Thứ Năm, 27/04/2017 09:14

ĐHĐCĐ SHB: Quý 1 lãi 307 tỷ đồng, kỳ vọng lớn vào công ty tài chính tiêu dùng

Sáng ngày 27/04, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017, thông qua các chỉ tiêu kinh doanh. Đồng thời, đại hội đã trao đổi xoay quanh Công ty SHBFC và một số vấn đề về cổ phiếu của Ngân hàng.

Vào lúc 9h00, ĐHĐCĐ của SHB chính thức bắt đầu với sự tham gia của 555 cổ đông và người được ủy quyền đại diện cho hơn 637 triệu cp, tương đương 62.3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Kế hoạch 2017 lãi trước thuế 1,750 tỷ là thận trọng

Năm 2017, SHB đặt mục tiêu huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân 217,382 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. Dư nợ cho vay ở mức 191,603 tỷ đồng, tăng trưởng 18% và giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2017 dự kiến ở mức 270,000 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Lãi trước thuế đặt chỉ tiêu đạt 1,750 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2016, tỷ lệ cổ tức dự kiến 9%.

Hết quý 1/2017, tổng tài sản của SHB đạt 192 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ghi nhận 307 tỷ đồng. Tính đến 22/04, tổng tài sản đạt trên 225 ngàn tỷ, huy động 195 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 470 tỷ.

Về ý kiến kế hoạch 2017 đặt ra có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn so với năm 2016, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT của SHB cho biết, các chỉ tiêu đặt ra của 2017 đã là khiêm tốn và thận trọng bởi khi SHBSF (công ty tài chính tiêu dùng được thành lập sau khi SHB hoàn tất nhận sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex - Viettel) đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn vào kết quả của SHB. Bên cạnh đó, SHB tiến tới tăng lợi nhuận từ nguồn thu dịch vụ, trong đó có việc hợp tác với các công ty bảo hiểm. Hiện đã có tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn của nước ngoài đang thương thảo hợp tác với SHB và sẵn sàng chi trả phí độc quyền là 500 tỷ đồng trong năm đầu tiên, và các năm tiếp theo.

Chia sẻ về lộ trình đưa Ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, ông Hiển cho biết, Ngân hàng đã lập đề án triển khai đồng bộ. Dự kiến hết 2018 sẽ hoàn thành đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và sau đó sẽ hướng tới tiêu chuẩn Basel III.

SHBFC sẽ đóng góp 100 tỷ vào lợi nhuận của SHB trong năm 2017

Tại Đại hội, cổ đông đã có nhiều câu hỏi xoay quanh SHBFC, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT của SHB cho biết, SHBVF có vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng, dự kiến chính thức hoạt động và ghi nhận lợi nhuận từ quý 3/2017. SHBFC sẽ đóng góp lợi nhuận trên 100 tỷ đồng vào kết quả của SHB. Từ năm sau, hứa hẹn kết quả sẽ tăng trưởng đột biến.

Ông Hiển cũng cho hay, Công ty tài chính tiêu dùng như SHBVF có thể làm được những việc mà Ngân hàng không làm được. Thế mạnh của SHB là có nhiều khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty lớn; khi kết hợp với thế mạnh về hoạt động bán lẻ của Công ty Tài chính Tiêu dùng SHBVF sẽ dễ dàng tăng trưởng bán lẻ trong bán buôn. 

Liên quan đến việc xây dựng trụ sở tại khu đất trên đường Lý Thường Kiệt, ông Hiển cho biết, khu đất này có diện tích 2,200 m2, được Ngân hàng thu mua từ các hộ dân, đây là khu đất đẹp, 3 mặt tiền. Hiện nay, Ngân hàng chưa xây dựng được trụ sở là do vướng quy định về hạn chế chiều cao (chỉ được xây 8 tầng), Ngân hàng đang tích cực xin giấy phép cho xây 14 đến 15 tầng. Hiện tại, khu đất cũng không được cho thuê do lo ngại ảnh hưởng nếu triển khai xây dựng.

Nóng chuyện cổ phiếu, cổ tức 

Tại đại hội, cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 7.5%, dự kiếntăng vốn điều lệ lên 12,036 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2/2017. Phần lớn số vốn tăng thêm được sử dụng để mở rộng quy mô cho vay (gần 760 tỷ đồng), nhắm tới khối khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về vấn đề cổ phiếu, nhiều cổ đông đã có những ý kiến về việc cổ phiếu của SHB dưới thị giá, và đề xuất có quỹ bình ổn giá hoặc có phương án khác hỗ trợ giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, cổ đông cũng đề xuất nên chia cổ tức một phần bằng tiền mặt.

Giải đáp cổ đông, ông Hiển cho biết, phương pháp nâng thị giá cổ phiếu tốt nhất là chính các cổ đông của SHB nhìn nhận đúng giá trị của Ngân hàng và đánh giá đúng giá trị cổ phiếu. Qua đó, mới từng bước cải thiện được thị giá cổ phiếu SHB.

Về ý kiến tìm đối tác nước ngoài để đầu tư vào SHB giúp cổ phiếu tăng giá, Ban lãnh đạo cho biết, Ngân hàng vẫn luôn tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để hợp tác với yêu cầu về vốn và tham gia vào quản trị điều hành lâu dài. Có một số nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý nhưng chỉ mang tính đầu tư ngắn hạn không theo đúng với nhu cầu của SHB nên chưa thực hiện hợp tác.

Về việc chia cổ tức bằng tiền mặt, Chủ tịch mong muốn cổ đông chia sẻ với lãnh đạo, để hướng tới tương lai phát triển của Ngân hàng. Khi mà SHB hoạt động tốt và dư dả thì sẽ có cổ tức tiền mặt.

Nợ xấu đã giải quyết đến đâu?

Điểm lại kết quả năm 2016, lãi trước thuế của SHB đạt 1,156 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Tổng tài sản tính đến 31/12/2016 của SHB đạt 234 ngàn tỷ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm.

Tổng vốn huy động đạt 214,462 tỷ đồng, tăng 16%. Dư nợ cho vay đạt 162,370 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1.87%.

Liên quan đến khoản chi phí trích lập dự phòng cho của các khoản tồn đọng khi sáp nhập với Habubank, Ban lãnh đạo cho biết, tại thời điểm sáp nhập Habubank, nợ xấu của Habubank là 8,600 tỷ đồng. Đến nay, SHB đã thu hồi 2,800 tỷ đồng, bán 3.500 tỷ đồng cho VAMC. Mặc dù vậy, do trong thời gian hoạt động Ngân hàng vẫn phát sinh nợ xấu nên cho đến hiện tại, nợ xấu của ngân hàng khoảng 2,300 tỷ đồng, SHB sẽ tiếp tục lập dự phòng và xử lý.

Về khoản dư nợ của Vinashin còn 1,600 tỷ, trong đó có một phần đã hoán đổi trái phiếu VAMC và hiện còn lại trong báo cáo tài chính 948 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ tiếp tục hoán đổi trái phiếu theo đề án của Chính phủ về xử lý nợ Vinashin, sẽ thực hiện trích lập trong 10 năm. 

Xuất hiện 2 gương mặt mới trong HĐQT 

Tại đại hội, cổ đông đã tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2017-2022. 

Trong số các thành viên được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022, ngoài 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ trước, có thêm 2 cá nhân mới là ông Phạm Công Đoàn (Chủ tịch HĐQT CTCP Cảng Quảng Ninh và Chủ tịch HĐQT của CTCP Vàng Tiến VHANI) và ông Thái Quốc Minh (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tư nhân VINA). Trong đó, ông Thái Quốc Minh là thành viên HĐQT độc lập.

Bên cạnh đó, thành viên BKS nhiệm kỳ mới cũng có sự thay đổi, khi xuất hiện 2 thành viên là bà Lê Thị Thanh Cầm và bà Phạm Thị Bích Hồng (được đề cử bởi nhóm cổ đông sở hữu 10.075% vốn). Cá nhân Bùi Thanh Tâm - thành viên BKS nhiệm kỳ cũ không có tên trong danh sách./.

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ Novaland: Kế hoạch lãi 3,144 tỷ, tăng vốn lên gần 9,000 tỷ đồng (27/04/2017)

>   DCM ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viettel (27/04/2017)

>   CYC: BCTC quý 1 năm 2017 (26/04/2017)

>   AMD: Lãi ròng quý 1 giảm hơn 40% so cùng kỳ (27/04/2017)

>   BCG: BCTC quý 1 năm 2017 (26/04/2017)

>   BFC: BCTC quý 1 năm 2017 (26/04/2017)

>   BFC: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2017 (26/04/2017)

>   TCR: BCTC quý 1 năm 2017 (26/04/2017)

>   Taicera: Quý 1 lỗ ròng hơn 30 tỷ đồng (27/04/2017)

>   POM: BCTC quý 1 năm 2017 (26/04/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật