[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ Vinamilk: Mô hình HĐQT mới có gì đặc biệt?
Sáng 15/04, ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) lại một lần nữa rất thu hút sự quan tâm của cổ đông sau những biến động lãnh đạo chủ chốt hồi năm 2015.
Theo đó, cổ đông VNM đã thông qua tất cả các tờ trình cũng như thông qua HĐQT nhiệm kỳ mới 2017-2021, trong đó, kết quả bầu cử như sau:
- Bà Mai Kiều Liên – 118.24%
- Bà Lê Thị Băng Tâm – 111.16%
- Ông Lê Thành Liêm – 106.69%
- Ông Lee Meng Tat – 91.92%
- Ông Michael Chye Hin Fah – 91.88%
- Ông Nguyễn Hồng Hiển – 91.73%
- Bà Đặng Thị Thu Hà – 91.71%
- Ông Nguyễn Bá Dương – 96.65%
- Ông Đỗ Lê Hùng – 96%
Theo thông tin thêm, bà Lê Thị Băng Tâm, bà Mai Kiều Liên, ông Lê Thành Liêm và ông Nguyễn Bá Dương được đề cử bởi nhóm 11 cổ đông nước ngoài vào vị trí thành viên HĐQT độc lập.
Dàn HĐQT nhiệm kỳ mới 2017-2021 của VNM.
|
Chủ tịch của Coteccons sẽ làm gì tại Vinamilk?
Phần thảo luận tại Đại hội có nhiều ý kiến của các cổ đông quan tâm về chiến lược dài hạn của VNM, từng ngành hàng sản phẩm. Và đặc biệt là sự thay đổi các thành viên HĐQT, trong đó có sự tham gia của Chủ tịch một công ty lớn và có tiếng về xây dựng là Coteccons (HOSE: CTD).
HĐQT mô hình mới có phù hợp với quy định của Nhà nước cũng như Luật Doanh nghiệp hay không? Việc tham gia của Chủ tịch CTD vào VNM có ý nghĩa gì?
VNM là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng quản trị mới. HĐQT nghiên cứu rất kỹ, cơ cấu 1/3 là thành viên độc lập phụ trách 3 tiểu ban quan trọng là Nhân sự (bà Tâm - Chủ tịch HDBank), Kiểm toán (ông Liêm - Giám đốc tài chính kiêm kế toán trưởng Vinamilk), Lương thưởng (ông Dương - Chủ tịch Coteccons).
Trong đó, ông Dương tham gia vào vị trí HĐQT độc lập để vừa đề xuất mức lương thưởng phù hợp vừa đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
Lợi nhuận sau thuế quý 1/2017 của VNM tăng tốt, nhưng tại sao cả năm chỉ tăng 4%? Vì sao giá sữa nguyên liệu tăng từ cuối năm 2016 nhưng công ty vẫn đạt được kết quả quý 1 tốt?
Bà Mai Kiều Liên cho biết, những chỉ tiêu mà Ban điều hành đưa ra là những chỉ số tối thiểu phải đạt được và phải lấy được thị phần, đảm bảo chất lượng.
Giá sữa tăng vào cuối năm 2016, nhưng VNM không cho tăng chi phí bán hàng và marketing nên kết quả kinh doanh lợi nhuận tăng cao trong quý 1/2017.
VNM đang dẫn đầu thị phần trong nước về sữa nước và sữa bột, vậy sữa chua có dẫn đầu không? Chiến lược cạnh tranh như thế nào về sản phẩm sữa đậu nành và ngành kem khi hai ngành này VNM chưa dẫn đầu?
Thị phần sữa đậu nành là 3,000 tỷ đồng, kem hơn 1,000 tỷ, sữa thanh trùng mấy trăm tỷ/năm. Nhưng VNM sẽ tập trung đầu tư tùy từng thời điểm để lấy lợi nhuận và thị phần cho phù hợp.
VNM có nguyên tắc kinh doanh riêng, có thể bỏ nhỏ lấy lớn. Đó là chiến thuật của VNM.
Vì sao chi phí bán hàng hàng năm của VNM lớn, đặc biệt là chi phí quảng cáo? Tiến trình thoái vốn của SCIC tiếp theo như thế nào? Đối tác Thái Lan hiện chiếm hai vị trí trong HĐQT VNM nhiệm kỳ mới thì có ảnh hưởng ra sao?
Thời điểm và mức giá Nhà nước thoái vốn là quyền của Nhà nước, vấn đề là bán cho ai và ai trở thành cổ đông của VNM thì hi vọng sẽ cùng nhau hợp tác mang lại lợi ích cho cổ đông.
Về vấn đề này, đại diện SCIC cho biết đang báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền để thoái vốn theo đúng Pháp luật và tối ưu hóa giá trị vốn Nhà nước thu về. Bên cạnh đó, SCIC cũng tính đến việc lựa chọn đối tác nhằm đảm bảo hoạt động của VNM và ổn định trên thị trường chứng khoán.
Doanh số từ thị trường nước ngoài của VNM đang tăng lên, mục tiêu đến 2021 sẽ chiếm 25%, vậy năm 2016 chiếm bao nhiêu %? Các chính sách của Tổng thống mới của Mỹ có ảnh hưởng đến hoạt động tại thị trường nước ngoài của VNM?
Mục tiêu doanh số của VNM ở thị trường nước ngoài là 19,000 tỷ, trong đó vừa xuất khẩu vừa mua bán sáp nhập để có doanh số và lợi nhuận, còn cụ thể thị trường nào và mua bán sáp nhập đối tác nào sẽ có nghiên cứu thực tế.
Lợi nhuận quý 1/2017 tăng trưởng hơn 30%
Trong phần báo cáo hoạt động của Ban điều hành, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên vui mừng tiết lộ, trong quý 1/2017, doanh số của VNM tăng 16.1% so cùng kỳ 2016; lợi nhuận trước thuế tăng 30.3%, còn lợi nhuận sau thuế tăng 34% so với cùng kỳ 2016.
Bà cho biết, về thị phần giai đoạn 5 năm vừa qua (2016 so với 2012) thì các ngành hàng sữa nước đã tăng từ mức 45.9% lên 54.5%, sữa bột trẻ em tăng từ 21.7% lên 25.1% ở 6 thành phố lớn và đạt 40% thị phần trên toàn quốc năm 2016, sữa chua uống đã tăng thị phần từ 24.4% lên 33.3%, sữa đặc tăng từ 79.4% lên 79.7%.
HĐQT trình mức thù lao HĐQT năm 2017 là 20 tỷ đồng (bao gồm thù lao của Ban kiểm soát trong quý 1/2017, trước khi chuyển đổi cơ cấu quản trị).
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) bắt đầu lúc 8h45 ngày 15/04/2017 với sự tham gia của khá đông nhà đầu tư với 625 cổ đông, đại diện cho hơn 75% cổ phần có quyền biểu quyết.
|
TÀI LIỆU CÔNG BỐ TRƯỚC ĐẠI HỘI
HĐQT với nhiều gương mặt "lạ"
Theo tài liệu, số lượng Thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2017-2021) của VNM sẽ tăng từ 6 lên 9 người nhằm thực hiện các nghĩa vụ của HĐQT theo mô hình mới. Bởi VNM sẽ thay đổi cơ cấu quản trị từ mô hình Ban kiểm soát sang mô hình Tiểu ban Kiểm toán (Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT). Theo đó, danh sách HĐQT gồm:
- Ông Michael Chye Hin Fah – Giám đốc phụ của Fraser and Neave Ltd. (công ty mẹ của F&N Dairy Investments Pte Ltd),
- Ông Lee Meng Tat – CEO Nước uống không cồn của Fraser and Neave, Ltd.,
- Bà Đặng Thị Thu Hà – Phó trưởng ban Đầu tư Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC),
- Ông Nguyễn Hồng Hiển – Phó Tổng giám đốc SCIC,
- Ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD),
- Ông Đỗ Lê Hùng (từng là Giám đốc Kiểm toán và Kiểm soát nội bộ Big C Việt Nam),
- Ông Lê Thành Liêm – Giám đốc tài chính kiêm Kế toán trưởng VNM,
- Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc VNM,
- Bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng HDBank.
Trong đó, bà Đặng Thị Thu Hà và ông Nguyễn Hồng Hiển là hai đại diện của SCIC; ông Michael Chye Hin Fah và Lee Meng Tat là đại diện vốn của Fraser and Neave, Limited Group (nắm 17.88% trong VNM).
5 người còn lại không đại diện cho nhóm cổ đông nào. Tuy nhiên, có hai gương mặt mới nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư là ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch CTD) và ông Đỗ Lê Hùng (Giám đốc kiểm toán Big C).
Kế hoạch dẫn đầu ở tất cả các ngành hàng sữa
Theo định hướng 5 năm cho giai đoạn 2017-2021, VNM đặt mục tiêu giành thế dẫn đầu áp đảo ở tất cả các ngành hàng sữa, tạo ra những năng lực để thắng lợi ở mảng ngành hàng lạnh. Đồng thời trở thành công ty sữa tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất tại Đông Nam Á; đầu tư vào các thị trường đang phát triển và mới nổi tại Đông Nam Á để xây dựng các công ty con thành công thông qua việc M&A và hợp tác. Tìm kiếm cơ hội tại Mỹ và khu vực Úc - New Zealand để tăng cường năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu sữa.
VNM cũng đặt mục tiêu có tổng doanh thu là 80,000 tỷ đồng; trong đó, doanh thu nội địa 61,000 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19,000 tỷ đồng (chiếm 25%). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đối với doanh thu trong nước 10%/năm, bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường.
Tổng mức đầu tư dự kiến vào tài sản cố định, bao gồm đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và đầu tư vào các trang trại Vinamilk là 17,000 tỷ đồng. Công suất sản xuất bình quân của Vinamilk sẽ tăng lên 2.8 triệu tấn/năm vào năm 2021, tăng 70% so với công suất bình quân năm 2016. Tính đến năm 2021, tổng số lượng đàn bò tại các trang trại của Vinamilk dự kiến đạt 44,400 con. Lượng sữa thu mua từ các trang trại Vinamilk đạt 157,000 tấn và lượng sữa thu được từ các hộ nông dân đạt 251,000 tấn.
Riêng trong năm 2017, VNM dự kiến đặt kế hoạch doanh thu 51,000 tỷ đồng và lãi sau thuế 9,735 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 4% so với năm trước. Tỷ lệ cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lãi sau thuế.
Kế hoạch kinh doanh năm 2017 của VNM
|
Trong năm 2016, VNM đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 40%, Công ty sẽ trình cổ đông tỷ lệ cổ tức còn lại của năm 2016 là 20%. Như vậy tổng mức cổ tức của năm 2016 là 60%./.
|