Thứ Năm, 27/04/2017 11:26

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ PNJ: Bà Cao Thị Ngọc Dung sẽ làm TGĐ ít nhất 2 năm nữa để chuẩn bị người kế vị

Tại ĐHĐCĐ thường niên sáng ngày 27/04, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) cho biết sẽ đảm nhận vị trí TGĐ ít nhất 2 năm nữa để tìm người kế vị.

Bà Dung chia sẻ, PNJ rất thận trọng trong công tác đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực kế vị bài bản. Trước đây, PNJ đã có kế hoạch đào tạo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (nguyên là Thành viên HĐQT PNJ, không tái cử trong nhiệm kỳ mới này), sau 3 năm ông Quỳnh cho biết mình không phù hợp với ngành này.

Tiếp đó, cách đây 1 năm PNJ tiếp tục lên kế hoạch tìm TGĐ mới là Giám đốc kinh doanh của PNJ tại thời điểm đó - ông Lê Hữu Hạnh. Tuy nhiên kế hoạch này của bà Dung lại tiếp tục thay đổi do có sự cố. Đó là Giám đốc xí nghiệp - ông Lương Ngọc Phi bị bệnh suốt 1 năm, sức khỏe giảm sút và không thể đảm nhận được vị trí này. Do đó, PNJ đã điều chuyển ông Hạnh về làm Giám đốc xí nghiệp, vì với PNJ xí nghiệp đóng vai trò hoạt động cốt lõi của Công ty. Đồng thời PNJ cũng chuyển bộ phận kinh doanh về xí nghiệp và trở thành đối tác kinh doanh bán lẻ (là một SBU có hạch toán nội bộ), đây cũng là thay đổi đáng kể trong cơ cấu hoạt động của PNJ để đảm bảo việc vận hành của Công ty không bị ảnh hưởng.

Bà Dung cho biết sẽ tại vị TGĐ ít nhất 2 năm nữa để chuẩn bị người mới kế vị, để sự thay thế vị trí này sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Công ty.

Về nhân sự, vào gần cuối năm 2016, bà Phạm Vũ Thanh Giang (đại diện của Mekong Capital) đã xin từ nhiệm thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân, PNJ đã bầu thay thế bà Phạm Thị Mỹ Hạnh – Phó TGĐ PNJ vào ngày 23/11/2016 làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 5 năm. ĐHĐCĐ lần này cũng đã thông qua vấn đề này và việc bầu bà Hạnh có hiệu lực từ ngày 23/11/2016.

Đồng thời, ĐHĐCĐ cũng bầu 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2017-2022) gồm bà Cao Thị Ngọc Dung, bà Nguyễn Thị Cúc, bà Phạm Vũ Thanh Giang, ông Nguyễn Vũ Phan, ông Lê Trí Thông (từng là Phó TGĐ DongABank, Phó TGĐ chiến lược Prudential Vietnam). Cùng với 3 thành viên còn thời hạn bổ nhiệm là bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, ông Lê Hữu Hạnh và ông Lê Quang Phúc, hiện HĐQT của PNJ sẽ có 8 thành viên.

Sự cố tại DongABank không ảnh hưởng đến hoạt động cốt lõi của PNJ

Đại diện PNJ cho biết sự cố tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty.

Chia sẻ thêm về điều này, bà Dung cho biết “câu chuyện DongABank không kinh khủng, thất thoát không lớn như người ta nói”, cơ quan điều tra làm việc với PNJ vì đưa người thân của ông Trần Phương Bình (bà Dung là vợ ông Bình) vào một nhóm điều tra. Cơ quan điều tra đã làm việc với PNJ và có xác nhận không liên quan đến sự cố DongABank.

Tại thời điểm DongABank bị kiểm soát đặc biệt, PNJ đang có khoản vay dài hạn khoảng 40 tỷ đồng tại Ngân hàng, PNJ chưa tất toán khoản nợ này do chưa đến hạn và sẽ phải chịu lãi phạt. Bà Dung cũng khẳng định, việc vay vốn kinh doanh với DongABank đều có giấy tờ minh bạch rõ ràng, PNJ không vay DongABank nhiều, khoản vay khá nhỏ để xây dựng nhà máy. Không phải PNJ là cổ đông sáng lập DongABank mà phụ thuộc tài chính vào DongABank.

Cho đến hiện nay, PNJ đã trích lập toàn bộ khoản đầu tư vào DongABank. Bà Dung cho biết thêm, DongABank đã có giải pháp đầu ra, và chắc chắn không có chuyện mua DongABank 0 đồng. Việc thất thoát của DongABank không lớn bằng giá trị và thương hiệu của DongABank.

Không phát hành bằng mọi giá

Cách đây không lâu, ĐHĐCĐ PNJ đã thông qua (lấy ý kiến bằng văn bản) phương án phát hành 9.8 triệu cp để tăng vốn lên 1,081 tỷ đồng. Giá phát hành không thấp hơn 10-15% giá đóng cửa tại ngày được UBCKNN chấp thuận. Thời gian phát hành trong năm 2017. Vốn thu được từ đợt phát hành sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Tại đại hội, bà Dung cho biết PNJ sẽ không phát hành bằng mọi giá mà chỉ phát hành với mức cao hơn giá hiện hành trên thị trường. Bởi hiện PNJ không chịu áp lực nhiều về vốn. Trước đây, doanh nghiệp ngành vàng không được vay vốn để kinh doanh vàng, công ty phải tìm lý do để vay vốn. Tuy nhiên, chính sách đã được tháo gỡ khi NHNN đã có quy định mới cho vay kinh doanh vàng, áp lực gọi vốn PNJ không căng thẳng như 6 tháng trước nữa.

Bà Dung chia sẻ nếu giá phát hành không phù hợp thì sẽ hủy phương án phát hành này. Bà vẫn chưa thỏa mãn với thị giá hiện nay của PNJ và cho rằng chưa đúng với giá trị thực của PNJ.

Kế hoạch kinh doanh tham vọng, quý 1 lãi trước thuế 308 tỷ

ĐHĐCĐ PNJ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu thuần 10,202 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế dự kiến tăng khoảng 30%, lần lượt đạt 751 tỷ đồng và 601 tỷ đồng. Cổ tức duy trì ở mức 18%.

Trong quý 1/2017, PNJ đạt tổng doanh thu 3,135 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu trang sức vàng bán lẻ tăng 42% so cùng kỳ; đặc biệt doanh thu các cửa hàng hiện hữu tăng 25%; doanh thu trang sức bạc PNJSilver bán lẻ tăng 49%.  Lợi nhuận trước thuế của Công ty cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt 308 tỷ đồng. Như vậy, lãi trước thuế quý 1 của PNJ đã đạt 41% kế hoạch cả năm.

Bà Dung tự tin PNJ sẽ đạt được kế hoạch năm 2017.

Sau khi thoái các khoản đầu tư ngoài ngành và trích lập dự phòng đầy đủ các khoản đầu tư, đến đầu năm 2017 Công ty đã có thể giới thiệu “New PNJ”, bà Nguyễn Thị Cúc – Ủy viên HĐQT chia sẻ tại đại hội. Công ty cũng đặt kế hoạch cho giai đoạn 2017-2022 với doanh thu trang sức, lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 20%/năm.

Về kết quả kinh doanh trong năm 2016, doanh thu của Công ty tăng 11% so với năm trước đó, đạt 8,566 tỷ đồng, trong đó trang sức bán lẻ tăng 26%. Lợi nhuận trước thuế đạt 608 tỷ đồng, tăng trưởng 220%, nếu loại trừ dự phòng tài chính và thu nhập bất thường thì lợi nhuận trước thuế của PNJ đạt 650 tỷ đồng. Về cổ tức 2016, đã tạm ứng đợt 1 là 10%, đề nghị trả đợt 2 là 8%.

PNJ đã hoàn tất thoái vốn tại khoản đầu tư vào CTCP Địa ốc Đông Á. Hiện PNJ có hai công ty con là Công ty TNHH MTV Thời trang CAO và Công ty TNHH MTV Giám định PNJ. Trong đó, Thời trang CAO có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, doanh thu năm 2016 đạt 64.5 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.82 tỷ đồng, giảm 86% so với năm trước đó do việc di dời hệ thống cửa hàng trong năm 2016 khiến các điểm bán chính trên thị trường TPHCM tạm ngưng hoạt động trong một thời gian. Còn Giám định PNJ cũng có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, doanh thu năm 2016 đạt 17.8 tỷ đồng, tăng 25% so với 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.8 tỷ đồng, tăng trưởng 30%.

Trong năm 2016, PNJ sẽ thưởng HĐQT và Ban điều hành hơn 12 tỷ đồng (20% phần lợi nhuận vượt kế hoạch, loại trừ yếu tố bất thường từ đầu tư tài chính)./.

Các tin tức khác

>   HJS: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (27/04/2017)

>   CAN: Công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long CBTT Báo cáo giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước (27/04/2017)

>   LIG: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (27/04/2017)

>   DNC: Nghị quyết HĐQT (27/04/2017)

>   L62: CBTT Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017 - Bổ sung (27/04/2017)

>   BVS: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (27/04/2017)

>   DNY: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (27/04/2017)

>   HDO thoát lỗ quý 1 nhờ sang nhượng đất thuê (27/04/2017)

>   LDP: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (27/04/2017)

>   CTD: Thông báo trùng thầu dự án mới tổng giá trị trên 5,000 tỷ đồng (27/04/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật