[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ Masan: Mục tiêu doanh số 9-10 tỷ USD vào 2020
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) sáng 24/04, Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Quang chia sẻ, năm 2009, người tiêu dùng trả 0.2 USD/tháng cho các sản phẩm của Masan, nhưng đến năm 2016 đã lên 2 USD/tháng, tức gấp 10 lần. Còn đến 2020, Masan đặt mục tiêu người tiêu dùng trả 9-10 USD/tháng, tương ứng tập đoàn thu về 9-10 tỷ USD doanh số.
Masan sẽ tạo ra một phân khúc mới
Bước vào phần thảo luận, Ban lãnh đạo Masan chia sẻ, kế hoạch 2017 của Tập đoàn khá thận trọng, trong đó có sự đóng góp 60% từ Masan Consumer, 30% từ Masan Nutri-Science và 10% từ Masan Resources, trong đó đã bao gồm các rủi ro. Mặc dù từ đầu năm nay giá thịt heo giảm nhưng Masan cũng đã cân nhắc, và tự tin về 6 tháng cuối năm (ít nhất sẽ đạt được trên 50% thị phần cám heo). Bên cạnh đó, Masan Consumer cũng tăng 10% từ nước uống, gia vị và thị trường Thái Lan. Ngoài ra, một số sản phẩm mới sẽ mang lại doanh thu cho Masan trong năm nay.
Đối với Techcombank, việc phát hành 3,000 tỷ trái phiếu thời điểm trước đã đóng góp đáng kể vào hoạt động bền vững của ngân hàng. Thời gian tới ngân hàng sẽ thuộc nhóm ngân hàng đạt chuẩn không chỉ Việt Nam mà còn chuẩn quốc tế theo Basel II. Techcombank nhắm mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 5,000 tỷ đồng năm nay.
Masan đặt mục tiêu bia chiếm thị phần 15-20% vào năm 2020, hiện Tập đoàn đã có đối tác chiến lược là Tập đoàn Singha sở hữu thương hiệu bia nổi tiếng như Singha, Leo, B-ing, Purra, Sanvo. Masan không chỉ M&A để mua thị phần mà còn hợp tác với đối tác để xây dựng nền tảng công nghệ cũng như năng lực để phát triển bền vững.
Về thị trường mì gói, Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về sản lượng tiêu thụ trên đầu người, đây là việc tốt bởi thị trường lớn và cơ hội tăng trưởng cao. Tuy nhiên nếu 10 năm nữa người tiêu dùng không dùng thường xuyên mì gói thì chiến lược của Masan là tạo ra và mang đến những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngon, yên tâm và giá cả hợp lý, để tạo ra một phân khúc mới. Đây là thử thách lớn, nhưng là điều Masan sẽ làm. Trước mắt đã có những bước nhỏ nhưng quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng khi quý đầu năm 2017 Masan đã đưa thịt vào sản phẩm mì ăn liền, hay sản phẩm xúc xích mới.
Núi Pháo không phải để bán
Với thông tin Masan Resources đang thương lượng với đối tác Ấn Độ để bán vớt vốn tại đây, Ban lãnh đạo Masan cho biết, Núi Pháo là chiến lược quan trọng của tập đoàn, không phải để bán lại, mà sẽ tìm đối tác chiến lược cùng chia sẻ tầm nhìn, có thể đang sở hữu kỹ năng, nền tảng công nghệ để phát triển mạnh hơn.
Với việc mua thêm cổ phần của Vissan thì ban lãnh đạo chưa thể công bố thời gian cũng như số lượng dự kiến mua. Tăng sở hữu tại Vissan cũng là mục tiêu để hoàn thiện chuỗi 3F của Masan.
Ban lãnh đạo cũng cho biết, KKR sẽ đầu tư từ 5-7 năm, Masan cam kết các nhà đầu tư sẽ có lời.
Liên quan đến Masan Farm, ban lãnh đạo nhận trách nhiệm khi bị phạt 400 triệu đối với sự cố ở nông trại Nghệ An. Việc đầu tư hơn 1,000 tỷ cho trang trại này là chiến lược trong chuỗi 3F của Masan và sẽ không thay đổi dù thị trường thịt có biến động. Vấn đề của thị trường Việt Nam là hiệu suất chăn nuôi, hiện 1 năm trung bình 1 con heo nái chỉ sinh được 19 heo con. Còn đối với các trang trại của Masan áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao, trung bình là 23-26 heo con/năm.
TGĐ Nguyễn Đăng Quang cho biết: "Năm 2009, người tiêu dùng trả 0.2 USD/tháng cho các sản phẩm của Masan, nhưng đến năm 2016 đã lên 2 USD/tháng, tức gấp 10 lần".
|
Masan Consumer có kế hoạch chi trả cổ tức trị giá 2,341 tỷ đồng trong năm nay
Nói về những chiến lược của Masan, Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Quang trích dẫn câu nói của Lý Tiểu Long: “Chiến binh bất khả chiến bại cũng chỉ là một người bình thường, nhưng họ có sự tập trung cao độ”.
Trong năm qua, về mảng kinh danh chuỗi giá trị thịt, Masan đã thay đổi toàn diện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Proconco và ANCO thành những công ty theo mô hình hàng tiêu dùng nhanh FMCG, mang lại doanh thu thuần 24,423 tỷ đồng. Với việc động thổ trang trại nuôi heo công nghệ cao quy mô 10,000 nái tại Nghệ An và quan hệ hợp tác chiến lược với Vissan, Masan đã thiết lập được nền tảng quan trọng để phát triển chuỗi giá trị gia tăng trong ngành hàng thịt trị giá 18 tỷ USD. Trong năm 2017, Masan kỳ vọng Masan Nutri-Science tăng trưởng doanh thu 20-30% và lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn vì công ty tập trung đầu tu xây dựng thương hiệu, nghiên cứu và phát triển.
Ông Quang cũng cho biết thêm, hiện nay 98% người Việt sử dụng thực phẩm và đồ uống của Masan. Ngoài ra, mọi người vẫn nghĩ là Masan kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nhưng công ty đang xây dựng chuỗi cung ứng thịt và các sản phẩm từ thịt. Theo đó, công ty đặt mục tiêu cung cấp thịt sạch với mức giá từ 65-70,000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so mức giá thịt sạch ở cửa hàng quy mô nhỏ tới 150,000 đồng/kg, trong khi thịt đông lạnh nhập khẩu và không rõ nguồn gốc là 62-65,000 đồng/kg.
Năm 2009, người tiêu dùng trả 0.2 USD/tháng cho các sản phẩm của Masan, nhưng đến năm 2016 đã lên 2 USD/tháng, tức gấp 10 lần. Còn đến 2020, Masan đặt mục tiêu người tiêu dùng trả 9-10 USD/tháng, tương ứng tập đoàn thu về 9-10 tỷ USD doanh số, ông Quang nói thêm.
Mục tiêu đến 2020 của Masan
Trong mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống, có thể cung cấp dòng tiền tự do ổn định trong ba năm qua. Đồ uống đóng chai hiện là ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất của Masan với 69% đối với đồ uống không cồn và 47% đối với bia trong năm tài chính 2016. Trong tháng 10/2016, Masan đã tung ra nhãn hiệu gia vị đầu tiên ở Thái Lan là Chin-su Yod Thong. Công ty kỳ vọng mảng này sẽ đạt tăng trưởng doanh thu 5-10% và lợi nhuận ổn định do chi phí nguyên liệu cao hơn và thu nhập tài chính thấp hơn (do Masan Consumer có kế hoạch chi trả cổ tức trị giá 2,341 tỷ đồng trong năm nay).
Đối với Masan Resources, trong năm nay dự kiến doanh thu thuần tăng trương 22-27% và lợi nhuận 36-164%.
Về mảng ngân hàng, Techcombank dự kiến sẽ tiếp tục trích lập dự phòng để đạt cấu trúc tài sản “sạch” nhất trong ngành ngân hàng.
Với tất cả những điều này, Masan kỳ vọng động lực tăng trưởng kinh doanh sẽ được duy trì trong năm 2017 và những năm sau đó. Masan dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 15-20% về doanh thu và lợi nhuận cổ đông thiểu số.
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của MSN
|
Kế hoạch phát hành gần 14 triệu cp
MSN cho biết ĐHĐCĐ 2013 của đã thông qua phương án phát hành 38.77 triệu cp để tất toán các khoản nợ với các chủ nợ liên quan. Vào tháng 10/2013, MSN đã phát hành lần 1 với số lượng 29.77 triệu cp (còn lại số lượng 9 triệu cp liên quan đến khoản vay chuyển đổi có dư nợ gốc 30 triệu USD).
Theo đó, cổ đông thông qua việc hủy phương án phát hành 9 triệu cp này và thay bằng phương án phát hành mới 13.69 triệu cp dự kiến từ giữa năm 2017 đến 4 tháng đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, cổ đông Công ty cũng thống nhất kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP) với khối lượng tối đa 0.9% tổng số cổ phần đang lưu hành với giá 10,000 đồng/cp. Thời gian phát hành cũng dự kiến từ giữa năm 2017 đến 4 tháng đầu năm 2018.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2017, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận thuần sau thuế và cổ đông thiểu số từ 3,200-3,400 tỷ đồng, tăng từ 15-22% so năm 2016.
Kế hoạch kinh doanh năm 2017 của MSN
Các khoản đầu tư lớn vào tài sản cố định trong năm 2017 dự kiến khoảng 4,000-4,200 tỷ đồng, trong đó khoảng 1,500 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi heo ở miền Bắc.
Điểm qua về kết quả kinh doanh 2016, Masan đạt doanh thu 43,297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2,791 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 41% và 89% so với năm trước đó. Theo đó, MSN sẽ trình cổ đông thông qua tỷ lệ cổ tức cho năm 2016 bằng tiền mặt là 11% (đã tạm ứng từ ngày 24/01/2017), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại hơn 7,000 tỷ đồng sẽ được giữ lại toàn bộ./.
|