Đề xuất Chính phủ phương án đầu tư dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
Để sớm triển khai dự án đầu tư Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, có ý kiến thống nhất và cùng thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện.
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố là một trong số những dự án quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của thành phố Đà Nẵng, đã được xác định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị Khóa IX và kết luận số 75-KL/TW ngày 12/11/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI).
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 04/11/2016, Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố đã họp bàn về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị tại Bộ Giao thông vận tải ngày 14/11/2016. Trên cơ sở nội dung thống nhất giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ GTVT, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu phân kỳ giai đoạn thực hiện và hoàn chỉnh các phương án đầu tư đảm bảo thuận lợi cho việc thực hiện dự án.
Theo đó, giai đoạn 1, về hạng mục đầu tư, xây dựng tuyến tránh qua trung tâm thành phố dài 18.26 km; cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến cũ dài 7 km; xây dựng nhà ga hành khách mới với chức năng đón, trả khách thay cho khu ga Đà Nẵng hiện tại; chưa xây dựng nhà ga hang hóa Kim Liên mới mà cải tạo, nâng cấp ga Lệ Trạch để đảm nhận khối lượng xếp dỡ của ga Đà Nẵng hiện tại; xây mới cầu Nam Ô và cầu Quan Nam, một cầu đường bộ vượt đường sắt và xây dựng 4 đường ngang tại các điểm giao cắt; xây dựng hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ phục vụ; di dời máy móc thiết bị bị khu đầu máy toa xe tại khu ga mới. Kinh phí đầu tư giai đoạn là 3,451 tỷ đồng.
Về phương án đầu tư, phương án đầu tư giai đoạn 1 bằng nguồn vốn trong nước, có 3 phương án được đưa ra, trong đó phương án 1 là đầu tư theo hình thức BT bằng quỹ đất tương ứng với giá trị thu được từ khu đất nhà ga cũ khoảng 1,192 tỉ đồng (ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng). Nhà đầu tư được quyền khai thác quỹ đất tại khu vực nhà ga cũ theo quy hoạch của thành phố phần con lại 2,259 tỉ đồng sẽ kiến nghị Chính phủ đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương (vốn trái phiếu, vốn dự phòng trung ương hoặc ODA…)
Phương án 2: Đầu tư theo hình thức BT kết hợp với hình thức BTL (Xây dựng-thuê dịch vụ-chuyển giao); đầu tư theo hình thức BT bằng quỹ đất tương ứng với giá trị thu được từ khu đất nhà ga cũ khoảng 1,192 tỉ đồng (ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng). Nhà đầu tư được quyền khai thác quỹ đất tại khu vực nhà ga cũ theo quy hoạch của thành phố, phần còn lại 2,259 tỉ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức BTL. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý khai thác, sử dụng; kinh phí chi trả cho nhà đầu tư được trích từ nguồn doanh thu của Tổng Công ty ĐSVN; thời gian hoàn vốn của dự án là 16 năm.
Phương án 3: Đầu tư theo hình thức BT kết hợp với hình thức BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao). Thời gian hoàn vốn của dự án là 22 năm.
Trên cơ sở phân tích 3 phương án nêu trên, phương án 2 được đánh giá là khả thi với thời gian hoàn vốn dự án khoảng 16 năm, nhà nước không bỏ vốn ban đầu, chủ động trong việc triển khai thực hiện và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn là đơn vị vận hành, khai thác tạo thuận lợi cho việc quản lý, điều hành.
Về phương án đầu tư hoàn chỉnh bằng nguồn vốn ODA, sẽ đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ dự án bao gồm thêm tuyến đường bộ kết nối nhà ga hành khách với quốc lộ 1A, hầm chui dưới ga mới kết nối Đông – Tây để phù hợp với quy hoạch của thành phố với tổng mức đầu tư là 6,731 tỷ đồng từ nguồn vay ODA. Về cơ chế tài chính của phương án này, chi phí đối ứng trong nước chủ yếu là phục vụ công tác giải phóng mặt bằng với kinh phí 2,129 tỷ đồng (bao gồm dự phòng), trong đó dự kiến được 1,192 tỷ đồng từ nguồn khai thác quỹ đất khu vực nhà ga cũ, phần còn lại 937 tỷ đồng đề nghị Chính phủ cấp; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án do thành phó thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ bảo lãnh cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trực tiếp vay ODA phần còn lại 4,602 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án.
Trong trường hợp Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không thực hiện được thì kiến nghị Chính phủ bảo lãnh vay ODA và giao Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố. Sau khi đầu tư xây dựng xong, sẽ cho Tổng Công ty Đường sắt VN thuê khai thác và chi trả kinh phí để hoàn vốn dự án./.
|