Thứ Sáu, 14/04/2017 17:45

Chứng khoán Tuần 10/04 - 14/04: Lao dốc cuối tuần

Áp lực tháo hàng diễn ra trên diện rộng cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình chính trị thế giới đã kéo các chỉ số thị trường lùi sâu trong tuần qua. Dù khối ngoại và dòng tiền bắt đáy vẫn hoạt động tích cực nhưng điều này vẫn là chưa đủ để nâng đỡ thị trường.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 10/04 - 14/04/2017

Giao dịch: Các chỉ số thị trường giảm điểm mạnh trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần giảm 1.31% đứng tại 718.45 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0.57% đang dừng ở 89.64 điểm.

Thanh khoản trên cả hai sàn diễn biến trái chiều. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 181.2 triệu đơn vị/phiên giảm 3.49% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 60.7 triệu cổ phiếu/phiên tăng mạnh 35.31%.

Thị trường khởi đầu tuần giao dịch khá tích cực khi sắc xanh hiện diện trên các chỉ số thị trường trong hai phiên giao dịch đầu tuần. Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu Large Cap với SAB, VIC, BVH, GAS, VJC, VNM, CTG, VCB, ROS, MBB… cùng lực đẩy từ các cổ phiếu Mid Cap ngành Bất động sản như PDR, NLG… đã giúp sắc xanh được nối dài trên VN-Index dù đà tăng không quá mạnh.

Dù tăng điểm nhưng đà tăng của thị trường lại không thực sự thuyết phục khi sự phân hóa cùng giao dịch giằng co vẫn đóng vai trò chủ đạo. Điều này đã khiến bên bán trở nên mất kiên nhẫn và kéo theo áp lực bán gia tăng mạnh hơn trong các phiên giao dịch tiếp theo. Với sự phân hóa khá mạnh qua các phiên, nhóm cổ phiếu VN30 trở thành tâm điểm thoát hàng của giới đầu tư và là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường trong các phiên giữa tuần.

Phiên giao dịch cuối tuần, áp lực tháo hàng tiếp tục duy trì khá mạnh và khiến các chỉ số thị trường tiếp tục lùi sâu. Sự e ngại của giới đầu tư ngày càng gia tăng trước những thông tin tiêu cực từ tình hình chính trị thế giới. Đã có lúc VN-Index đánh rơi hơn 10 điểm trước áp lực xả hàng quyết liệt trên diện rộng trước khi dòng tiền tiền bắt đáy kịp thời trở lại giúp thu hẹp phần nào đà giảm của các chỉ số thị trường.

Trước sự suy yếu của nhóm cổ phiếu Large Cap, các nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap cũng đánh mất đi sự tích cực vốn có khi sắc đỏ chiếm ưu thế trở lại trong tuần qua. Dù vẫn có số ít cổ phiếu ghi nhận sự bứt phá mạnh như TCH, PDR, LDG, NLG… nhưng điều này vẫn là không đủ để kéo sự hưng phấn trở lại thị trường.

Trước sự e ngại dâng cao của giới đầu tư trong nước, khối ngoại tiếp tục để lại dấu ấn khi không ngừng gom hàng qua các phiên. Tuy vậy, điểm cần lưu ý là hoạt động mua/ bán của khối ngoại cũng đã nguội đi đáng kể về cuối tuần.

Nhà đầu tư nước ngoài: mua ròng hơn 1,040 tỷ đồng trên cả hai sàn (đã loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến). Trong đó, họ mua ròng trên HOSE với hơn 1,337 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 42.3 tỷ đồng. Nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận mua ròng đột biến từ VHC thì khối ngoại vẫn mua ròng hơn 998 tỷ đồng trên HOSE. Ngoại trừ giao dịch đột biến của VHC thì lực mua và bán ròng của khối ngoại trong tuần qua vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu Bluechip và trụ cột.

Trên HOSE, lực mua ròng tập trung mạnh nhất là ở VHC với 342.99 tỷ đồng (chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận); tiếp theo là HPG với 181.8 tỷ đồng, VJC với 106.54 tỷ đồng, CTD với 98.2 tỷ đồng… Về phía bán ròng là các mã như KDH với 28 tỷ đồng, tiếp theo là NLG với 27.66 tỷ đồng, DXG với 21.98 tỷ đồng...

Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở VGC với 28.4 tỷ đồng, VND với 18.4 tỷ đồng và PVS với 15 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở SHBNTP với 17.7 tỷ và 9 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là DHM tăng 25.43%, PDR tăng 20.15%, LDG tăng 17.54%.

DHM tăng 25.43%. DHM tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ sự sôi động của dòng tiền bắt đáy khi cổ phiếu này đã có chuỗi giảm điểm liên tục trong các tuần giao dịch trước.

PDR tăng 20.15%. PDR tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ việc Công ty này thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 rất khả quan trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2017. Theo đó, doanh thu kế hoạch đạt 2,000 tỷ đồng và lãi ròng dự kiến đạt 336 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 34% và 39% so với thực hiện năm 2016.

LDG tăng 17.54%. LDG tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ những kỳ vọng về KQKD quý 1/2017. Theo đó, doanh thu ước tính đạt 150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của CĐ Công ty mẹ dự kiến đạt gần 56 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm 2016.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là STB giảm 11.79%, DGW với 14.45% và PPI với 11.84%.

STB giảm 11.79%. STB giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ hoạt động chốt lời gia tăng sau khi cổ phiếu này đã có chuỗi tăng giá ấn tượng trong tuần giao dịch trước.

DGW giảm 14.45%. DGW giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ việc Công ty này đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2017 dự kiến chỉ đạt 55 tỷ đồng, sụt giảm 18% so với mức thực hiện năm 2016.

PPI giảm 11.84%. PPI giảm mạnh trong tuần qua khi chưa đón nhận thêm thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đã đẩy mạnh chốt lời ở cổ phiếu này sau khi cổ phiếu này đã liên tục tăng giá trong các tuần trước đó.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

 

 

 

 

 

 

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật