Nhịp đập Thị trường 14/04: Hụt hơi
Mặc dù tâm lý đã ổn định đồng thời lực cầu tham gia bắt đáy cũng tích cực hơn nhưng dường như vẫn là chưa đủ để giúp thị trường có một phiên đảo chiều thành công khi mà lực bán vẫn luôn chờ sẵn để ra hàng.
Càng về cuối phiên chiều, sự hưng phấn giảm dần ngay cả ở những đại diện xuất sắc nhất. STB và ACB quay đầu giảm điểm ngay trước đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác đinh giá đóng cửa và duy trì sắc đỏ đến hết phiên.
Kết phiên, VN-Index giảm 5.9 điểm, hay 0.81%, rơi về mức 718.45 điểm, ghi nhận tuần giảm khá với 1.31% giá trị. HNX-Index cũng giảm 0.39 điểm, hay 0.43%, chốt lại tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức 0.57% bằng việc rơi xuống mức 89.64 điểm.
Thanh khoản trung bình cả tuần đạt 4,773 tỷ đồng/phiên, giảm 6.72% so với tuần trước đó.
13h45: Hồi phục ấn tượng
Nhiều điểm sáng đã xuất hiện sau khi phiên chiều mở cửa trở lại, giúp các chỉ số lấy lại phần nào điểm số đã mất.
HBC là cổ phiếu lớn có sự bứt phá ấn tượng nhất, từ mức giá thấp nhất là 49.5, hiện tại giá cổ phiếu này đã tăng lên trên mức 54,000 đ/cp, biên độ dao động lên đến 9.43%. Được biết, Công ty vừa công bố kế hoạch kinh doanh mới tăng trưởng gần 50% về doanh thu và 45% về lợi nhuận sau thuế so với năm 2016 đồng thời hoãn phát hành 35 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang cho thấy sức mạnh khi lần lượt STB, ACB và SHB đã lấy lại màu xanh, các mã khác như VCB, CTG, BID, … cũng không còn cách quá xa so với giá tham chiếu.
Ở top10 sàn HOSE, như thường lệ, ROS luôn là cổ phiếu có tín hiệu sớm nhất, mặc dù vậy 9 cổ phiếu còn lại vẫn chưa thực sự đảo chiều thành công. Tại Top10 sàn Hà Nội, ngoài ACB và SHB đã tăng trở lại, PVI là cổ phiếu mới nhất vượt qua giá tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ, giá thấp cũng có sự biến chuyển mạnh mẽ, FLC, FIT, LDG đã tăng giá mạnh, đáng chú ý ITA chính thức tăng kịch trần với hơn 1.2 triệu cp dư mua, trong khi QCG thậm chí đã làm được điều này từ buổi sáng.
Phiên sáng: Cầu bắt đáy tăng dần
Cuối phiên giao dịch buổi sáng, khi nhận thấy giá nhiều cổ phiếu đã có mức giảm khá lớn, dòng tiền bắt đáy đã hoạt động mạnh hơn, góp phần giúp giá cổ phiếu và chỉ số dần hồi phục.
Nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện tại các cổ phiếu có vốn hóa cao và mang tính đại chúng như CII, DHG, FLC, NT2, ROS hay SJS. Đại diện ngành ngân hàng là STB cũng từng bước tiệm cận giá tham chiếu. Mới đây, UBCK cũng đã chấp thuận cho Sacombank được gia hạn thời gian công bố BCTC hợp nhất và riêng lẻ cho niên độ 2016.
Đóng cửa phiên sáng, VN-Index chỉ còn giảm 7.08 điểm, trong khi đó HNX-Index cũng đánh mất 0.81% giá trị.
10h30: Thanh khoản giảm theo điểm số
Thị trường dần hồi phục từ mức giảm gần 10 điểm trước đó, số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều hơn tuy nhiên đối với nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng nhất thì tình hình vẫn chưa khả quan hơn, thậm chí, SAB cũng đã gia nhập nhóm giảm điểm.
Ở chiều ngược lại, BHN có phiên thứ 2 tăng điểm tuy nhiên, thanh khoản chỉ đạt mức rất thấp. Hai trường hợp của HVN và ITA cũng đáng chú ý khi các mã này bật tăng trong phiên thị trường đỏ lửa bất chấp việc cả 2 đều đang có chuỗi giảm giá liên tục trước đó. Nhóm cổ phiếu hạ tầng, bất động sản tầm trung cũng ghi dấu ấn với việc LHG, QCG hay VRC có mức tăng rất mạnh.
Ở thời điểm 10h30, thanh khoản thị trường đạt mức 105 triệu đơn vị, giá trị tương đương 1,640 tỷ đồng. Các chỉ số đồng loạt giảm điểm cụ thể VN-Index mất 1.12% rơi về 716.31 điểm, HNX-Index cũng mất 1.1% trong khi UPCoM-Index giảm 0.36% giá trị.
9h30: Tâm lý lo ngại bao trùm
Tiếp đà giảm từ 2 phiên trước, thị trường tiếp tục có khởi đầu kém khả quan trong phiên cuối tuần khi duy nhất UPCoM-Index đang tăng nhẹ trong khi 2 chỉ số chính đều giảm xấp xỉ 0.5%.
Ở trong nước, tâm lý chốt lời mạnh mẽ trong khi bên ngoài, tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên dẫn đến các thị trường trong khu vực cũng đang giảm điểm được cho là nguyên nhân của diễn biến kém khả quan của thị trường.
Ngoại trừ SAB đứng giá, có đến 9/10 cổ phiếu lớn nhất sàn HSX đang mất điểm, mức giảm từ 0.4% - 1.6%. Ngay cả những cổ phiếu đang có diễn biến tích cực nhất như PDR, DXG hay CEO thuộc nhóm BĐS cũng đang quay đầu giảm điểm, số lượng cổ phiếu giảm/tăng giá áp đảo với tỷ lệ 168/40.
Cập nhật trước phiên
Thị trường tiếp tục giảm phiên thứ 2 liên tiếp, với tổng số điểm bị mất gần 7 điểm. Nếu chỉ tính đơn thuần về mặt điểm số thì không đáng lo ngại khi mức 720 điểm vẫn được bảo toàn tuy nhiên, diễn biến cụ thể ở từng nhóm cổ phiếu, nhất là đối với những mã có ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư đại chúng thì rõ ràng câu chuyện sẽ rất khác.
Sau 4 phiên đã giao dịch, trong số 5 cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất, có đến 4 cổ phiếu giảm điểm, đáng lưu ý mức giảm là khá lớn từ -6% (HQC) đến trên -12% (ITA). Mức độ thiệt hại về giá trị tài sản là không nhỏ trong một thời gian ngắn.
Sau một thời gian dài tăng giá, nhiều cổ phiếu đang đối mặt với áp lực bán chốt lời, rủi ro cho nhà đầu tư chậm chân phải mua ở các vùng giá cao là tương đối lớn khi điểm tựa duy nhất là các kế hoạch chia thưởng sau mùa Đại hội cổ đông chưa thực sự hấp dẫn trong khi kết quả kinh doanh quý 1/2017 thì vẫn là ẩn số.
Điểm sáng lớn nhất có thể kể đến là việc mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài khi sau 4 phiên, khối này đã mua vào 1,320 tỷ đồng, ghi nhận tuần thứ 5 liên tiếp mua nhiều hơn bán với giá trị giải ngân (ròng) lên đến 3,518 tỷ đồng. Mặc dù vậy, theo quan sát, lịch sử thường cho thấy khối ngoại thường chỉ mua ròng trong những giai đoạn giá cổ phiếu giảm.
|