Thứ Sáu, 07/04/2017 13:34

ĐHĐCĐ TCM: Mục tiêu thị trường Mỹ chiếm 15% doanh thu may mặc

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) sáng ngày 07/04, Công ty đặt mục tiêu cho 3 năm tiếp theo với tỷ lệ doanh thu từ thị trường Mỹ đâu đó khoảng 15%, hoặc ít nhất cũng phải được 10% doanh thu trong mảng may mặc.

ĐHĐCĐ năm 2017 của TCM diễn ra sáng ngày 07/04/2017.

Nhà máy Vĩnh Long – Thành Công năm 2017 sẽ kinh doanh tốt hơn

Đặt kỳ vọng vào sự giảm lỗ từ nhà máy Vĩnh Long, cũng như sự cải thiện trong kinh doanh tại mảng sợi, TCM đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu đạt 3,315 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, tăng đến 54% so với thực hiện năm 2016. Về cơ cấu doanh thu năm 2017, Công ty cho biết doanh thu từ mảng vải dự kiến sẽ chiếm 1/10 tổng doanh thu kế hoạch, lợi nhuận sau thuế theo đó đạt khoảng 1 triệu USD, tương đương 12% cơ cấu lãi ròng của Công ty.

Với những chỉ tiêu kinh doanh đề ra như trên, Công ty kế hoạch vẫn duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2017 ở mức 10%. Hình thức chi trả theo TCM sẽ bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu tùy theo tình hình thực hiện kinh doanh năm 2017. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh kỳ vọng tăng trưởng, để đáp ứng kỳ vọng từ cổ đông, phía lãnh đạo Công ty cho biết sẽ điều chỉnh tỷ lệ chi trả dao động từ 10% - 15% tùy thuộc vào kết quả thu về thực tế trong năm 2017.

Một vấn đề khác được nêu ra tại đại hội liên quan đến kế hoạch may mặc giai đoạn 2017 - 2020, Công ty cho biết có thể nói đây là xương sống trong cơ cấu kinh doanh của TCM. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại của Công ty là yếu tố đơn hàng, làm sao để có được đơn hàng tốt trên thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ là câu hỏi nan giải mà chính TCM cũng đã tư hỏi từ nhiều năm nay.

Theo đó, Công ty đặt mục tiêu cho 3 năm tiếp theo với tỷ lệ doanh thu từ thị trường Mỹ đâu đó khoảng 15%, hoặc ít nhất cũng phải được 10%. Về chiến lược cụ thể, Công ty cho biết sẽ tận dụng thế mạnh từ những khách hàng lớn hiện tại để mở rộng thị trường xuất khẩu trong tương lai, trong đó có Iceland đang là khách hàng lớn về mảng may mặc của TCM, đóng góp khoảng 30% - 40% doanh thu hiện tại của Công ty. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là một khách hàng tiềm năng Công ty đang hướng đến, được biết nhiều năm trở lại đây Nhật Bản cũng đã có ngỏ ý giao thương với TCM, tuy nhiên nội lực hiện tại của Công ty vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ vị khách hàng khó tính này.

Chia sẻ thêm tại đại hội, TCM cho biết lợi nhuận quý 1/2017 tăng đột biến chủ yếu do trong kỳ Nhà máy Thành Công – Vĩnh Long đã giảm lỗ từ 600,000 USD (quý 1/2016) xuống còn khoảng 300,000 USD (quý 1/2017). Trong đó, riêng mảng sợi tuy chưa tạo ra lợi nhuận nhiều, nhưng so với cùng kỳ đã có những cải thiện đáng kể. Đặc biệt, doanh thu mảng áo cùng với đó cũng đạt con số kỷ lục 10,000 USD, đây được xem là mức cao nhất từ trước đến nay của Công ty. Với những lý do trên khiến kết quả kinh doanh quý 1/2017 đạt được những con số tương đối ấn tượng, lãi ròng tăng từ mức 22 tỷ đồng (quý 1/2016) lên 49 tỷ đồng, thực hiện đến 28% kế hoạch cả năm.

Cùng với đó, cổ đông Công ty cũng thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ mức hiện tại là 49% lên 100%.

Nhận được nhiều quan tâm từ Novaland, Đất Xanh,… về quỹ đất của Công ty

Về kết quả kinh doanh năm 2016, Công ty đạt 3,070 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với năm 2015 nhưng chỉ mới thực hiện 94% kế hoạch. Trong đó, mảng sợi đã giảm tỷ trọng về mức 24%, song song với sự tăng trưởng đáng kể trong đóng góp từ mảng may vào cơ cấu doanh thu. Lợi nhuận sau thuế cũng chỉ tương đương 72% kế hoạch, đạt 115 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình từ phía Công ty, sở dĩ cả hai chỉ tiêu doanh thu và lãi ròng đều không đạt kế hoạch đề ra là do Nhà máy Thành Công – Vĩnh Long còn trong giai đoạn đầu của đầu tư (kể từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2016, mới đưa vào hoạt động hơn 16 tháng), nên vẫn chưa bù đắp được các chi phí sản xuất đặc biệt là chi phí khấu hao thời gian đầu ở mức khá cao. Theo chia sẻ riêng từ ông Trần Thanh Tùng - Thành viên HĐQT, Nhà máy Vĩnh Long trên thực tế đã hòa vốn trước đó, nhưng do phải trả chi phí duy trì cho khoảng đất trống xung quanh khu vực nhà máy nên vẫn phải báo lỗ, theo đó ước tính năm 2016 con số lỗ tại nhà máy đâu đó 2.8 triệu USD, tương đương 60 tỷ đồng.  Một lý do khác nữa, thị trường ngành dệt may chung của Việt Nam 2016 gặp phải sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực được hưởng ưu đãi thuế suất, khiến đơn hàng xuất khẩu tại doanh nghiệp trong nước giảm sút.

Giao dịch cp TCM từ ngày 04/01/2016 - 07/04/2017
Về giao dịch trên thị trường, năm 2016 cp TCM liên tiếp lao dốc với tỷ lệ bay hơi hơn 50% thị giá, từ 29,000 đồng/cp (04/01/2016) xuống 14,200 đồng/cp (24/01/2017). Cho đến thời điểm cuối tháng 1/2017, giá cp TCM mới bắt đầu khả quan và bắt đầu nhịp tăng trở lại. Tính đến nay, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, con số này đã tăng lại hơn 68%, tăng lên mức 23,850 đồng/cp (07/04/2017).

Với kết quả kinh doanh năm 2016 không mấy “hài lòng”, TCM có thay đổi về kế hoạch chi trả cổ tức, từ 10% bằng tiền mặt theo dự kiến ban đầu, đến nay Công ty sẽ chi trả 5% bằng tiền mặt, 5% còn lại được chi trả bằng cổ phiếu. Theo đó, TCM dự kiến phát hành thêm gần 2.5 triệu cổ phần với tổng trị giá thanh toán tính theo mệnh giá tương đương 24.5 triệu đồng. Nguồn chi trả sẽ được trích từ quỹ đầu tư phát triển (số dư tại thời điểm 31/12/2016 đạt hơn 171 tỷ đồng), theo đó vốn điều lệ sau khi thanh toán cổ tức dự kiến tăng lên hơn 516 tỷ đồng, thời điểm tăng vốn dự kiến vào tháng 8/2017.

Như vậy, nguồn vốn thu được từ đợt phát hành trên, Công ty dự kiến sẽ dùng để bổ sung vốn đầu tư cho Nhà máy Thành Công – Vĩnh Long hoặc có thể đầu tư sang lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, phía lãnh đạo Công ty cũng cho biết, năm 2017 Công ty vẫn chưa có kế hoạch gì liên quan đến lĩnh vực bất động sản, mặc dù nhận được rất nhiều sự quan tâm từ nhiều “ông lớn” bất động sản như Novaland, Đất Xanh, … về quỹ đất của Công ty. Được biết thêm, năm 2016 Công ty đã quyết định đóng cửa nhà máy tại quận 4, TP.HCM sau nhiều năm duy trì để giữ giá trị khu đất tại vị trí này.

Tại Đại hội, cổ đông Công ty cũng đã thông qua quyết định miễn nhiệm ông Han Kukyung khỏi vị trí thành viên HĐQT theo đề xuất cá nhân, đồng thời bổ nhiệm ông Lee WooHae thay thế./.

Các tin tức khác

>   KSD: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (07/04/2017)

>   HVT: Thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (07/04/2017)

>   TMW: Báo cáo tài chính năm 2016 (07/04/2017)

>   DAE: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (07/04/2017)

>   SPV: Báo cáo tài chính năm 2016 (07/04/2017)

>   HHG: Báo cáo thường niên 2016 (07/04/2017)

>   VTI: Báo cáo thường niên 2016 (07/04/2017)

>   VLB: Báo cáo thường niên 2016 (07/04/2017)

>   NNC: Link công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 (07/04/2017)

>   PNJ: Link báo cáo thường niên năm 2016 (07/04/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật