Nhịp đập Thị trường 25/04: Gần như toàn bộ các ngành đều giảm
Trừ Bất động sản, Bảo hiểm và Xây dựng, các ngành còn lại đều sụt giảm. Đây là hiện tượng khá lạ khi mà các chỉ số thị trường chỉ giảm nhẹ.
VN-Index kết phiên giao dịch giảm 1.81 điểm tương đương 0.26% xuống mức 707.58 điểm. HNX-Index giảm 0.63% xuống mức 87.86 điểm.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 197 mã tăng điểm và 245 mã giảm điểm. Như vậy, các thống kê cho thấy bên bán đang chiếm lại ưu thế.
Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 2,994 tỷ đồng. VN-Index ở trạng thái giảm điểm trong hầu hết thời gian giao dịch.
Trừ Bất động sản, Bảo hiểm và Xây dựng, các ngành còn lại đều sụt giảm. Đây là hiện tượng khá lạ khi mà các chỉ số thị trường chỉ giảm nhẹ.
Đáng chú ý nhất trên cả hai sàn là nhóm cổ phiếu Nông – Lâm – Ngư, Chế biến Thủy sản.
Mã HVG của ngành Chế biến Thủy sản đột ngột giảm sâu do bị khối ngoại bán ròng mạnh. Giá HVG vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm dài hạn kể từ sau khi phá vỡ SMA 100 hồi đầu tháng 11/2016. Ngoài ra các mã khác trong ngành như TCF, FMC, TS4... cũng giảm nhẹ.
Nhóm Nông – Lâm – Ngư cũng đi xuống khá mạnh. Dẫn đầu là bộ đôi HAG, HNG và sau đó là DPR, PHR, HKT....
Điểm nhấn tích cực nhất trên thị trường là nhóm Bất động sản. Nổi bật nhất vẫn là VIC, sau đó là các mã TIG, DXG,... Điều này giúp cho chỉ số ngành tăng trưởng mạnh nhất thị trường.
Riêng VIC thì giá đã test thành công trendline hỗ trợ dài hạn. Ngưỡng này đang duy trì trong vùng 38,000-40,500 nên sẽ hỗ trợ tốt cho giá nếu tiếp tục có điều chỉnh xảy ra. Mặt khác, chỉ báo Stochastic Oscillator cũng đã hình thành phân kỳ giá lên nên rủi ro sẽ giảm bớt.
Các mã đơn lẻ thì có những mã nổi bật như TCH, STB, HAP, KLF... Các mã này đều có điểm chung là có thời gian tích lũy kéo dài khá lâu và làm nền tảng vững chắc cho sự bứt phá. Điển hình như TCH đã tích lũy liên tục từ cuối tháng 12/2016 đến giữ tháng 03/2017 mới bứt phá nên đà tăng trưởng khá ổn định và đáng tin cậy.
Khối ngoại mua ròng 74.28 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 9.14 tỷ trên HNX.
14h: Mở rộng đà giảm
Nhóm cổ phiếu ngành Nông – Lâm – Ngư có điều chỉnh trở lại cùng với sự đi xuống của nhóm Khai khoáng. Trong khi đó, các chỉ số thị trường đều đang trong tình trạng mở rộng đà giảm trong phiên.
Các chỉ số thị trường bất ngờ mở rộng đà giảm vào đầu phiên chiều. Bên cạnh đó, lực cầu nhìn chung vẫn khá yếu. Tính tới 14h, VN-Index ở mức 706.89 điểm tương ứng mức giảm 0.35%, HNX-Index giảm 0.61% xuống mức 87.88 điểm.
Ngành Khai khoáng đang là một trong những ngành giảm mạnh nhất trên thị trường với sự sụt giảm của PVD là đáng chú ý nhất. Giá PVD đang test lại đáy cũ tháng 01/2012 (tương đương vùng 17,500-19,000). Nếu vùng này cũng bị thủng thì tình hình sẽ rất bi quan.
Nhóm Nông – Lâm – Ngư cũng đi xuống trở lại. Sự điều chỉnh của HAG, HNG, NSC... được đánh giá là khá nguy hiểm.
Riêng HAG thì giá đã phá vỡ nhóm MA ngắn hạn (EMA 10, EMA 20...) nên xu hướng ngắn hạn là khá nguy hiểm. Mặt khác, khối lượng cũng trồi sụt khá thất thường cho thấy lực cầu không ổn định.
Trong nhóm Ngân hàng có STB là đáng chú ý nhất khi tăng mạnh trở lại sau nhiều phiên điều chỉnh mạnh. Mẫu hình nến Hammer xuất hiện cho thấy triển vọng ngắn hạn có cải thiện tích cực.
Mã TCH là một trong số ít những mã vẫn tăng trưởng tốt trong đợt điều chỉnh lần này. Giá đang dịch chuyển trong kênh giá lên với khối lượng tăng trưởng ổn định.
Phiên sáng: Giữ xanh mong manh
Nỗ lực của nhóm bluechips đã giúp các chỉ số thị trường phần nào khởi sắc hơn về cuối phiên sáng. Tuy vậy, tính bền vững của nhịp hồi vẫn chưa thể chắc chắn khi lực cầu bắt đáy hiện tại vẫn khá yếu ớt.
Kết phiên sáng, VN-Index hồi thành công về lại tham chiếu, tương ứng với 709.42 điểm. Còn HNX-Index vẫn giảm 0.26 điểm, tương ứng 0.30% về 88.15 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn rất đáng ngại khi khối lượng khớp lệnh toàn thị trường chỉ ở mức hơn 92 triệu đơn vị, tương ứng chỉ hơn 1,580 tỷ đồng.
Nhóm bluechips vẫn đang giữ nhịp tăng tốt và giúp VN30-Index kết phiên sáng tăng hơn 2.5 điểm. Tuy vậy, ảnh hưởng lên VN-Index lúc này vẫn chưa thực sự rõ rệt khi nhiều mã ngoài rổ VN30 như EIB, SAB, VJC… vẫn đang kìm hãm VN-Index khá mạnh. Bên cạnh đó, lực cầu trên thị trường khá “heo hút” như hiện tại khiến động lực tăng điểm trên thị trường hiện tại vẫn chưa đủ mạnh.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng đang giao dịch khá phân hóa với CTG, STB tăng điểm trong khi VCB, SHB… giảm điểm. Trong đó, STB và CTG đang được bắt đáy khá tốt khi tiệm cận các hỗ trợ ngắn hạn.
Khối ngoại mua ròng nhẹ trên HOSE với hơn 27 tỷ đồng và bán ròng hơn 5.2 tỷ đồng trên HNX. VNM, DHG, PLX, MBB, ROS… là các mã được mua vào sôi động nhất trong phiên sáng nay.
10h30: Nhóm bất động sản hồi phục nhẹ
Sau một thời gian điều chỉnh, nhóm cổ phiếu bất động sản đã quay trở lại xu hướng tăng trưởng, dù không quá mạnh.
Các chỉ số thị trường tiếp tục giằng co mạnh trong trạng thái giảm nhẹ với khối lượng ở mức trung bình. Điều này cho thấy sự thận trọng trong ngắn hạn của giới đầu tư.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trên thị trường là nhóm Bất động sản. Nổi bật nhất vẫn là VIC, sau đó là các mã DXG, IDJ... Điều này giúp cho chỉ số ngành tăng trưởng mạnh nhất thị trường.
Riêng VIC thì giá đã về gần trendline hỗ trợ dài hạn. Ngưỡng này đang duy trì trong vùng 38,000-40,500 nên sẽ hỗ trợ tốt cho giá nếu tiếp tục có điều chỉnh xảy ra. Mặt khác, chỉ báo Stochastic Oscillator cũng đã hình thành phân kỳ giá lên nên rủi ro sẽ giảm bớt.
Trên sàn HNX thì sự chú ý gần như tập trung và KLF và SHB.
Giá SHB liên tục hình thành những mẫu hình nến đảo chiều trong vùng 7,300-7,700 nên sẽ khó có thể vượt lên trên ngưỡng này trong ngắn hạn. Khối ngoại cũng đặc biệt chốt lời mạnh mã này trong thời gian qua.
Việc KLF test lại đáy cũ 2,000-2,300 cũng rất được quan tâm. Những nhà đầu tư lướt sóng đang kỳ vọng về sự lặp lại của kịch bản tháng 11/2016 với sự bứt phá 100% chỉ trong chưa đầy 3 tuần.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 152 mã tăng điểm và 177 mã giảm điểm.
Mở cửa: Các ETF ở trong trạng thái discount, thị trường giằng co mạnh
Các ETF chính đều giảm điểm trong phiên hôm trước và đang trong trạng thái discount. Chỉ số thị trường lại tiếp tục giằng co mạnh vào đầu phiên hôm nay.
Các ETF quan trọng như Van Eck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đang trong trạng thái discount khá nguy hiểm. Điều này làm gia tăng rủi ro trong ngắn hạn và có thể hạn chế bớt lượng mua ròng của khối ngoại.
Trên cả hai sàn, nhóm Dầu khí như GAS, PVD, ... vẫn đang đi xuống do sự lao dốc kéo dài của giá dầu thế giới. Dự kiến quá trình này sẽ còn tiếp diễn.
Sự bứt phá của VHC đã phần nào giúp cho chỉ số ngành Thủy sản hồi phục trở lại. Tuy nhiên, các cổ phiếu khác trong ngành này vẫn chưa thực sự tích cực.
Mã TCH vẫn đang dịch chuyển trong kênh giá tăng với khối lượng tăng trưởng ổn định. Các thông tin về doanh số bán xe dự kiến rất ấn tượng đã giúp nhà đầu tư ngày càng chú ý hơn đến cổ phiếu này.
Mã KLF về lại đáy cũ 2,000-2,300 đang thu hút sự chú ý trên sàn HNX. Khối lượng giao dịch đang bắt đầu có sự chuyển biến tích cực.
Tính tới 9h30, VN-Index đang giảm nhẹ 0.06% giao dịch ở mức 708.99 điểm trong khi HNX-Index giảm 0.26% và giao dịch tại mức 88.19 điểm.
|