[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ LCG: Tăng cổ tức 2016 lên 7%, dự kiến tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng
Sáng 26/04, CTCP Licogi 16 (HOSE: LCG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 nhằm thông qua chỉ tiêu doanh thu 1,500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 70 tỷ đồng.
So với kết quả đạt được năm 2016 thì lợi nhuận kế hoạch 2017 của LCG gần như không tăng trưởng. Tuy nhiên, con số thu về trong năm 2017 của LCG chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây lắp.
Cụ thể, LCG dự kiến mảng xây lắp sẽ mang về 1,200 tỷ đồng doanh thu hợp nhất từ hợp đồng đã ký kết, trong đó lớn nhất là 487 tỷ đồng từ dự án Nhà máy nước Phú Ninh, tiếp đến là dự án Hạ Long Vân Đồn đạt 170 tỷ đồng…
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của LCG
|
Mảng bất động sản năm 2017 của LCG cũng dự kiến đóng góp 20% trong tổng doanh thu, ở mức 300 tỷ đồng từ kinh doanh đất nền tại dự án quận 12.
Cũng trong năm 2017, LCG dự kiến sẽ tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng và con số này dự kiến chạm 1,400 tỷ đồng vào năm 2020.
Cụ thể, HĐQT LCG tình cổ đông thông qua việc phát hành tối đa 1.75 triệu cp ESOP, tương ứng tỷ lệ 2.3%, giá phát hành 10,000 đồng/cp.
Tiếp theo đó, LCG sẽ phát hành riêng lẻ 22 triệu cp với giá chào bán không thấp hơn 10,000 đồng/cp cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Tổng số tiền thu được từ từ hai đợt chào bán là 237.5 tỷ sẽ được dùng cho đầu tư dự án Bình Tiên 100 tỷ đồng, dự án Phú Ninh 50 tỷ đồng và 87.5 tỷ đồng tái cơ cấu nợ vay ngắn hạn.
Đi kèm với quy mô vốn, lợi nhuận sau thuế LCG cũng dự kiến sẽ tăng từ 120 tỷ đồng năm 2018 để đạt 235 tỷ đồng năm 2020. LCG cũng cam kết thực hiện các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đã đề ra và đảm bảo chia cổ tức tối thiểu 7% năm 2016-2017 và tối thiểu 10% năm 2018-2020.
Kế hoạch kinh doanh LCG giai đoạn 2017-2020 (Đvt: Tỷ đồng)
Tăng cổ tức 2016 lên 7%
Nhắc lại năm 2016, LCG đạt doanh thu 1,119 tỷ đồng và lãi ròng 69 tỷ đồng, cùng vượt xa kế hoạch kinh doanh đã được cổ đông thông qua. Theo đó, cổ tức năm 2016 được HĐQT trình cổ đông tại đại hội này là 7%, thay vì 5% như đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2016.
Đối với hoạt động bất động sản, năm 2016, chủ yếu đến từ việc kinh doanh bán nền dự án Hiệp Thành từ công ty con - Công ty TNHH Thương mại và xây dựng 12. Cụ thể, Công ty đã bán 435 nền đất tại dự án này, tổng giá trị 659 tỷ đồng và thu tiền 342 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm này, LCG đã thu 27.25 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính liên quan dự án Nam An. Đến 31/03/2017 thì đã thu đủ 54.5 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi Nam An. Hai khoản thoái vốn khỏi dự án Khương Thượng và Phước Thiền tổng giá trị 27.5 tỷ đồng cũng đã được thu hết.
Ban lãnh đạo LCG cũng cho biết, tháng 01/2017, Công ty đã ký hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng phần vốn đầu tư 30% vốn điều lệ tại Công ty TNHH khu đô thị Phú Hội (chủ đầu tư dự án 83ha tại Nhơn Trạch, Tỉnh Đồng Nai) với giá trị chuyển nhượng phần vốn 320 tỷ đồng. Tính đến hết quý 1 năm 2017, Công ty đã thu cọc 10% giá trị hợp đồng tương ứng với thu 32 tỷ đồng.
Trong năm 2016, LCG đã hoàn thành việc thoái toàn bộ phần vốn tại công ty 16.1, tiếp tục góp bổ sung 14.39 tỷ đồng vào công ty Điện Lực, giá trị vốn góp của LCG tại Công ty Điện Lực LICOGI 16 là 21.39 tỷ trên tổng vốn điều lệ 62 tỷ đồng tương ứng 34.5%.
Công ty nhận chuyển nhượng 20% vốn điều lệ tại CTCP BOO nhà máy nước Phú Ninh tương đương 22.2 tỷ đồng. Năm 2016 trên cở sở chủ trương tham gia vào các dự án PPP, trong quá trình thực hiện LCG cân nhắc để tham gia ở mức độ hợp lý để đảm bảo có đủ nguồn tài chính để đầu tư cũng như trở thành đơn vị tổng thầu cho chính các dự án PPP này.
Sẽ phát hành cổ phần chiến lược cho đối tác ngoại
Liên quan đến việc phát hành 22 triệu cp cho cổ đông chiến lược, Chủ tịch Bùi Dương Hùng cho biết hiện đã có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia, song nhiều khả năng đối tác mua số cổ phần này là nhà đầu tư nước ngoài.
Trả lời cổ đông về chiến lược các dự án bất động sản LCG tại Nhơn Trạch – Đồng Nai, Chủ tịch LCG cho biết, sân bay Long Thành đang tạo động lực cho phát triển kinh tế, cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng, do đó chắc chắn LCG sẽ thực hiện đầu tư triển khai các dự án tại khu vực này để gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó thì LCG cũng sẽ tham gia vào các công trình xây dựng sân bay.
Chia sẻ thêm về dự án Phú Hội, ông Hùng cho biết, trước đây là dự án 100% vốn LCG (dự án 86ha), sau đó chuyển nhượng 70% cho Vinacapital với giá 61 USD/m2. Trong thời gian qua, thị trường bất động sản khó khăn, Vinacapital định giá lại dự án vào cuối năm 2016 với giá còn 29 USD/m2. Hiện tại, LCG còn 30% vốn tại dự án này và ghi nhận giá trị sổ sách 308 tỷ đồng.
Vừa qua, tháng 01/2017, Công ty đã ký hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng 30% vốn đầu tư tại dự án Phú Hội 83ha với giá trị chuyển nhượng phần vốn 320 tỷ đồng. Tính đến hết quý 1 năm 2017, Công ty đã thu cọc 10% giá trị hợp đồng tương ứng với thu 32 tỷ đồng. Dự kiến trong tuần này sẽ thu được 30% tiền.
Ông Hùng cho biết, Công ty sẽ dành ½ số tiền từ việc chuyển nhượng 30% vốn dự án Phú Hội để đền bù Điền Phước 95ha (mục tiêu đền bù 70% dự án trong năm nay) để giá tăng giá trị dự án và đảm bảo không bị thu hồi (dự kiến đầu năm 2018 mà không triển khai thì sẽ bị thu hồi).
Kỳ vọng “sống lại” dự án xăng nhiên liệu sinh học
Giờ đây thì dự án xăng sinh học lại được đẩy mạnh và có nhiều khả thi, cụ thể từ đầu năm 2018 sẽ dừng xăng A92, chỉ còn xăng E5 và A95. Đối với dự án xăng nhiên liệu sinh học Bình Phước của LCG, với chi phí đầu tư thì giá xăng E5 sản xuất ra là 15,000 đồng/lít, như vậy vẫn rất khó cõ lãi. Tuy nhiên trên thị trường vẫn có nhà đầu tư kinh doanh có lãi ở mảng này.
Ông Hùng chia sẻ, đối với dự án xăng nhiên liệu sinh học, muốn hiểu nó thì phải “ăn và ngủ” với nó. Dự án của LCG đã nhận sự quan tâm của nhiều đối tác, trong đó có Công ty Tùng Lâm – một đơn vị rất am hiểu trong lĩnh vực xăng sinh học. Qua khảo sát, Công ty Tùng Lâm đánh giá 60% máy móc tại dự án xăng Bình Phước sử đụng được, 40% còn lại là dư. Hiện đối tác Toyo Thái đã đồng ý chuyển nhượng 49% vốn tại dự án này cho Tùng lâm. LCG kỳ vọng khi có một đối tác am hiểu như Tùng Lâm thì dự án sẽ “sống lại” đúng nghĩa và kinh doanh có hiệu quả.
Vì sao tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng?
Chia sẻ về lý do phát hành tăng vốn, ban lãnh đạo LCG cho hay, trong chiến lược kinh doanh sắp tới, Công ty cần có nguồn tiền để thực hiện nhiều dự án. Cụ thể, năm 2017, LCG có nguồn thu từ dự án Phú Hội khi chuyển nhượng, thì ½ số tiền sẽ dùng để đầu tư cho dự án Điền Phước và còn lại cơ cấu nợ vay tài chính. Dự án BOT38 sẽ đi vào thu phí từ tháng 6/2017, trên giấy tờ thì LCG nắm giữ 20% nhưng thực tế 45% (thay cho Vinaconex). Dự án này chưa sử dụng nguồn vốn nào từ việc huy động vốn chủ sở hữu. Nhưng dự án này quy định vốn đối ứng vốn chủ là 15%.
Đối với dự án BT Bình Tiên, Công ty đã phải ký quỹ 135 tỷ đồng trong quá trình đấu thầu, sau này thực hiện sẽ phải đối ứng 15% tổng mức đầu tư dự án (phải giải ngân thì ngân hàng mới cho vay 85%). LCG phải ứng vốn cho dự án BT và ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng. Theo ông Hùng, Công ty luôn trong tình trạng sẵn sàng cho các dự án, việc tăng vốn thêm 240 tỷ đồng là khiêm tốn nhưng Công ty cũng tận dụng các nguồn lực khác để đảm bảo vốn hoạt động. Dự án BOO nhà máy nước Phú Ninh, LCG phải góp 48 tỷ đồng, nhà máy khi đầu tư giai đoạn 1-2B, vốn điều lệ tăng lên 280 tỷ đồng, tương ứng LCG phải góp thêm để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 20%.
Thứ 4 là dự án theo hình thức PPP cần vốn lớn, và các dự án Công ty đang tiếp cận ở TPHCM đều có tổng vốn đầu tư trên 1,000 tỷ đồng. Chia sẻ thêm vì sao chọn PPP, LCG cho biết nếu thuần nhà thầu xây lắp thì phải lựa chọn công trình rồi mời đấu thầu và phải giảm giá để cạnh tranh…còn nếu đầu tư PPP khi có năng lực xây lắp thì sẽ có được mức giá tối đa. Như dự án Phú Ninh, giá xây dựng bao nhiêu LCG lấy bấy nhiêu, chủ đầu tư ký hết với nhà thầu. Duy nhất, dự án BOT38 không đòi hỏi kinh nghiệm, nhưng nay thì LCG phải chứng minh năng lực từng làm BOT38 thì mới được làm các dự án sau này./.
|