ĐHĐCĐ Phân bón Bình Điền: Làm khác người - "độc và lạ"
Sáng 25/04, tại ĐHĐCĐ CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC), Tổng giám đốc Lê Quốc Phong cho biết, Bình Điền cạnh tranh bằng cách làm khác người, theo phương châm “độc và lạ”. Sản xuất phân bón hữu cơ sẽ là đường đi tương lai của Bình Điền, tức đi bằng hai chân.
ĐHĐCĐ thường niên của Phân bón Bình Điền tổ chức sáng 25/04 tại TPHCM.
|
Sản xuất phân bón hữu cơ là đường đi tương lai của Bình Điền
Nhận định về năm 2017, ban lãnh đạo BFC cho biết sẽ gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong và ngoài nước ngày càng khốc liệt. Trong khi phân bón kém chất lượng, hàng giả hàng nhái chưa được xử lý dứt điểm.
Từ những nhận định đó, công ty đặt mục tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt mức 675,000 tấn và 673,500 tấn, tăng từ 4-7%. Tổng doanh thu cũng tăng 13%, ở mức 6,850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất và công ty mẹ đều bằng với năm 2016 là 420 tỷ đồng và 282 tỷ đồng. Cổ tức 25%.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 của BFC
Trong khi đó, quý 1 sản lượng sản xuất của BFC đạt 141,256 tấn, tăng 27% so cùng kỳ và đạt 21% kế hoạch. Tổng doanh thu 1,188 tỷ đồng, cũng tăng 17% và đạt 17% kế hoạch. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt mức 5.87 triệu USD, tăng vọt 234% và bằng 16% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 80.5 tỷ đồng, tăng 58% và đạt 19% kế hoạch.
Tổng giám đốc Lê Quốc Phong lý giải với cổ đông: "Kế hoạch 2017 thận trọng nhưng cố gắng phấn đấu tăng, không phải ban điều hành kém, ví dụ nếu nông sản rớt giá thì ảnh hưởng kết quả. Tuy nhiên cổ đông yên tâm, năm ngoái cổ tức dự kiến 25% mà cuối cùng nâng lên 30% và cổ tức năm nay chắc cũng sẽ tăng nhưng cụ thể bao nhiêu chờ kết quả kinh doanh".
Còn chính sách áp thuế VAT đầu vào thì Chính phủ đã đề xuất, phải chờ Quốc hội thông qua. Nếu được thông qua sẽ có lợi cho Bình Điền khi giảm đầu vào về bao bì.
Về việc năm 2017 và 2018 sẽ có nhiều nhà máy mới của các đối thủ đi vào hoạt động, nhưng Bình Điền đã chuẩn bị cạnh tranh từ lâu. Vấn đề ở chỗ cách làm mới quan trọng chứ không phải chi bao nhiêu tiền đầu tư nhà máy và công suất bao nhiêu. Bình Điền cạnh tranh bằng cách làm khác người, theo phương châm “độc và lạ”. Bởi Bình Điền là công ty duy nhất có hội đồng khoa học, là nơi cho ra sản phẩm mới trên thị trường liên tục. Điều này được chứng minh trong những năm qua khi thị trường phân bón khó khăn nhưng Bình Điền vẫn hoạt động hiệu quả.
Ông cũng khẳng định, sản xuất phân bón hữu cơ sẽ là đường đi tương lai của Bình Điền, đi bằng hai chân. Bởi nếu chỉ tập trung vào vô cơ thì sẽ khó thành công nếu không có hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Nhà máy Ninh Bình mới hoạt động tháng 11/2016, đã bán vượt công suất của nhà máy, hơn 100,000 tấn, do đó phải đặt gia công thêm từ Long An và Quảng Trị. Trong năm nay sẽ triển khai giai đoạn 2 cho nhà máy này. Hiện vốn của Bình Điền ít nhưng doanh thu nhiều, vì thế đã trích cao hơn quỹ phát triển để đầu tư giai đoạn 2. Tổng cả hai giai đoạn của dự án này là 400 tỷ đồng.
Trả lời cổ đông về việc Nhà nước thoái vốn tại Bình Điền, ban lãnh đạo cho biết Nhà nước sẽ giảm nhưng tùy theo đề nghị của Tập đoàn, hi vọng giảm càng nhiêu càng tốt. Còn việc Bình Điền có 5 công ty con nhưng chưa có kế hoạch niêm yết, về lâu dài sẽ niêm yết khi vượt qua ngưỡng sở hữu cũng như cổ đông theo quy định.
Lãi 2016 vượt 14% kế hoạch, quyết định nâng cổ tức lên 30% tiền mặt
Năm 2016, sản lượng sản xuất của BFC ở mức 649,912 tấn, tăng 16% so năm 2015 và đạt 99% kế hoạch năm. Sản lượng tiêu thụ 630,682 tấn, tăng gần 4% và đạt 93% kế hoạch. BFC thu về 6,061 tỷ đồng tổng doanh thu, đạt 99% kế hoạch và giảm gần 9% so năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 420 tỷ đồng, tăng gần 20% so 2015 và vượt 14% kế hoạch. Công ty quyết định nâng cổ tức từ 25% lên 30% bằng tiền mặt, tương ứng hơn 171 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo BFC, 2016 là năm đầy khó khăn, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ là những thị trường trọng điểm của công ty.
Tại thị trường Campuchia, công ty đã phối hợp với cơ quan quản lý nông nghiệp tại 25 tình thành tổ chức chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm làm tăng giá trị sử dụng sản phẩm phân bón Đầu Trâu. Còn tại Myanmar, công ty đã thực hiện các hoạt động trình diễn, nghiên cứu thị trường, giới thiệu sản phẩm... nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công ty đầu tư trực tiếp vào nước này trong tương lai. BFG cũng xúc tiến thương mại, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và một số chương trình khác để chuẩn bị xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Thái Lan.
Trong năm qua, công ty tiếp tục thực hiện các dự án từ năm 2015 chuyển sang gồm cầu cảng công suất 3,000 tấn, trung tâm thí nghiệm và kho chứa nguyên liệu tại nhà máy phân bón Bình Điền - Long An. Hiện các công trình này đã được đưa vào sử dụng. Việc đưa cầu cảng giao nhận hàng vào sử dụng sẽ tiết giảm chi phí cho công ty trên 3 tỷ đồng/năm.
HĐQT BFC đã quyết định điều chỉnh tiến độ và tiếp tục thực hiện thoái vốn tại CTCP Khách sạn Sài Gòn Hà Nội.
Công ty đã quyết định hủy bỏ dự án đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất phân bón và giải thể xí nghiệp phân bón Bình Điền II tại KCN Thiện Tân, Đồng Nai do sau khi thẩm định, dự án này không mang lại hiệu quả kinh tế.
BFC cũng thành lập tổ thẩm định và lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu thuộc dự án Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất phân bón NPK công suất 100,000 tấn/năm tại Long An./.
|