[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ Hùng Vương: Khó khăn bất khả kháng, đã từng có ý định thoái vốn FMC và VTF
Tại ĐHĐCĐ sáng 07/04, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) cho biết: “Tháng 3/2017, Hùng Vương có ý định thoái vốn FMC nhưng không bán nữa do đã thu xếp được vốn nên xin lỗi đối tác muốn mua lại 56% vốn. Bởi với lượng cá bán được thì đến tháng 10/2017, HVG sẽ thu về trên 5,000 tỷ đồng”.
Chủ tịch Dương Ngọc Minh nói lời xin lỗi về hoạt động kinh doanh không đạt như kế hoạch năm 2016.
|
FMC lúc đó chỉ được định giá 27,000 đồng/cp, giá trị thu về khoảng 460 tỷ đồng. Tuy nhiên do Hùng Vương đã thu xếp được tài chính sau đợt tham gia hội chợ ở Boston. Thêm vào đó, giá trị xuất khẩu của FMC dù không lớn bằng Minh Phú (MPC) nhưng công ty đang làm hàng giá trị gia tăng cao xuất sang Mỹ và Nhật và FMC có thương hiệu. Đồng thời Hùng Vương cũng đang định hướng phát triển ngành tôm nên đang thỏa thuận với Công ty Lương thực Miền Nam mua thêm nhà máy tại Cà Mau nhưng đang gặp trục trặc.
Ngoài ra, CJ cũng có bàn bạc để mua Việt Thắng (VTF) nhưng giá đưa ra không như HVG kỳ vọng khi định giá chỉ 250 triệu USD, trong khi công suất nhà máy tới 1.6 triệu tấn/năm, thị trường đã có, trang thiết bị mới. Thêm vào đó, riêng trang thiết bị thì tài sản trên 100 triệu USD chưa tính nhà xưởng đất đai.
Lý do Hùng Vương có ý định bán vốn tại hai doanh nghiệp trên bởi: “Chúng tôi rơi vào tình huống bất khả kháng do ảnh hưởng từ Brexit, đồng Euro mất giá… khiến trong vòng 1 tháng chênh lệch vấn đề nhập khẩu gần 30 triệu USD. Công ty phải bán lỗ bán tháo sản phẩm để giải quyết với ngân hàng, chứ con số chênh lệch sau kiểm toán từ lãi 110 tỷ sang lỗ 49 tỷ là chúng tôi không phải lừa đảo, đó là trường hợp bất khả kháng, thành thật xin lỗi về vấn đề này”.
Ông chia sẻ thêm, thời gian qua có nhiều thông tin trái chiều về Hùng Vương nhưng các dự án đầu tư không bị gián đoạn.
Cụ thể, năm 2016, HVG phát triển dự ăn chăn nuôi heo giống, kho lạnh và nhà máy thức ăn Việt Thắng. Đến tháng 10/2016, đàn heo cuối cùng được nhập về và đến tháng 2/2017 số heo nái đẻ gần 500 con, cứ mỗi tuần khoảng 100 heo nái đẻ. Với kế hoạch ban đầu là heo đẻ 28 con/năm, nhưng đã vượt lên 36 con/năm với 8-9 con/lứa, nhưng hiện bình quân của Hùng Vương là 13.8 con/lứa. Năm 2017, HVG sẽ phát triển thêm đàn heo tại An Giang (1,500 cụ kỵ và tái đàn, 500 con ông bà), tại Bình Định (1,500 con ông bà và 10,000 con bố mẹ). Cuối năm tại Long An (10,000 bố mẹ và 1,500 ông bà). HVG cũng sẽ thành lập trung tâm tinh heo cho Việt Nam theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Về dự án nhà máy thức ăn Việt Thắng, tháng 6 này chính thức đi vào hoạt động. Còn kho lạnh 60,000 palet, tháng 12 năm nay chính thức đi vào hoạt động.
Ngoài ra, tháng 6 năm nay Hùng Vương sẽ khởi công nhà máy Rmit liên doanh với Đan Mạch (Hùng Vương nắm 25% vốn), chuyên sản xuất chăn nuôi thủy sản, cung cấp ra 4 thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc. Dự kiến tháng 12/2017 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động.
ĐHĐCĐ thường niên của Hùng Vương diễn ra sáng ngày 07/04 tại TPHCM.
|
Nhờ tồn kho lớn, kế hoạch 2017 có thể hơn 700 tỷ lợi nhuận kèm đề xuất cổ tức 10%
Về kế hoạch 2017, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước trong năm nay sẽ có nhiều triển vọng, tăng thêm 5%, ước đạt 7.5 tỷ USD. Cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng khả quan nhất trong ngành thủy sản về giá trị lẫn sản lượng. Cùng với nhu cầu tăng, giá xuất khẩu cá tra hiện cũng tăng mạnh. Tại thị trường châu Á, giá trung bình tăng đến mức 2.8-3 USD/kg trong tháng 3 và 4.
Trong khi tính đến hết tháng 3, Trung Quốc đã vượt Mỹ về xuất khẩu cá tra do đa dạng hóa được các sản phẩm. Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ, năm 2018 khả năng thị trường này sẽ gặp khó nếu chương trình Farmbill đi vào thực hiện. Điều này thách thức doanh nghiệp Việt Nam nếu không đảm bảo yêu cầu.
Mặt khác, dù nhu cầu cá tra nguyên liệu để chế biến xuất khẩu lớn nhưng sản lượng nuôi lại giảm. Ước tính, lượng cá thu hoạch năm 2017 trong dân và doanh nghiệp còn chưa đến 800,000 tấn, giảm tới 50%. Việc nuôi mới của đầu vụ vẫn còn chậm do nông dân thua lỗ trong năm vừa qua nên hết vốn. Theo HVG, hiện tại thả nuôi mới chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp sở hữu vùng nuôi lớn, nguồn vốn mạnh như Hùng Vương.
Trong khi đó, tại Hùng Vương, đến tháng 3/2017, Hùng Vương còn trên 100 triệu con giống kích cỡ 10 con/kg – 1.1kg, Agifish (AGF - công ty con) còn đến 56 triệu con kích cỡ tương tự. So với cá nguyên liệu đang được bán với giá 25,000-26,000 đồng/kg trên thị trường, giá thành nuôi trồng của Hùng Vương và Agifish chỉ ở mức 20,000 đồng/kg.
Ngoài ra, Hùng Vương còn dự trữ đến 33,000 tấn fillet thành phẩm. Với giá trị xuất khẩu như hiện tại, chỉ riêng việc bán hàng tồn kho cũng mang về cho Hùng Vương khoản lợi nhuận tương đối lớn, cộng thêm cá trong ao thì Hùng Vương có thể thu về trên 700 tỷ đồng lợi nhuận. Nhưng Hùng Vương chỉ đưa ra con số dè dặt 400 tỷ đồng lợi nhuận, và HVG sẽ xin ý kiến cổ đông chi trả cổ tức tỷ lệ 10% khi hoàn thành kế hoạch 700 tỷ cũng như giảm 50% nợ vay vào tháng 9 năm nay. "Mục tiêu tới 2018 với doanh số 30,000 tỷ thì Hùng Vương dư sức đạt được" - ông Minh khẳng định.
Theo đó, công ty đặt kế hoạch cho 2 năm liên tiếp, với doanh thu 2017 và 2018 là 20,000 tỷ và 25,000 tỷ đồng; lợi nhuận cũng lần lượt đạt 400 tỷ và 700 tỷ đồng. Cổ tức năm 2016 và 2017 được trình là 0% nhằm khắc phục nguồn vốn âm trên báo cáo tài chính công ty mẹ.
Ông chia sẻ thêm, có hai đơn vị ở Mỹ đề xuất mua lại lượng hàng tồn kho của Hùng Vương (trên 35,000 tấn, tương ứng hơn 4,000 tỷ đồng) nhưng HVG đang cân nhắc. Và doanh số xuất khẩu vào Mỹ sẽ trên 14 triệu USD/tháng trong năm nay.
Về kế hoạch đầu tư tại Nga, do thủ tục hành chính của Việt Nam rắc rối, mất thời gian trong khi Nga chỉ cho thời gian 2 tháng nên kế hoạch này bị hủy.
Ngoài ra, Đại hội cũng thông qua HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021 gồm ông Dương Ngọc Minh, ông Hà Việt Thắng, ông Nguyễn Văn Ký, ông Lê Nam Thành và bà Lê Kim Phụng. BKS gồm ông Vũ Nhân Vương, ông Huỳnh Tấn Trương và ông Nguyễn Văn Lâm./.
|