Hà Nội thiệt hại 1.500 tỉ đồng vì giá heo giảm
Giá heo hơi giảm mạnh trong thời gian qua đã gây thiệt hại lên tới 1.500 tỉ đồng cho các hộ chăn nuôi heo ở Hà Hội, theo thông tin tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội với sự tham gia của nhiều chủ trại heo lớn tại địa phương diễn ra ngày 27-4.
Hộ gia đình và trang trại nuôi heo điêu đứng vì giá giảm - Ảnh: Thuỳ Dung
|
Theo thông tin tại hội nghị trên, giá heo giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi heo phải cầm sổ đỏ đi vay tiền ngân hàng để duy trì đàn heo mà họ chưa bán được; heo giống bán cũng không được, nuôi cũng không xong.
Giá heo hơi trên thị trường trong 6 tháng trở lại đây bình quân là 25.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình lên đến 33.000 đồng/kg, đối với các hộ phải mua heo giống là 39.000 đồng/kg.
Do vậy, người chăn nuôi thiệt hại khoảng 1 triệu đồng/con heo, đối với các hộ phải mua heo giống là 1,6 triệu đồng/con. Với số lượng 1,5 triệu con heo thịt bán ra từ tháng 10-2016 tới nay, các hộ chăn nuôi trên toàn thành phố Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỉ đồng.
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, giá heo xuống thấp khiến các trang trại thay vì đưa heo ra lò mổ để giết thịt, họ đã tự giết mổ ngay tại trang trại để giảm chi phí.
“Hôm qua tôi đi thăm các trang trại nuôi heo, nhiều trang trại nuôi đã phải cắm hết sổ đỏ (mang sồ đỏ đi vay vốn ngân hàng) để duy trì nuôi heo mà heo vẫn chưa bán được, tình hình đang rất khó khăn cho người nuôi”, ông Tường nói.
Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, chủ trại nuôi heo ở xã Thọ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội cho hay, ông không biết vì sao giá heo lại giảm thảm hại, kéo dài trong một thời gian dài như vậy mà chưa có dấu hiệu phục hồi. Ông than rằng, các chủ trang trại như ông và bà con chăn nuôi không hề có thông tin định hướng thị trường và cũng không biết quy hoạch của ngành này như thế nào để sản xuất.
“Heo đã ăn nát sổ đỏ, heo ăn cả két tiền của người nuôi. Bà con không có tiền mua thức ăn cho heo, thậm chí phải cắm cả sổ đỏ để duy trì đàn heo”, ông Thỉnh nói.
Còn theo ông Đinh Xuân Thủy, chủ hộ nuôi heo xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, ông bán 15 kg heo con mới được 300.000 đồng. Ông than thở rằng các hố chôn heo giờ nhiều như nghĩa trang, vì heo con không nuôi được, cũng không bán được, và bà con nông hộ hết tiền mất rồi.
Theo dự báo, trong những tháng tới tình hình chăn nuôi sẽ còn khó khăn hơn nữa khi bước sang mùa hè nóng nực, người tiêu dùng sẽ ít ăn thịt hơn, thay vào đó họ sẽ chuyển sang ăn các sản phẩm khác như hải sản, thịt gà, vịt.
Ngày hôm nay 27-4, Bộ NN&PTNT có công văn 3511 gửi UBND các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi.
Theo đó, trước mắt giao cho các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể.
Các tỉnh, thành cần tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi rà soát quy trình sản xuất, giảm giá bán phù hợp, chia sẻ với người nông dân. Chỉ đạo cơ quan thú y tăng cường kiểm tra dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, không để tình trạng cắt bớt các khâu quản lý dịch bệnh dễ dẫn tới hệ lụy phát dịch trong thời gian tới.
Ngoài ra, các cơ sở giết mổ, chế biến sẽ được tạo điều kiện cho phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi. Tăng cường quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.
Về lâu dài, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết; trong đó, phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và Hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
Ngoài ra, các địa phương cần triển khai các giải pháp tổng thể nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương, xác định địa phương phải chủ động là chính kết hợp giải pháp liên kết trong vùng và liên vùng. Rà soát, thống kê chăn nuôi để có quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương; vừa đảm bảo ổn định thị trường vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi gắn với an toàn thực phẩm.
http://www.thesaigontimes.vn/159525/Ha-Noi-thiet-hai-1500-ti-dong-vi-gia-heo-giam.html
|