[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ TS4: Đằng sau việc xin hủy niêm yết... là về tay người Thái
Xin tăng room ngoại lên 100%, có khả năng phát hành cho đối tác Thái Lan, Chủ tịch muốn tăng sở hữu lên gần 45% và xin hủy niêm yết... là những vấn đề "nóng" tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Thủy sản số 4 (HOSE: TS4) diễn ra sáng nay (17/04) tại TPHCM.
Sau khi phát hành, đối tác ngoại sẽ chiếm gần 70% vốn
Chủ tịch kiêm TGĐ Nguyễn Văn Lực chia sẻ, giá cá tra đang lên rất cao, hiện đạt mức 2.7 USD/kg trong khi cuối năm 2016 là 2.1 USD/kg. Kéo theo đó là nguyên liệu tăng cao, đã lên 26,000 đồng/kg. Vì thế nếu doanh nghiệp nào không có vùng nuôi thì sẽ rất khó khăn về giá cả và chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, nếu sản phẩm không đạt chất lượng xuất khẩu mà bán trong nước thì giá bán nội địa không bằng 50% giá xuất khẩu.
Hiện vùng nuôi của TS4 là 63 ha, trong năm 2016 đáp ứng hơn 80% sản lượng sản xuất, bắt được 64 ao. Năm 2017 công ty phấn đấu đạt trên 80% nhu cầu chế biến của nhà máy.
Ông Lực cũng chia sẻ thêm, quý 1/2017, TS4 đạt 245 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so cùng kỳ năm 2016.
Về phương án phát hành cho đối tác, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ quyết định cụ thể vấn đề này. Theo tinh thần làm việc của HĐQT thì sau ĐHĐCĐ lần này, TS4 có thể sẽ thay đổi hoàn toàn từ việc phát hành cũng như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài. Dự kiến sau khi phát hành, đối tác ngoại sẽ chiếm gần 70% vốn của công ty. Cho nên việc huy động vốn trên sàn chứng khoán sau đợt này rất khó, vì thế đối tác muốn TS4 rút khỏi sàn chứng khoán. Và việc này nhà đầu tư lớn sẽ phải chào mua công khai để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ.
Mặc dù có nhiều vấn đề "nóng" nhưng ĐHĐCĐ TS4 vẫn có khá ít cổ đông tham dự.
|
Sau kiểm toán 2016 chuyển từ lãi sang lỗ do cách hạch toán
Theo báo cáo kiểm toán năm 2016, TS4 thực hiện được 791 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 6 tỷ so trước kiểm toán và đạt 99% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế từ lãi 7.8 tỷ sang âm 6.6 tỷ đồng, tuy nhiên công ty vẫn chi trả cổ tức với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt.
Theo lý giải của ban lãnh đạo Công ty, ĐHĐCĐ năm 2016 thống nhất dự kiến chia cổ tức là 5% bằng tiền mặt và/ hoặc cổ phiếu. Ngày 08/02/2017, HĐQT đã họp và quyết định chia 5% bằng tiền mặt với ngày chốt danh sách là 20/03 và ngày chi trả là 29/09. Nhưng do cách hạch toán mới của đơn vị kiểm toán yêu cầu đưa thêm chi phí cá dưới ao vào năm 2016, do đó lợi nhuận của Công ty bị âm. Vì vậy, HĐQT sẽ cố gắng sắp xếp nguồn tài chính để chi trả, trong trường hợp không thể được sẽ có văn bản xin gia hạn.
Mặc dù năm qua tình hình nguyên liệu cá tra có nhiều biến động và khan hiếm vào những tháng cuối năm, nhưng do TS4 có vùng nuôi nên đã cũng cấp nguyên liệu tương đối ổn định cho nhà máy sản xuất. Vì thế sản lượng và giá trị xuất khẩu đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, giá xuất khẩu cá tra fillet (là mặt hàng chủ lực của Công ty) giảm sâu chỉ còn 2.1 USD/kg cho thị trường châu Âu đã làm ảnh hưởng đến tất cả các thị trường khác giảm theo.
Mặt khác, Công ty thiếu vốn để sản xuất kinh doanh do đó phải vay ngân hàng nhiều nên chi phí lãi vay lớn (58 tỷ đồng), đẩy giá thành sản phẩm tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra, năm qua Công ty phải đầu tư hơn 17 tỷ đồng nâng cấp nhà xưởng chế biến, mua máy móc thiết bị mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng trong nước cũng như các nước nhập khẩu. Đồng thời, do chưa thu xếp được nguồn vốn nên một số kế hoạch đưa ra đầu năm như mở rộng thêm ngành chăn nuôi, giết mổ gia súc... vẫn chưa thực hiện được.
Theo ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch kiêm TGĐ TS4, năm qua nhận thấy thị trường EU có dấu hiệu sụt giảm, các thị trường lớn khác như Nhật, Australia gia tăng tần suất cảnh báo và kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, ban lãnh đạo Công ty đã đẩy mạnh mặt hàng cá rô phi ở thị trường Mỹ, tìm kiếm khách hàng cá tra ở thị trường Trung Quốc, Philipines, Singapore... Đây là một bước đi đúng hướng vì năm 2016 Trung Quốc đã vượt EU trở thành thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ 2 Việt Nam. Tuy giá xuất không cao nhưng các nước này có ưu điểm là thời gian vận chuyển ngắn, phương thức thanh toán linh hoạt, vòng quay vốn nhanh...
Kế hoạch lãi trước thuế 10 tỷ, không chia cổ tức
Năm 2017, TS4 đặt kế hoạch sản lượng sản xuất cơ bản mục tiêu 16,950 tấn, sản lượng xuất khẩu 16,870 tấn và giá trị xuất khẩu 33.6 triệu USD, đều tăng 3% so năm 2016. Tổng doanh thu 823 tỷ đồng, tăng 3% so năm 2016. Lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng và không chia cổ tức để tập trung nguồn tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua việc chấp thuận cho Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lực và Phó Tổng Giám đốc Võ Thị Thanh Trang tiếp tục làm đại diện phần vốn của TS4 tại CTCP Toàn Thắng (tổng giá trị đầu tư vào CTCP Toàn Thắng là hơn 34 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016). Tuy nhiên, vấn đề này luôn được đơn vị kiểm toán hàng năm đưa ra ý kiến nhấn mạnh do tại ĐHĐCĐ năm 2007 của TS4 đã thông qua kế hoạch đầu tư nhà máy tại KCN Long Hậu (Long An) thông qua CTCP Toàn Thắng với giá trị đầu tư là 26 tỷ đồng. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của CTCP Toàn Thắng thì danh sách cổ đông không có TS4 mà chỉ thể hiện tên cá nhân Thành viên HĐQT và thành viên Ban tổng giám đốc. Theo đó, việc đầu tư này với danh nghĩa các thành viên này có phù hợp và hợp pháp hay không phụ thuộc vào ý kiến của ĐHĐCĐ.
Thứ hai, cổ đông chấp thuận cho Chủ tịch kiêm TGĐ được mua thêm 1,506,056 cp TS4 từ ông Thái Cường theo phương thức giao dịch thỏa thuận nhiều đợt mà không phải chào mua công khai cho đến khi hết số lượng đăng ký trong năm 2017. Dự kiến sau giao dịch, ông Lực cùng người có liên quan sẽ tăng nắm giữ từ 5.65 triệu cp (35.24%) lên 7.16 triệu cp (44.63%) TS4.
Thứ ba, thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 100%. Chủ trương phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ. Đại hội ủy quyền cho HĐQT lên phương án phát hành sao cho có lợi nhất cho công ty. Đến thời điểm này, Công ty đang thảo luận với nhà đầu tư Thái Lan là khách hàng lâu năm của công ty và sẽ làm việc tiếp để chọn ra nhà đầu tư với những điều khoản hợp tác có lợi nhất.
Đáng chú ý, việc xin hủy niêm yết tự nguyên trên HOSE cũng được thông qua do hiện nay cổ phiếu TS4 chủ yếu do các cổ đông lớn nắm giữ (gần 80%) và dự kiến sau khi phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược thì tỷ lệ này sẽ khoảng hơn 90%, số lượng cổ phiếu cổ đông nhỏ nắm giữ bên ngoài rất ít, tính thanh khoản thấp.
Đại hội ủy quyền cho HĐQT chủ động xây dựng phương án, hồ sơ thủ tục pháp lý cần thiết và xem xét quyết định thời điểm hủy niêm yết cổ phiếu phù hợp, thuận lợi với tình hình thực tế thị trường chứng khoán và điều kiện khả năng của công ty để chuyển sàn sang UPCoM.
Tại đại hội lần này, cổ đông đã bầu cử HĐQT nhiệm kỳ mới 2017-2020 gồm: Ông Nguyễn Văn Lực (Chủ tịch), ông Lê Vĩnh Hòa (Phó Chủ tịch), bà Đỗ Thanh Nga, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, bà Võ Thị Thanh Trang. Ban kiểm soát gồm bà Nguyễn Thị Thanh Mai (Trưởng ban), bà Lê Thị Ngọc Hường và bà Phạm Thị Thu Hiền./.
|