ĐHĐCĐ VPK: Năm 2017 có thể lỗ khi thực hiện dự án nhà máy ở Nam Tân Uyên
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, HĐQT cho biết với chi phí tài chính gia tăng trong năm 2017 do vay nợ để thực hiện dự án nhà máy ở Nam Tân Uyên có thể khiến CTCP Bao bì dầu thực vật (HOSE: VPK) chịu lỗ ròng 18.5 tỷ đồng trong năm nay.
ĐHĐCĐ thường niên VPK diễn ra vào sáng ngày 14/4/2017
|
Báo cáo trước đại hội, HĐQT cho biết kết quả kinh doanh của công ty trong năm 2016 không được như mong muốn chủ yếu là do tình hình cạnh tranh gay gắt quyết liệt làm sản lượng tiêu thụ giảm. Nhiều đối thủ trong ngành gia tăng quy mô mở rộng sản xuất, thậm chí thực hiện giảm giá mạnh, thậm chí lên tới 10%/ một đơn hàng so với VPK để dành lấy đơn hàng, dẫn đến sự xáo trộn và mất cân bằng lớn đối với hệ thống khách hàng.
Song song đó, khách hàng chủ lực của công ty có thêm nhà cung cấp nên thị phần bị chia sẻ và các nhà cung cấp giảm giá bán để cạnh tranh chiếm thị phần. Ngoài ra, chi phí tài chính của công ty tăng do công ty hiện đang tập trung nguồn lực đầu tư Dự án Nhà máy bao bì carton Bình Dương và phải vay thêm vốn để xây dựng nhà máy. Được biết nhà máy đang ở trong giai đoạn hoàn hoàn thiện giai đoạn 1 và chưa đi vào hoạt động tạo doanh thu. Theo đó, trong năm qua, VPK chỉ thu về gần 202 tỷ đồng doanh thu và gần 1.7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
HĐQT của công ty nhận định rằng trong năm 2017 ngành bao bì trong nước ngày càng khó khăn hơn, tình hình cạnh tranh sẽ gay gắt quyết liệt hơn. Ngoài ra, nhà máy mới bao bì Bình Dương (dự án Nam Tân Uyên) sẽ đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh vào quý 2/2017 nhưng trong năm đầu tiên sẽ chưa khai thác được thị trường và chỉ hoạt động 35% công suất thiết kế. Bên cạnh đó, do toàn bộ nguồn vốn đã tập trung vào dự án nên vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2017 là vốn vay ngân hàng. Cũng theo báo cáo của Ban Kiểm soát, đến thời điểm ngày 31/3/2017, tổng giá trị công trình đã thực hiện là 230 tỷ đồng, tương ứng 72% tổng giá trị dự toán. Với định hướng đó, VPK đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu là 250 tỷ đồng, lỗ 18.5 tỷ đồng và dự kiến sẽ không chia cổ tức. Như vậy, trong hai năm liên tiếp 2016-2017, cổ đông VPK sẽ không nhận được một đồng cổ tức tiền mặt nào từ công ty.
Chia cổ phiếu thưởng lên tới 87.5%
Dù không được nhận cổ tức tiền mặt trong hai năm 2016 – 2017 nhưng cổ đông của VPK sẽ được nhận cổ phiếu thưởng lên tới 87.5%. Theo đó, cổ đông sở hữu 120 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 105 cổ phiếu mới. Việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu sẽ thực hiện bằng việc sử dụng theo thứ tự thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, vốn khác của chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành là 7 triệu cổ phiếu.
Trả lời một số thắc mắc của cổ đông xoay quanh kế hoạch sử dụng vốn và tại sao không chi trả cổ tức năm 2016, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu – Chủ tịch HĐQT VPK cho biết, mục tiêu của KIDO là tập trung vào ngành dầu thực vật, chứ không phải là bao bì. Hiện tại KIDO đã nắm giữ tỷ lệ chi phối tại Vocarimex và VPK, và vì mở rộng sang ngành mới nên nguồn lực phải bị chia sẻ. Bà cho biết công ty mẹ đang dùng nguồn lực để phát triển ngành dầu, tuy nhiên cũng sẽ có trách nhiệm đối với các công ty con khác.
Ở thời điểm hiện tại, khó khăn của VPK là điều bình thường bởi công ty phải lấy vốn tự có để xây dựng nhà máy Nam Tân Uyên (dùng 30% vốn tự có và phần còn lại là vay ngân hàng). Thế nhưng, HĐQT của công ty đã xây dựng một chiến lược dài hạn và hi vọng đến năm 2020 sẽ có cổ tức 15%. Trong thời gian tới, VPK sẽ dời toàn bộ hoạt động từ quận 12 lên Bình Dương và thực hiện tái cấu trúc toàn diện về hoạt động kinh doanh và nhân sự.
Cũng tại đại hội, các cổ đông của công ty cũng đã thông qua việc bầu bổ sung ông Nguyễn Hùng Cường vào HĐQT do ông Dương Anh Tuấn có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT để nghỉ hưu theo luật định. Được biết, hiện nay, ông Cường đang đảm nhiệm các chức vụ khác như đại diện quản lý vốn nhà nước tại Vocarimex, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Vocarimex (UPCoM: VOC), Thành viên HĐQT CTCP Dầu thực vật Tường An (HOSE: TAC) và Thành viên HĐQT Dầu thực vật Tân Bình./.
|