ĐHĐCĐ Vinaconex: Tái cấu trúc mô hình đơn vị thành viên, Chủ tịch SCIC trúng cử vào HĐQT
Sáng ngày 20/04, Tổng CTCP XNK & Xây dựng Việt Nam
(HNX: VCG) – Vinaconex đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017, thông qua định
hướng kế hoạch 2017-2022 và bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới.
Trong đó, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC đã trúng cử làm Chủ tịch
HĐQT của VCG.
ĐHĐCĐ VCG sáng ngày 20/04
|
Cấu trúc lại mô hình đơn vị thành viên, lãi sau thuế 2017 dự kiến đạt 443 tỷ đồng
Kế hoạch 2017, VCG đặt mục tiêu doanh thu Công ty mẹ 4,116 tỷ và lãi sau thuế 443 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 21%, tỷ lệ cổ tức dự kiến 10-15%/năm.
Trong quý 1/2017, VCG đạt lợi nhuận 80 tỷ đồng, tương đương 18% chỉ tiêu cả năm.
Giai đoạn 2017-2021, VCG đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 10-15%/năm, tỷ lệ cổ tức dự kiến 10-12%/năm.
Chia sẻ về việc không trình kế hoạch kinh doanh hợp nhất, Tổng Giám đốc của VCG, ông Vũ Trọng Quỳnh cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục quá trình tái cấu trúc lại tổng công ty trong đó có việc thoái vốn tại các đơn vị thành viên, vì thế kết quả hợp nhất có thể sẽ bị ảnh hưởng và không chính xác. Do đó, công ty không trình kế hoạch kết quả kinh doanh hợp nhất.
Về các dự án của VCG, hiện nay Công ty đang sở hữu các dự án như dự án 97-99 Láng Hạ, dự án Tòa chung cư 2B Vinata Tower và hai dự án vừa có được trong năm 2016 thông qua phương thức mua lại gồm dự án 93 Láng Hạ và dự án 25 Nguyễn Huy Tưởng.
Dự án có quy mô lớn của Vinaconex là dự án KĐT Bắc An Khánh giai đoạn 2 nhưng hiện đang khó khăn về tài chính. Dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500. Hai phương án được Vinaconex xem xét với dự án này đó là thương thảo phân chia dự án 50/50 với đối tác POSCO hoặc mua lại toàn bộ phần vốn của đối tác để tiếp tục triển khai.
Năm 2017, VCG dự kiến thành lập công ty xây dựng (VCG sở hữu 100% vốn) với quy mô vốn điều lệ dự kiến từ 300 tỷ đồng và tăng dần lên đến 1,000 tỷ đồng theo lộ trình. Dự kiến, doanh thu đến năm 2021 sẽ đạt 8,000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 165 tỷ đồng với tỷ lệ lợi nhuận/vốn trên 21%.
Đồng thời, VCG sẽ tiếp tục triển khai thành lập công ty đầu tư (VCG cũng sở hữu 100% vốn) tập trung chính vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực mà hiện VCG có hiệu quả cao như năng lượng (thủy điện), đầu tư phát triển hạ tầng, giáo dục... Quy mô vốn điều lệ của công ty dự kiến từ 300 tỷ đồng và tăng dần lên 2,000 tỷ đồng theo lộ trình. Sản lượng đầu tư đến năm 2021 dự kiến đạt 11,870 tỷ đồng, doanh thu đạt 10,000 tỷ đồng với lợi nhuận 500 tỷ đồng.
Giai đoạn 2017-2021, VCG sẽ phân loại các công ty đầu tư thành 3 nhóm để thực hiện tái cấu trúc gồm nhóm các đơn vị đầu tư linh hoạt (sẽ xác định tỷ lệ góp vốn phù hợp, thoái vốn một phần), nhóm thoái vốn toàn bộ (không có chủ trương giữ lại, sẽ hướng đến việc thoái toàn bộ vốn) và nhóm các đơn vị yếu kém (sẽ cho ngừng hoạt động, giải thể và phá sản).
Mô hình doanh nghiệp đầu tư của VCG giai đoạn 2017-2021
|
Đã thoái vốn khỏi 28 đơn vị, “ngậm đắng” vì Xi măng Cẩm Phả, Liên doanh An Khánh
Cổ đông VCG cũng đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2016, với tổng doanh thu 3,435 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015 và vượt 14% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 366 tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% và vượt gần 7% chỉ tiêu đề ra, chi cổ tức 8%.
Trong giai đoạn 2012-2016, VCG đã thoái vốn tại 28 đơn vị, giảm lượng vốn đầu tư từ 5,129 tỷ đồng xuống còn 3,729 tỷ đồng. Đồng thời, VCG cũng chi 862 tỷ đồng, tăng sở hữu tại 12 đơn vị, chủ yếu là các công ty dự án và các công ty chủ chốt của Công ty.
Trong giai đoạn 2012-2016, VCG đã được nhận 674 tỷ đồng cổ tức, tương đương tỷ lệ 3.5%/năm từ các công ty con và liên kết đầu tư. Mặt khác, VCG cũng đáng phải trích lập dự phòng gần 995 tỷ đồng, tương đương gần 28% giá trị đầu tư. Trong đó 2 khoản trích lập lớn nhất là cho khoản đầu tư vào CTCP Xi măng Cẩm Phả, Công ty TNHH Liên doanh An Khánh với giá trị lần lượt 424 tỷ và 340 tỷ đồng.
Đáng chú ý là có một số đơn vị mất toàn bộ vốn hoặc vốn chủ sở hữu âm như Vinaconex 4, Quyết Thắng, VIPACO, Xuân Mai Đà Nẵng… với tổng giá trị đầu tư 395 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tình hình công nợ cũng là vấn đề nhức nhối đối với VCG.Tính đến cuối năm 2016, VCG đang có 4,016 tỷ đồng khoản phải thu của khách hàng, trong đó, Liên doanh An Khánh ghi nhận giá trị phải thu lên tới gần 774 tỷ đồng, theo sau là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam với gần 384 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết sẽ tích cực triển khai các biện pháp thu hồi nợ để đảm bảo không làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp.
SCIC chưa xác định thời gian thoái vốn, Chủ tịch SCIC lên làm Chủ tịch HĐQT VCG
Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về định hướng của SCIC tại VCG, đại diện SCIC cho biết, lĩnh vực đầu tư xây lắp bất động sản mà VCG đang hoạt động, không thuộc diện Nhà nước nắm giữ vốn lâu dài, vì thế Chính phủ đã giao SCIC xây dựng phương án và lộ trình thoái vốn. Việc thoái vốn tại VCG chắc chắn sẽ thực hiện, tuy nhiên thời điểm cụ thể chưa biết được, vì đang báo cáo Chính phủ.
Tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua việc bầu cử thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới. Trong đó, HĐQT gồm 7 thành viên, trong đó có 5 cá nhân do SCIC đề cử và 2 cá nhân do Vietel đề cử. Sau khi kết thúc cuộc họp HĐQT đầu tiên ngay sau đại hội, ông Nguyễn Đức Chi- Chủ tịch SCIC đã trở thành Chủ tịch HĐQT của VCG.
Danh sách HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022
|
Danh sách BKS nhiệm kỳ 2017-2022
|
|