ĐHĐCĐ VCS: Trở lại tên cũ, quý 1/2017 lãi trước thuế 222 tỷ đồng
Sáng ngày 13/04, CTCP Đá Thạch Anh Cao cấp (HNX: VCS)
đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017, nhằm thông qua các chỉ tiêu kinh
doanh, việc đổi tên Công ty và nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Phenikaa
Huế từ Công ty mẹ và chia cổ tức.
ĐHĐCĐ VCS sáng ngày 13/04
|
Có thể trả cổ tức tỷ lệ 33%
Tại đại hội, cổ đông thông qua việc lùi thời gian phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), đồng thời thông qua phương án phát hành cổ phiếu chia cổ tức với tỷ lệ phát hành từ 20-50%. Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Hồ Xuân Năng, dự kiến tỷ lệ phát hành khoảng 33%, vốn điều lệ khi đó sẽ đạt 800 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo cho biết, trong những năm tới, VCS sẽ cần nguồn vốn để đầu tư vì vậy, Công ty cần chủ động về dòng tiền do thị trường có tính bất động. Mặt khác, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp tăng lượng cổ phiếu lưu hành, tăng tính thanh khoản trên thị trường.
Đối với ý tưởng của cổ đông về việc mua cổ phiếu quỹ, ông Năng cho biết sẽ còn tùy thuộc vào thị trường và tình hình của doanh nghiệp để xem xét về mặt lợi ích. Việc chia cổ phiếu thưởng và cổ tức sẽ có lợi hơn với các cổ đông.
Với câu hỏi về việc niêm yết cổ phiếu VCS trên thị trường nước ngoài, Chủ tịch cho biết, VCS có đủ tiềm năng và lực lượng, hoàn toàn có thể tiếp cận việc niêm yết thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề thời điểm khi nào, phải được cân nhắc thận trọng vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đơn cử như VNM đã từng muốn niêm yết trên thị trường Singapore nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.
Một vấn đề nữa được ông Năng chia sẻ là có khả năng Phenikaa sẽ không nâng sở hữu để bảo đảm tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán.
VCS nhận chuyển nhượng Phenikaa Huế, trở lại tên cũ
Tại ĐHĐCĐ, các cổ đông cũng đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenikaa Huế từ Công ty mẹ - CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A với giá trị chuyển nhượng bằng vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Sau khi nhận chuyển nhượng Phenikaa Huế, VCS sẽ trở thành đầu mối cung cấp Cristobalite – một trong những nguyên vật liệu thiết yếu để sản xuất Đá thạch anh tấm lớn.
Về nguyên nhận chuyển nhượng, ông Năng cho biết, ban đầu đáng lẽ VCS trực tiếp làm đầu mối nguyên liệu cho tập đoàn, hướng đến việc nội địa hóa nguyên liệu đầu vào nhưng có vấn đề trong quá trình tiến hành nên để đề phòng rủi ro, Phinekaa đã đứng ra làm thay. Hiện tại, việc đầu tư đã công khai thì Phenikaa sẽ chuyển nhượng nguyên trạng vốn góp Phenikaa Huế cho VCS và để VCS là đầu mối nguyên vật liệu cho toàn tập đoàn. Việc chuyển nhượng không có lợi nhuận nào cho Phenikaa.
Tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua việc đổi tên công ty thành CTCP VISCOTONE. Giải thích về lý do đổi lại tên cho VCS, ông Năng cho biết, năm ngoái đổi tên là để chuyển thương hiệu cho công ty mẹ. Hiện nay việc chuyển nhượng đã xong thì nên trả lại tên cũ cho VCS để đồng bộ thương hiệu cả tập đoàn và sản phẩm Quazt surface. VCS sẽ được sử dụng miễn phí trọn đời và đã có thỏa thuận giữa công ty mẹ và VCS.
Dự kiến doanh thu nội địa 2017 đạt 10 triệu USD
Kế hoạch 2017, VCS đặt mục tiêu doanh thu đạt 4,310 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 1,001 tỷ đồng, tăng trưởng 22%. Trong quý 1, VCS đạt lãi trước thuế khoảng 222 tỷ, (tăng trưởng 22%); lãi ròng hợp nhất 173 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Liên quan đến việc phát triển thị trường châu Á, Trung Quốc và thị trường nội địa, ông Năng cho biết, Công ty không loại trừ bất kỳ thị trường nào nhưng cần tiến hành ở nơi có lợi nhất trước mắt. Hiện tại thị trường Trung Quốc và châu Á có rất nhiều cản trở. Chắc chắn là sẽ mở rộng tại các thị trường này nhưng phải nhìn và theo dõi thời điểm thích hợp.
Với chiến lược phát triển thị trường nội địa, từ năm 2017 Công ty đã bắt đầu triển khai và kế hoạch đặt ra doanh thu 10 triệu USD là hoàn toàn khả thi. Thị trường Việt Nam là rất tiềm năng, tuy nhiên cạnh tranh tại thị trường Việt Nam lại rất khó về giá cả. Mặt khác, thị trường Việt Nam còn gặp vấn đề thu tiền và nợ khó đòi đối với các khách hàng. VCS từng mất hàng chục tỷ đồng về việc không thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam.
Về triển vọng tăng trưởng 5 năm tới, ông Năng cho biết, Công ty dự kiến sẽ tăng trưởng 20%/năm cho đến năm 2020 với tiềm năng sản phẩm đá Quazt của Công ty.
Đối với hợp đồng độc quyền công nghệ sẽ hết hạn vào năm 2018, công ty sẽ cân nhắc việc ký kết. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Năng, bài học của Vinaconex rất nặng, suýt phá sản do đầu tư công nghệ này. Hiện trên thế giới chỉ có hơn 20 công ty đầu tư và ngay cả với các công ty khác đã làm thì cũng không hiệu quả và nhà máy phải đóng cửa. Do đó, việc cân nhắc để đầu tư tiếp phải sẽ tùy vào phát triển của thị trường.
Đối với vật liệu mới thay thế, ban lãnh đạo cho biết đã hoàn thiện nghiên cứu nhưng chưa đưa vào ứng dụng do giá thành cao. Vật liệu đang sử dụng vẫn đáp ứng đủ yêu cầu thị trường, nên việc đưa vật liệu mới thay thế vào sử dụng cần cân nhắc theo tình hình thị trường và mục tiêu phát triển bền vững của Công ty.
Điểm lại kết quả kinh doanh năm 2016, VCS đạt doanh thu 3,242 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2015 và xấp xỉ kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 814 tỷ đồng, tăng trưởng 70% và vượt 37% chỉ tiêu năm.
Trước ý kiến khoản phải thu của Công ty tương đối tập trung vào một số khách hàng lớn (60-70% khoản phải thu) thì liệu có quản lý được rủi ro. Ban lãnh đạo cho biết, các khách hàng nước ngoài được cho phép thanh toán trả sau, VCS đã kiểm soát tín dụng của các khách hàng lớn. Công ty của VCS tại Mỹ đã thuê một doanh nghiệp tài chính Mỹ để tư vấn tài chính với khách hàng Mỹ. Khi phát hiện tín hiệu bất thường sẽ lập tức dừng lại. Công ty chưa mắc một trường hợp nào không thu được tiền. Nếu nói về uy tín, không thể dám chắc 100% nhưng Công ty có kế hoạch kiểm soát rủi ro rất chặt chẽ. Tất cả các khoản phải thu đều trong hạn. Các khách hàng khác ở Úc chỉ chậm từ 2 đến 3 tuần
Liên quan đên vấn đề thuế suất đối với mặt hàng xuất khẩu của VCS có thể không còn giữ ở mức 0% nữa do các chính sách bảo hộ đến từ phía Chính quyền Mỹ mới, ông Năng cho biết trong trường hợp áp thuế bảo hộ quá cao, Công ty sẽ xem xét cân đối phương án kế hoạch đầu tư xây nhà máy tại Mỹ./.
|