Mai Hữu Tín: “Kinh doanh để thử thách bản thân”
Mai Hữu Tín hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam. Ông cũng là một doanh nhân nổi bật của tỉnh Bình Dương với vai trò Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư U&I (Unigroup). Tuy nhiên, có lẽ câu chuyện đến với kinh doanh của Mai Hữu Tín hẳn không được nhiều người biết đến.
* Unicons bất ngờ gom 29 triệu cp TTF
Trẻ hơn so với cái tuổi 44, dáng người chắc khỏe của một người luyện võ và chơi thể thao. Đó là những gì người viết cảm nhận khi đối diện với Mai Hữu Tín. Trên nghị trường Quốc hội, Mai Hữu Tín cũng được nhiều người biết đến là một ông nghị sắc sảo trong các chất vấn.
Mai Hữu Tín hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam. Ông cũng là một doanh nhân nổi bật của tỉnh Bình Dương với vai trò Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư U&I (Unigroup). Tuy nhiên, có lẽ câu chuyện đến với kinh doanh của Mai Hữu Tín hẳn không được nhiều người biết đến.
Năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Ngoại ngữ, Mai Hữu Tín làm phiên dịch viên tiếng Anh cho Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé. Chính khả năng ngoại ngữ xuất sắc đã làm thay đổi hướng đi cuộc đời của chàng võ sĩ Vovinam Mai Hữu Tín (khi là học sinh lớp 12, Tín đã giành giải vô địch Vovinam toàn quốc).
Sau công việc phiên dịch, Mai Hữu Tín tiếp tục làm thuê cho một vài công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam trước khi thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư U&I vào năm 1998, với số vốn 200 triệu đồng. Năm đó, Mai Hữu Tín 29 tuổi.
Sau 15 năm kể từ ngày quyết định ra riêng, đến nay Mai Hữu Tín đã nắm trong tay chuỗi hơn 30 công ty con và 8 công ty liên kết thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I mà tầm ảnh hưởng không chỉ ở Bình Dương (trong đó, nắm cổ phần chi phối tại 21 công ty).
Uniaudit, chẳng hạn, từng lọt vào danh sách 50 nhà tuyển dụng tốt nhất Việt Nam; Toàn Mỹ cho ra đời bồn nước inox đầu tiên tại Việt Nam; Unicons, một công ty xây dựng lớn, hay Unifarm với trang trại nông nghiệp công nghệ cao rộng 500 ha, đạt chuẩn Global Gap đầu tiên ở Việt Nam.
Những người yêu truyền hình, phim ảnh chắc hẳn sẽ biết đến HTV3, một kênh giải trí dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên, với toàn bộ phần nội dung do Công ty Cổ phần Truyền thông Trí Việt (TVM), một khoản đầu tư khác của U&I, thực hiện.
Gần đây, sau thương vụ mua lại cổ phần của đối tác Nhật tại Công ty Giấy Sài Gòn, cái tên Mai Hữu Tín lại một lần nữa được nhiều người nhắc đến. Một cuộc phỏng vấn với Mai Hữu Tín đã được người viết ấp ủ và dự định sẽ bắt đầu từ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Giấy Sài Gòn của ông. Tuy nhiên, thông tin mới nhất mà người viết có được là việc Mai Hữu Tín vừa nhận học bổng Eisenhower (Eisenhower Fellowship). Học bổng này ra đời từ năm 1953 nhưng đến năm nay mới có người Việt Nam được trao và Mai Hữu Tín là một trong số rất ít những người Việt Nam đầu tiên đó. Và cuộc trò chuyện đã bắt đầu từ đó.
Vì đâu ông được nhận Học bổng Eisenhower. Khóa học này sẽ kéo dài bao lâu?
Ứng viên cho Học bổng Eisenhower do nhiều nguồn khác nhau giới thiệu: từ các công ty Mỹ, sứ quán Mỹ, các thành viên trong Hội đồng Quản lý, nhà tài trợ… Qua nhiều vòng phỏng vấn, các ứng viên chính thức sẽ được chọn ra. Chương trình kéo dài 8 tuần ở Mỹ và do chính người nhận học bổng thiết kế cho phù hợp với nhu cầu nghiên cứu của họ với sự trợ giúp của một cán bộ chương trình.
Ông nghiên cứu vấn đề gì trong chương trình này?
Tôi đang quan tâm đến 2 việc: các viện nghiên cứu chính sách kinh tế độc lập và chính sách nông nghiệp của Mỹ.
Bây giờ nói về kinh doanh, mô hình kinh doanh của U&I là gì?
Công ty mẹ – Công ty Cổ phần Đầu tư U&I – là một holding chuyên đầu tư, tư vấn đầu tư và quản lý vốn tại các công ty thành viên.
Tại sao ông lại quyết định khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh này?
Tôi bắt đầu kinh doanh bằng một công ty tư vấn đầu tư và xuất nhập khẩu, bởi đây là 2 lĩnh vực tôi am hiểu nhiều vào lúc đó. Hiện nay, công ty mẹ vẫn làm tư vấn đầu tư, trong khi mảng xuất nhập khẩu đã tách hẳn ra thành nhóm logistics. Mô hình holding ra đời sau này, khi chúng tôi đã đầu tư vào nhiều ngành khác nhau. Cụ thể là 8 ngành gồm sản xuất, xây dựng, logistics, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, truyền thông, bất động sản và bán lẻ.
Vốn điều lệ của U&I hiện là bao nhiêu và ông nắm bao nhiêu cổ phần tại U&I?
Tôi đang nắm 88% vốn điều lệ của công ty mẹ, được đăng ký ở mức 500 tỉ đồng. Phần còn lại là của các nhân viên thâm niên của Công ty.
U&I có kế hoạch tăng vốn hay không?
U&I không có kế hoạch tăng vốn điều lệ vào lúc này. Tuy nhiên, vốn thực tế lại tăng hằng năm theo hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên và công ty liên kết mà U&I có đầu tư vào. Nguồn vốn kinh doanh hiện nay của U&I là khoảng 3.000 tỉ đồng.
Năm vừa rồi, doanh thu và lợi nhuận của U&I như thế nào?
Tôi xin không công bố vấn đề này.
Có vẻ hoạt động của U&I cũng giống như các quỹ đầu tư, tức rót vốn và nắm cổ phần ở các doanh nghiệp khác?
Chúng tôi khác với các quỹ đầu tư ở chỗ luôn tính toán đầu tư lâu dài và hoàn toàn không có ý định thoái vốn nếu khoản đầu tư đó vẫn tốt như chúng tôi kỳ vọng. Có những công ty chúng tôi đã đầu tư hơn 10 năm nay và vẫn giữ hoặc tăng thêm tỉ lệ sở hữu.
Với nhiều công ty con như vậy, làm sao có thể kiểm soát để đảm bảo đồng vốn của U&I được sử dụng hiệu quả?
Có những công ty holding đầu tư vào hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công ty khác đấy thôi. Những gì chúng tôi làm không khác mấy so với họ. “Chặt chẽ” không phải là tiêu chí lớn của chúng tôi mà vấn đề là “hiệu quả” thật sự.
Ông thường đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó vì lẽ gì?
Mục đích của việc đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận hợp pháp, bền vững từ đồng vốn bỏ ra. Cũng có khi chúng tôi đầu tư vì cảm thấy thích thú với một con người, một ý tưởng cụ thể nào đó. Nhưng các khoản đầu tư như vậy không nhiều lắm.
Vậy tiêu chuẩn của một doanh nghiệp để U&I có thể rót vốn đầu tư?
Đầu tiên là con người. Chúng tôi không giỏi về điều hành nên phải tìm những người thực sự có năng lực, tâm huyết và đạo đức làm đối tác của mình. Kế đến là ngành nghề. Chúng tôi chỉ đầu tư vào những ngành nghề mà chúng tôi có thể hiểu rõ được.
Tại sao ông lại đầu tư vào Giấy Sài Gòn?
Ở Giấy Sài Gòn, chúng tôi nhận thấy hội đủ các điều kiện cần như đã nêu ở trên. Chúng tôi tin vào năng lực điều hành của anh Cao Tiến Vị, nhà sáng lập Giấy Sài Gòn và đội ngũ ở công ty đó. Chúng tôi hiểu rõ ngành nghề của Giấy Sài Gòn và nhìn thấy tương lai xán lạn của nó. Đúng là quan hệ bạn bè giữa tôi và anh Vị đã làm cho mọi việc dễ dàng hơn, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định.
Đến nay, khoản đầu tư nào ông thấy tâm đắc nhất?
Khoản đầu tư tốt nào cũng làm tôi thích thú. Nhưng hiện tôi quan tâm nhiều đến nông nghiệp. Tôi tin Việt Nam có thể làm tốt hơn trong lĩnh vực này.
Còn thất bại?
Cũng khá nhiều. Hầu hết là do chúng tôi chọn sai đối tác. Có nghĩa, yếu tố con người luôn là số một.
Nhiều ông chủ doanh nghiệp Việt Nam cho rằng bán doanh nghiệp của mình là một thất bại. Ông nghĩ sao?
Tôi không nghĩ vậy. Bán được doanh nghiệp do mình gầy dựng nên với giá tốt và được thấy nó phát triển hơn nữa là một thành công lớn.
Gần đây, nhiều người còn biết ông trong vai trò là Phó Chủ tịch Ngân hàng Kiên Long. Vào Kiên Long có phải là nhằm tạo cổng tài chính cho U&I để có vốn đầu tư vào các dự án khác?
Vị trí Phó Chủ tịch Ngân hàng Kiên Long của tôi là vị trí của một thành viên Hội đồng Quản trị độc lập. U&I không sử dụng vốn của Kiên Long.
Làm kinh doanh, nhưng ông cũng tham gia chính trị. Vì sao? Và liệu trong tương lai, ông có theo đuổi sự nghiệp chính trị hay không?
Tôi tham gia Quốc hội với tư cách là một đại diện của cộng đồng doanh nhân, cũng như một số người khác. Và hiện tại tôi không có dự định gì khác.
Thần tượng Warren Buffett, vậy ông có tham vọng trở thành một tỉ phú đô la như ông ấy hay không?
Hoàn toàn không. Tôi luôn cố gắng tối đa, nhưng với tôi, việc kinh doanh chỉ là để thử xem khả năng của mình tới đâu thôi, chứ không đặt ra mục tiêu phải có một số tiền cụ thể nào cả.
http://nhaquanly.vn/mai-huu-tin-kinh-doanh-de-thu-thach-ban-d16257.html
|