngày 1/5/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trên vùng biển, đảo và thềm lục địa Việt Nam
Nghị định số 23/2017/NĐ-CP ngày 13/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 162/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực từ 1/5/2017.
Theo Nghị định số 23/2016/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với tàu ngầm, phương tiện đi ngầm của nước ngoài không treo cờ quốc tịch khi hoạt động trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được phép của Chính phủ hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ của quốc gia mà có tàu thuyền đó mang quốc tịch.
Nhân bản bản ghi hình ca múa nhạc cấm lưu hành bị phạt đến 25 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 5/5/2017, Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Theo đó, phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.
Chế độ với người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai
Có hiệu lực từ ngày 5/5/2017, Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/03/2017 của Chính phủ quy định rõ chế độ, chính sách đặc thù đối với người tham gia hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm địa phương
Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương, kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định 31/2017/NĐ-CP ngày 23/3/2017 và có hiệu lực từ ngày 10/05/2017.
Điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước
Theo Nghị định 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực từ 15/5/2017, mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).
Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 5 năm trong thời hạn 1 năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản tới 2 tỷ đồng
Theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực từ 20/5/2017, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản
Nghị định 39/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017.
Nghị định quy định rõ nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh. Cụ thể, không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản. Chỉ được phép sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Quản lý sản xuất, kinh doanh muối
Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 quy định về quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh muối có hiệu lực từ 20/5/2017. Theo đó, sản phẩm muối khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng theo công bố hợp chuẩn, hợp quy đã đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; có bao bì, nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và an toàn thực phẩm (trừ muối công nghiệp).
Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản
Có hiệu lực từ ngày 20/5/2017, Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản theo hướng điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm./.
|