Thấy gì qua kế hoạch “lột xác” của AMV?
Ít ai ngờ rằng một CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược & TTB Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV) kinh doanh “lầy lội” trong nhiều năm lại đưa ra một kế hoạch kinh doanh “lột xác” trong năm 2017 với dự kiến lãi tăng 47 lần và tăng vốn gấp 13 lần. Cùng với đó là giá cổ phiếu trên thị trường đã tăng dựng đứng để trở lại đỉnh cao sau 6 năm.
“Say” với nợ và 6 năm ngập ngụa trong lỗ lũy kế
Trước năm 2011 là khoảng thời gian “sóng yên biển lặn” đối với AMV khi hoạt động kinh doanh tăng trưởng đều, tài sản chủ yếu được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu và nợ dường như còn khá xa lạ. Nhưng sau đó, khi những dự án xây dựng hạ tầng liên tục được đề xuất và để đủ vốn phục vụ nhu cầu đầu tư, cơ cấu nợ của AMV trong vòng 5 năm trở lại đây đã có sự dịch chuyển dần từ vô thành hữu, từ tiểu hóa đại và khá rõ rệt từ nợ vay ngắn hạn sang nợ dài hạn.
Tình hình nợ vay và chi phí lãi vay tại AMV từ 2010-2016
Đvt: tỷ đồng
|
Đến năm 2011 và 2012, cũng là hai năm đánh dấu cơn ác mộng lỗ lũy kế bắt đầu. Cùng với sự ảm đạm của tình hình kinh tế thế giới, chi phí sử dụng vốn lẫn chi phí nhiên, nguyên vật liệu đều tăng cao và sự tràn lan mặt hàng trôi nổi từ Trung Quốc với giá chỉ bằng 2/3 đã buộc AMV phải kinh doanh gần sát giá vốn.
Cũng từ đây, bóng hình những khoản nợ vay bắt đầu xuất hiện với dự án xây dựng nhà máy sản xuất tiêu chuẩn GMP tại khu Công Nghệ Cao TP.HCM và thực hiện triển khai sản xuất thêm những sản phẩm Rapid Tests mới trong ngành (sốt xuất huyết, nước tiểu 10 thông số, troponin, HBV,...) để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính điều này đã làm chi phí lãi vay tăng mạnh lên trong hai năm này lần lượt 770 triệu đồng và 904 triệu đồng, trong khi khoản mục này chỉ có 43 triệu đồng ở năm 2010.
Trớ trêu! Sự “bứt phá” mạnh của chi phí lại sánh đôi với việc doanh thu đều đặn giảm, nên khoản lãi gộp ít ỏi không thể gánh nổi và khiến AMV chịu lỗ ròng 2.7 tỷ đồng trong năm 2011 và 250 triệu đồng trong năm 2012.
Đáng nói là, dự án tại Khu Công nghệ cao – bắt đầu nguồn cơn của những khoản nợ – lại kéo dài không lâu, thay vì đi vào hoạt động vào năm 2013 thì lại bị trì hoãn do khó khăn về giấy phép xây dựng nên AMV lại chuyển vốn đầu tư sang nâng cấp nhà máy tại Bình Phước đạt chuẩn GMP WHO. Cũng trong năm 2013, Ban lãnh đạo đã tái cơ cấu nợ vay ngắn hạn từ 3.5 tỷ đồng năm 2011 còn nửa tỷ trong năm 2013 để giảm bớt gánh nặng tài chính, đồng thời, giải phóng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí chưa cần thiết. AMV bắt đầu có lãi sau 2 năm lỗ liên tiếp nhờ cố gắng này, dù chỉ 145 triệu đồng.
Nhưng sang năm 2014, một dự án khác lại xuất hiện cùng với khoản tín dụng dài hạn bất ngờ hơn 11 tỷ đồng. Đích nhắm của dự án lần này là nâng cấp xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO GMP, ISO 13485 và trang bị máy móc sản xuất. Được biết, đây cũng là năm đầu tiên và cũng là duy nhất tổng nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu từ khi niêm yết.
Bên cạnh gánh nặng nợ vay “hãm” kết quả kinh doanh, trong năm 2014, AMV còn phải tiến hành giải thể công ty con TNHH Sinh học Việt Mỹ, thanh lý và trích lập lỗ các khoản đầu tư xây dựng khu Công nghệ cao hồi năm 2011 do không thể thu hồi chi phí. Thêm nữa, khoản đầu tư 2.6 tỷ đồng vào Thương mại Việt Mỹ Sài Gòn thay vì nhận “quả ngọt” thì AMV phải chịu lỗ ngay năm đầu tiên góp vốn. Khép lại 2014 với việc kinh doanh dưới giá vốn, gánh lỗ từ hoạt động đầu tư và ôm khoản nợ vay kỷ lục, AMV ngậm ngùi ghi nhận lỗ ròng hơn 9.2 tỷ đồng. Lỗ lũy kế cũng từ 1.7 tỷ nâng lên thành 11 tỷ đồng.
Năm 2015, AMV tiếp tục thua lỗ nhẹ 650 triệu đồng và năm 2016 thì Công ty lại may mắn có lãi hơn 800 triệu đồng, qua đó tránh được nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế từ 2010 – 2016
Đvt: Tỷ đồng
|
Kế hoạch 2017 có quá sức?
Thay cho những khoản nợ vay, AMV khởi đầu 2017 bằng dự định kích vốn “khủng” từ 21.2 tỷ đồng lên hơn 271 tỷ đồng với phương án phát hành 25 triệu cp riêng lẻ. Được biết, toàn bộ 250 tỷ đồng vốn thu được sẽ dùng để mua cổ phần của CTCP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ.
Sau khi nhận chuyển nhượng, AMV sẽ trở thành Công ty mẹ của Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ với tỷ lệ sở hữu 83.33% và thông qua đơn vị này để tiến hành triển khai đầu tư gần 556 tỷ đồng vào hai dự án xây dựng Nhà nội trú tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Khê và huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Cả hai dự án đều được dự kiến là hết năm 2020 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Theo Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia, CTCP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ chỉ mới thành lập vào ngày 13/02/2017 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, do CTCP Kanpeki Nhật Bản (98% vốn) và hai cá nhân khác góp vốn sáng lập, trong đó ông Lê Đức Khanh làm đại diện pháp luật (trụ sở tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Hoạt động chính chủ yếu là bán buôn tổng hợp kết hợp kinh doanh đa ngành như vận tải, lắp đặt thiết bị, xây dựng công trình công ích, kỹ thuật dân dụng,…
|
Không biết phương án lần này của AMV có mang lại kết quả như dự tính không nhưng nhìn lại các khoản đầu tư mà AMV tham gia góp vốn trước đây đều không mấy tươi sáng nếu không muốn nói là thất bại. Cụ thể, TNHH Sinh học Việt Mỹ bị giải thể trong năm 2014 từ thất bại dự án khu Công nghệ cao, CTCP Thương mại Việt Mỹ Sài Gòn cũng chung cảnh năm 2016 (chỉ mới góp vốn năm 2014). Còn CTCP Sản xuất Kinh doanh Sinh phẩm Chẩn đoán Y tế Việt Mỹ được thành lập tháng 12/2016 với vốn góp 73% thì đến tháng 2/2017 AMC đã quyết định thoái vốn. Thế thì liệu 250 tỷ đồng vào Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ có chung số phận khi mà đơn vị này chỉ mới thành lập vào ngày 13/02 vừa qua.
Không những thế, AMV còn gây bất ngờ với cổ đông khi kế hoạch tổng doanh thu tăng trưởng gấp 15 lần thực hiện năm 2016, từ 11 tỷ lên 196 tỷ đồng. Theo đó, chỉ tiêu lãi sau thuế 6 năm nay chưa bao giờ qua hàng tỷ thì nay dự sẽ chạm mốc 38 tỷ đồng, cao gấp 47 lần. Ban lãnh đạo cho biết năm 2017 sẽ chủ yếu nhờ vào đẩy mạnh triển khai các dự án bán hàng và đầu tư liên kết y tế để hoàn thành những con số “ngất trời” này. Tham vọng lớn đã có, sự dẫn dắt mới cũng đã hình thành, nhưng câu trả lời cho “kế hoạch 2017 có quá sức?” vẫn bỏ lửng, vì định hướng và chiến lược kinh doanh để hiện thực hóa những con số “ngất trời” vẫn chưa rõ nét.
Nói về giá, với “vết son” lỗ lũy kế hơn 9 tỷ đồng, không lạ khi cổ phiếu AMV một năm trở lại đây hầu hết chỉ đi ngang tại mức giá “cốc trà đá”, lượng cổ phiếu giao dịch không hơn 2,000 cp/ngày. Tuy nhiên, giá AMV bắt đầu chuyển mình lên vùng giá 7,000 – 9,000 đồng/cp từ hồi tháng 10/2016 và dao động quanh vùng này trong 3 tháng, giao dịch diễn ra giữa các vị lãnh đạo là chủ yếu.
Và khi được Đại hội thông qua kế hoạch tăng vốn trong ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 vào ngày 20/02/2017, cổ phiếu AMV đã đột biến tăng hơn 71% giá trị từ 9,000 lên 16,000 đồng/cp (kết phiên ngày 05/04), lượng giao dịch trung bình khoảng 17,000 cp/ngày.
Diễn biến giá cổ phiếu AMV trong vòng 12 tháng qua
|
Với những biến chuyển lớn trong tương lai, dàn ban lãnh đạo cũng dần “thay hình đổi dạng” từ cuối năm 2016. Sau nhiều thay đổi, bà Đặng Nhị Nương được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc thay cho ông Bách Mộng Hà. Toàn bộ các thành viên HĐQT cũng thay bằng những cái tên hoàn toàn mới là ông Phạm Văn Tuy, ông Vũ Văn Ngát, ông Nguyễn Anh Quân và ông Lê Quang Chung. Tương tự với Ban kiểm soát, bà Nguyễn Thị Thương, bà Lê Thị Hương và bà Nguyễn Hương Giang là những thành viên được bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2017.
|
|