Chuyển động dòng tiền tuần 10-14/04
Tiền chảy vào nhóm bất động sản: NLG lập kỷ lục mới
Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh thì nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn mạnh mẽ đi ngược thị trường nhờ dòng tiền đổ vào khá mạnh.
Trong tuần qua (10-14/04), khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 181.2 triệu đơn vị/phiên, giảm 3.49% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 60.7 triệu cổ phiếu/phiên, tăng mạnh 35.31%.
Chỉ số VN-Index kết thúc tuần giảm 1.31% đứng tại 718.45 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0.57% đang dừng ở 89.64 điểm. Song, đi ngược với xu hướng này, chỉ số ngành bất động sản tuần qua đã đánh bại thị trường khi có mức tăng hơn 5.3%. Và sự tích cực này chính nhờ dòng tiền đã đổ mạnh vào nhiều mã vốn hóa vừa và lớn trong ngành, qua đó giúp cổ phiếu bay cao hơn.
Trên HOSE, FLC, ITA và HQC là 3 cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao nhất nếu xét trên giá trị tuyết đối, đạt lần lượt 25 triệu cp/phiên, 16 triệu cp/phiên và gần 14 triệu cp/phiên. Nếu so sánh với tuần giao dịch trước đó thì chỉ có FLC và HQC có dòng tiền tăng trưởng, trong đó lớn nhất là HQC với mức tăng 27%.
Trong tuần qua, HQC khiến không ít nhà đầu tư ngỡ ngàng khi công bố (ngày 11/04) BCTC kiểm toán 2016 với lãi ròng 2016 “bốc hơi” hơn 90 tỷ đồng sau kiểm toán, chỉ còn 20 tỷ đồng. Theo HQC, giai đoạn cuối năm 2016, các căn hộ của dự án mà Công ty đầu tư đã hoàn thành và sẵn sàng bàn giao cho khách hàng nên Công ty ghi nhận doanh thu dựa trên thông báo bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, vì số lượng căn hộ cần bàn giao quá nhiều nên một số khách hàng không kịp nhận căn hộ vào cuối năm 2016 mà chuyển sang nhận căn hộ vào tháng 1/2017. Và theo nguyên tắc ghi nhận doanh thu lợi nhuận thì kiểm toán đã điều chỉnh doanh thu và giá vốn sang quý 1/2017, dẫn đến sự chênh lệch trong kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán năm 2016. Ngay trong ngày này, cổ phiếu HQC lập tức nằm sàn với khối lượng giao dịch khớp lên đến gần 30 triệu cp, cho thấy lượng bắt đáy khá mạnh. Những phiên sau đó, HQC đã bật tăng trở lại nhưng kết tuần vẫn còn giảm gần 4%.
Xét về tăng trưởng tương đối, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp là SJS mới chính là mã dẫn đầu về tăng trưởng thanh khoản trên sàn. Theo đó, khối lượng giao dịch trung bình tại SJS đạt hơn 425,000 cp/phiên, tăng gần 177% so với tuần trước và giá cổ phiếu cũng tăng xấp xỉ 9%, đạt trên 29,000 đồng/cp. Đây cũng là vùng giá cao nhất mà SJS đạt được trong 1 năm qua.
Ngay sau SJS là một cổ phiếu bất động sản từng được ví như “ngôi sao” trong năm 2015, đó là DRH. Với thông tin đầu tư 836 tỷ đồng vào hai dự án Terracotta Hill và Metro Valley, cổ phiếu DRH lập tức hấp dẫn nhà đầu tư khi khối lượng giao dịch bình quân tuần qua tăng hơn 144%, đạt 579,000 cp/phiên và giá tăng 12%.
Nằm trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, nhiều mã khác trong ngành bất động sản cũng nhận được sự quan tâm lớn từ phía nhà đầu tư như NLG, KDH, LDG, NTL, SCR, VPH, NVL…
Song ấn tượng nhất có lẽ chính là NLG khi có dòng tiền tăng trưởng liên tục 4 tuần và thiết lập nhiều kỷ lục mới từ khi niêm yết cho riêng mình. Theo đó, trong tuần qua, cổ phiếu NLG đạt thanh khoản trung bình gần 1.2 triệu cp/phiên, tăng trưởng 59% so với tuần trước đó và ghi nhận 4 tuần tăng liên tiếp. Riêng ngày 10/04, NLG khớp lệnh gần 2 triệu cp và đây là mức khớp lệnh cao nhất từ khi nêm yết.
Chưa dừng lại ở đó, giá cổ phiếu NLG kết thúc tuần qua tiệm cận mốc 30,000 đồng/cp, tăng khoảng 44% kể từ khi niêm yết và cũng là mức cao kỷ lục từ khi niêm yết. Như vậy, sau một thời gian dài tích lũy, cổ phiếu NLG đã chính thức bứt phá và chắc chắn mang lại niềm vui lớn cho cổ đông. NLG được biết đến là một doanh nghiệp dẫn đầu về phát triển nhà ở vừa túi tiền tại TPHCM, kết quả kinh doanh tăng trưởng liên tục trong 4 năm qua là minh chứng ấn tượng nhất cho điều này. Mới đây, Nam Long công bố việc hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Realty đến từ Osaka và Nishi Nippon Railroad đến từ Fukuoka để cùng phát triển dự án thứ tư liên tiếp – Mizuki Park với quy mô hợp tác lên đến 26 hecta, giá trị 8,000 tỷ đồng.
Ở nhóm vốn hóa lớn thì ngoài NVL, cổ phiếu VIC cũng hút được dòng tiền tuần qua khi tăng trưởng trên 70%. Được biết, năm 2017, VIC đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt khoảng 80,000 tỷ đồng, tăng trưởng 40% và lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 15% xuống 3,000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh khi dòng tiền rời bỏ khá nhiều tuần qua như NT2, STB, C47, PAC, CTD, EIB, HCM, VNM, VHC, VCB…
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Trên HNX, đại diện ngành bất động sản là CEO có khối lượng giao dịch bình quân tăng trưởng ấn tượng hơn 300%, đạt gần 4 triệu cp/phiên.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
|