Nhịp đập Thị trường 07/04: Đóng cửa phân hóa
Đà phục hồi được duy trì đến hết phiên, nhiều cổ phiếu đóng cửa phiên ở quanh mức giá cao nhất. Theo quan điểm kỹ thuật, đây là tín hiệu tích cực, mặc dù vậy, sau hai phiên biến động mạnh gần nhất, tâm lý của nhà đầu tư ít nhiều đã có sự thận trọng hơn.
TTF viết tiếp câu chuyện hấp dẫn với việc tăng mạnh phiên thứ 4 liên tiếp, ngay sau khi thông tin CTCP Xây dựng U&I (U&I Construction) vừa mua 29 triệu cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành và trở thành cổ đông lớn nắm giữ 20,054% vốn điều lệ TTF được công bố. Cũng kết phiên tăng mạnh như TTF còn có các cổ phiếu ít tên tuổi hơn như LDG, POM, TAC, SVT, …
Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index tăng 4.73 điểm (+0.65%), lên đứng tại 727.95 điểm, khép lại tuần tăng 0.78%. Ngược lại, HNX-Index giảm 0.56 điểm, hay 0.61% và ghi tuần thứ 2 giảm liên tục khi mất 0.74% giá trị, dừng tại 90.15 điểm. Thanh khoản đạt mức rất cao với trung bình 5,117 tỷ đồng/phiên, tăng 10.55% so với tuần trước.
14h: Bluechips đồng loạt khởi sắc
Đến 14h00 hiệu ứng từ STB đã dần lan tỏa ra phạm vi rộng hơn, kéo nhiều cổ phiếu quan trọng khác như VJC, HPG, HSG, FPT, BHN, CTD, … có các diễn biến thuận lợi từ đó giúp VN-Index có thời điểm tăng hơn 4 điểm, tức hơn 0.4% giá trị trong khi đó, STB tăng kịch trần với dư mua lớn.
Nằm ngoài xu hướng trên, cổ phiếu lớn nhất thị trường là VNM chưa một lần vượt qua giá tham chiếu. Được biết, sắp tới đây VNM sẽ trình kế hoạch năm 2017 với doanh thu 51,000 tỷ đồng và lãi sau thuế 9,735 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 4% so với năm trước (trong năm 2016, VNM đạt gần 47,000 tỷ doanh thu và hơn 9,300 tỷ đồng). Tỷ lệ cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lãi sau thuế.
Ngược lại, ITA dù đã khớp lệnh đến hơn 8 triệu cổ phần vẫn chưa thoát khỏi giá kịch sản bởi dư bán ở mức giá thấp nhất hiện vẫn còn trên 10 triệu đơn vị.
13h30: STB hồi phục mạnh
Đầu giờ chiều, cổ phiếu STB có những bước tiến về mặt thị giá rất mạnh mẽ khi tăng dần, tiệm cận thậm chí vượt lên trên mức tham chiếu 12,300 đồng/cp chỉ trong thời gian ngắn.
Thông tin rút lui của NVL dường như đã được hấp thụ và những ảnh hưởng bất lợi nhất đã nằm lại trong phiên giao dịch buổi sáng. Ở thời điểm 13h35, STB tăng lên mức 13,150 đồng/cp, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 13 triệu đơn vị.
Khác với mọi khi, sự hồi phục ấn tượng của STB chưa tạo ra ảnh hưởn tích cực lên các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng như ACB, VCB, CTG, MBB hay BID.
Tăng điểm cuối phiên sáng
Sự trở lại của SAB, VIC, CTG và MSN cùng với 2 trụ cột có diễn biến khả quan trước đó đã giúp VN-Index quay đầu tăng điểm ở cuối phiên sáng. Mặc dù vậy, mức tăng là không đáng kể và có cảm giác sẽ đổi màu bất cứ lúc nào.
Như vậy, đến thời điểm đóng cửa phiên sáng, chỉ còn HNX-Index vẫn giảm điểm bởi 4/5 cổ phiếu lớn nhất sàn này là ACB, VCS, PVI, VCG vẫn giao dịch dưới giá tham chiếu.
Tạm nghỉ, thị trường có 153.66 triệu cổ phần được trao tay, giá trị giao dịch đạt mức rất cao 3,515 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1/3 giá trị đến từ giao dịch thỏa thuận 28 triệu cp MSN với giá trị 1,285 tỷ đồng.
10h30: GAS và ROS không đủ “gánh” thị trường
Với việc 7/10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất mất điểm, nỗ lực của 2 cổ phiếu GAS và ROS là không đủ vực dậy chỉ số.
Sau khi giá dầu tăng 3 phiên liên tiếp, cổ phiếu lớn nhất nhóm dầu khí là GAS có phiên giao dịch khả quan khi tăng 1,000 đ/cp, tương tự như vậy, cổ phiếu lớn nhất thuộc nhóm dầu khí tại sàn Hà Nội là PVS cũng có phiên khởi sắc sau chuỗi giảm giá liên tục.
Ở một diễn biến khác, cổ phiếu lớn nhất nhóm chứng khoán là SSI tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp sau thông tin ESOP, cổ phiếu cùng ngành là HCM cũng đang có diễn biến bất lợi bất chấp thông tin nới room ngoại lên 100% và kế hoạch lãi ròng 2017 tăng 19%, đạt 361 tỷ đồng vừa được công bố.
Nhóm cổ phiếu quan trọng khác là thép đang có sự phân hóa với HPG, TLH, SMC giảm điểm trong khi HSG, VGS, đặc biệt là NKG tăng điểm khá tốt.
10h10: VN-Index giảm thêm, ở mức 0.41%, HNX-Index giảm mạnh nhất với 0.68% trong khi chỉ số tại sàn Upcom đã xuất hiện màu xanh với việc cộng thêm 0.08% giá trị. Thanh khoản toàn thị trường đạt 1,242 tỷ đồng với hơn 64 triệu đơn vị được mua/bán.
9h15: Nhóm ngân hàng giảm theo STB
Đúng như dự đoán, STB nhập cuộc với áp lực bán khá lớn và tạm chốt giá mở cửa ở 11,700 đồng/cp giảm mạnh hơn 4%. Diễn biến tại STB đang có tác động không tích cực đối với nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng khi ACB, VCB, CTG, BID, … cũng mở cửa giảm điểm.
Ông lớn ngành hạ tầng là ITA có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp sau thông tin hậu kiểm toán, lãi ròng "bay hơi" gần 30%, nợ quá hạn hơn 160 tỷ đồng.
Đến 9h15, VN-Index giảm 0.17%, trong khi 2 chỉ số còn lại cũng giảm nhẹ. Thanh khoản toàn thị trường đạt 680 tỷ đồng.
Cập nhật trước phiên
Áp lực bán mạnh và hàng loạt ở nhiều cổ phiếu lớn trong cuối phiên 05/04/2017 là điều bất khá bất thường bởi không có thông tin nào quá bất lợi thậm chí, các kết quả kinh doanh quý 1/2017 hay kế hoạch chia thưởng trong kỳ ĐHCĐ cũng là điều đang được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
Nguyên nhân còn lại là chốt lãi ngắn hạn cũng đã được đưa ra nhưng rõ ràng với mức sinh lợi khác nhau, kỳ vọng ở các cổ phiếu cũng rất khác nhau thì việc lại bị bán mạnh cùng một thời điểm lại là điều khó giải thích.
Thông tin quan trọng nhất được phát ra trong ngày nghỉ Giỗ Tổ 06/04/2017 là việc Novaland (NVL) chính thức tuyên bố về việc tham gia vào quá trình tái cơ cấu Sacombank – STB. Theo đó, với lý do tham gia tái cơ cấu Sacombank là một việc rất khó, rất phức tạp và sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc; cần sự minh bạch, cần sự quyết tâm của toàn đội ngũ và phải được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cộng với việc trong thời gian chờ đợi sự phê duyệt, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều gây bất lợi cho mình, đại gia bất động sản này đã chính thức rút lui khỏi quá trình này.
Cùng với đó, thông tin phát hành 10 triệu cổ phần cho chương trình ESOP tại SSI đã gần như chấm dứt quá trình tăng giá vừa qua ở cổ phiếu này với phiên giảm mạnh 3.36%, thậm chí giới đầu tư còn đang lo ngại về một xu hướng giảm giá của cổ phiếu chứng khoán có thị phần lớn nhất thị trường trong thời gian ngắn sắp tới.
Trong phiên cuối tuần, khả năng áp lực từ 2 cổ phiếu lớn này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến các cổ phiếu còn lại trong nhóm tài chính ngân hàng, từ đó lan rộng ra toàn thị trường là điều có thể dự báo.
|