Nhịp đập Thị trường 28/04: Thanh khoản thấp nhất trong vòng 8 tuần
Cuối phiên khá nhiều diễn biến kịch tính ở nhiều nhóm cổ phiếu. Bất chấp giá đường thế giới đang giảm, nhóm cổ phiếu ngành đường lại bật tăng mạnh trong đó, 2 cổ phiếu đang có câu chuyện sáp nhập là BHS và SBT tăng kịch trần, LSS của Mía đường Lam Sơn hay SLS của Đường Sơn La cũng tăng từ 4% đến 5%.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở nhóm cổ phiếu nhựa với hàng loạt cổ phiếu đóng cửa trên tham chiếu như NTP, AAA, DAG, DNP, … mặc dù trước đó màu đỏ cũng chiếm đa số ở nhóm cổ phiếu này.
Nhóm cổ phiếu thép lại có sự phân hóa khá rõ, chia làm 2 nhóm rõ rệt, TIS, VGS, POM, VIS, tăng giá trong khi bộ đôi HSG, HPG cùng với NKG, TLH, SMC, … lại giảm điểm.
Đóng cửa, VN-Index tăng 0.17% lên mức 717.73 điểm, ghi nhận cả tuần tăng 5.32 điểm, tương ứng tăng 0.75% cùng với mức tăng của HNX-Index khi chỉ số này đóng cửa tuần tại 89.54 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt trung bình 4,495 tỷ đồng/phiên, giảm 11.33% so với tuần trước đó và ghi nhận mức thanh khoản thấp nhất trong 2 tháng trở lại đây.
14h: Giảm trở lại
Sau khoảng thời gian ngắn hồi phục tốt cuối phiên sáng, áp ực bán tăng dần đã kéo nhiều cổ phiếu quan trọng rơi về các mức giá thấp hơn.
Ngoại trừ VNM và ROS, các cổ phiếu còn lại trong top10 HSX đều giảm điểm đang khiến VN-Index giảm 0.14%. Tương tự, 2 chỉ số tại Sở GDCK Hà Nội cũng giao dịch dưới mức tham chiếu.
STB diễn biến gần giá kịch sàn sau khi áp lực bán tăng mạnh đầu giờ chiều, khối lượng giao dịch hiện đã đạt 8.2 triệu đơn vị, giá trị gần 100 tỷ đồng.
Phiên sáng: Đà tăng lan rộng
Ngay sau khi nhóm ngân hàng phục hồi trở lại, các cổ phiếu chứng khoán là SSI, HCM và VND cũng đã đem lại niềm vui cho cổ đông trong đó, HCM tăng mạnh nhất với mức cộng thêm 600 đ/cp, tăng xấp xỉ 2%.
Nhóm Bất động sản, xây dựng cũng hòa vào nhịp tăng với hàng loạt cổ phiếu như DIG, DLG, HDG, LHL, SCR, SJS hay TDH, … đáng chú ý, cổ phiếu đình đám một thời là OGC có 2 phiên tăng kịch trần liên tiếp, không còn dư bán sau thông tin (chưa chính thức) là kết quả Q1 bước đầu khả quan.
Ở chiều ngược lại, sau các thông tin được phát đi sau ĐHCĐ, 2 cổ phiếu lớn là NT2 và NVL lại giảm giá mạnh.
Theo đó, tại đại hội, NT2 việc Giám đốc đương nhiệm đến tuổi nghỉ hưu làm nhiều cổ đông lo lắng cộng với việc giảm cổ tức 2017 và PV Power cân nhắc thoái vốn đang khiến NVL mất 450 đ/cp, tức giảm 1.5%.
Không giống như NT2, các thông tin từ ĐHCĐ của NVL tích cực hơn nhiều như việc kế hoạch LN 2017 tăng mạnh, cổ tức tối đa 20% hay mua lại toàn bộ dự án Sunrise Bay Đà Nẵng không giúp đại gia BĐS này có diễn biến khả quan hiện tại, NVL đang mất 1,600 đ/cp, bốc hơi gần 2.21%.
Đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 0.15%, lên mức 717.6 điểm, HNX-Index và Upcom-Index cũng tăng lần lượt 0.09 % và 0.05 %. Thanh khoản toàn thị trường đạt mức 136.3 triệu đơn vị, giá trị tương đương 2,614 tỷ đồng.
10h30: Dần hồi phục
Sau khi nhận thấy lực cung không quá mạnh, bên cầm tiền đã tự tin hơn và các lệnh mua được đưa ra nhiều hơn ở hàng loạt cổ phiếu quan trọng.
Bên cạnh REE đã mạnh từ đầu phiên thì VNM, GMD, VCB, TCM, MBB, DRC, BHS hay CII, … là các cổ phiếu nhanh chóng lấy lại màu xanh tăng điểm. Cổ phiếu rất nóng trong thời gian gần đây là STB của Sacombank cũng dần tiệm cận mức giá tham chiếu.
Sau kế hoạch lãi ròng 2017 hơn 4,500 tỷ (+24% YOY), tăng vốn lên 18,155 tỷ đồng và phát hành ESOP (17.1 triệu cp), MBB (+250 đ/cp) đã có phiên tăng giá ấn tượng hiện lên đứng tại mức giá 15,450 đ/cp.
Một cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng khác là VCB cũng tăng giá nhẹ, được biết, trong ĐHCĐ mới đây, ngân hàng này cũng đề ra kế hoạch tăng vốn thêm gần 3,600 tỷ, và để ngỏ khả năng M&A với các định chế tín dụng khác nhằm phục vụ cho mục tiêu lãi trước thuế 9,200 tỷ đồng (+8% YOY).
Không may mắn như hai cổ phiếu trên, các đại diện khác như CTG, BID, SHB, ACB vẫn đang loay hoay ở vùng giá đỏ.
9h30: Mở cửa thăm dò
Thị trường khởi đầu khá thận trọng khi 2 chỉ số chính đều giảm điểm nhẹ, UPCoM tăng điểm nhưng mức cộng thêm là rất ít, thanh khoản toàn thị trường ở mức thấp, chỉ đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng.
Như nhiều lo ngại trước đó, nhóm cổ phiếu dầu khí từ GAS, PVD, PVS, PGS, … đều đang bị bán mạnh và đồng loạt giảm điểm ở mức cao.
STB cũng bất ngờ giảm mạnh khi lực cung áp đảo từ đầu phiên. Diễn biến của cổ phiếu này thời gian gần đây khá bất thường, biên dao động cũng lớn, rất phù hợp cho hoạt động trading ngắn hạn.
Ngược lại, REE, QCG, POM, … lại tiếp tục tăng mạnh sau khi có thông tin tích cực.
Phiên giao dịch quan trọng trước kỳ nghỉ Lễ
Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 4 đang diễn ra khá cân bằng với 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, điểm tích lũy đang là tăng ở cả 2 chỉ số chính tuy nhiên, mức chênh lệch là không đáng kể và có thể thay đổi một cách dễ dàng trong phiên cuối tuần.
Sau nhiều phiên giảm liên tục gần đây, phần lớn cổ phiếu nói riêng và danh mục đầu tư nói chung đã bị tổn thương ít nhiều nên mặc dù thị trường tăng trở lại nhưng chừng đó là chưa đủ để giúp tâm lý nhà đầu tư thoải mái hơn từ đó kéo dòng tiền quay trở lại mức xấp xỉ 5,000 tỷ đồng/phiên như trước đây.
Ở phiên gần nhất, có cảm giác, nhiều người đang nhìn thấy cơ hội để thoái vốn với giá tốt trong một đợt hồi phục sau điều chỉnh hơn là sự khởi đầu của một đợt tăng mới. Điều này được thể hiện ở chỗ nếu phần lớn tin tưởng thị trường vào sóng mới thì sao lượng hàng bán ra lại mạnh đến vậy. Động thái này lại càng dễ hiểu khi thời điểm lo ngại về hiệu ứng “Sell in May” đang hiển thị ngay trước mắt.
Trong phiên giao dịch 28/04, thông tin nóng từ các cuộc họp ĐHCĐ được truyền về sẽ tiếp tục là động lực/áp lực đối với nhiều cổ phiếu. Bên cạnh đó, các đại diện tiêu biểu với những câu chuyện hấp dẫn đi kèm như STB, DCM, QCG, REE, BHS, DLG, PVT, … vẫn sẽ là điểm nóng thu hút sự chú ý của dòng tiền đầu cơ ngắn hạn. Ngoài ra, thông tin về việc nhiều quan chức, cựu lãnh đạo của PVN giai đoạn trước đang bị điều tra, thậm chí đề xuất kỷ luật có thể sẽ là một thách thức không nhỏ cho nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian sắp tới.
|