Yếu tố chính trị tác động như thế nào đến thị trường tài chính?
Các sự kiện chính trị đã tràn ngập ở khắp mọi nơi trong năm 2016. Với hàng loạt cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu và lịch trình bận rộn của Donald Trump ở Nhà Trắng, thì dường như yếu tố chính trị sẽ tiếp tục chi phối diễn biến thị trường trong năm nay.
Điều này có thể khá mới mẻ đối với những nhà đầu tư hoạt động tại các thị trường phát triển, nhưng đối với các nhà đầu tư ở thị trường mới nổi thì từ lâu họ đã xem đây là các rủi ro chính trị. Vậy các yếu tố chính trị ảnh hưởng như thế nào đến quá trình ra quyết định đầu tư?
Trong một bài viết trên MarketView vào đầu tháng 3/2017, Công ty quản lý quỹ Aberdeen (Aberdeen Asset Management) cho rằng rủi ro chính trị thường trở nên rõ ràng hơn trong giai đoạn sau, nhưng sẽ rất khó để đánh giá ở giai đoạn đầu: Thậm chí những nhà thăm dò ý kiến lâu đời cũng không thể dự báo được chiến thắng của Donald Trump tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và việc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU). Nhiều nhà đầu tư đã thất bại khi cố gắng dự đoán tác động của các sự kiện chính trị tới thị trường.
Và cho dù có khả năng dự báo chính xác kết quả của một sự kiện chính trị cụ thể, thì nhà đầu tư cũng gần như không thể đánh giá chính xác tác động của sự kiện đó đến thị trường. Một số nhà đầu tư đã dự báo đà hồi phục mang tên “Donald Trump” hoặc sự kiện Brexit sẽ được thị trường tiếp nhận tương đối dễ dàng. Tại Brazil, sau một đợt sụt giảm kéo dài dai dẳng, thị trường chứng khoán lại quay đầu tăng cao khi rủi ro chính trị lên tới đỉnh điểm. Khi cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bị luận tội trong tháng 12/2015, thì cũng là lúc chỉ số Bovespa bắt đầu hồi phục.
Công bằng mà nói, tình hình chính trị tồi tệ không nhất thiết phải dẫn tới một thị trường tài chính yếu kém. Ví dụ, Pakistan đã từng là một trong những thị trường có thành quả tốt nhất trong 5 năm trở lại đây, với mức tăng gần 300%. Dù vậy, tình hình chính trị ở đây vẫn khá rối rắm. Đáng chú ý hơn, Brazil đứng thứ 116 trong 174 quốc gia khi xếp hạng theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng Toàn cầu (GCPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). Được biết, mỗi năm, TI lại tổ chức xếp hạng các quốc gia trên thế giới theo mức độ tham nhũng được xem là tồn tại trong giới công chức và chính trị gia.
Như vậy, việc đầu tư dựa vào kết quả tiềm năng từ một sự kiện chỉ có 2 kết quả sẽ đem lại thành quả rất cao trong trường hợp tốt nhất, nhưng cũng cực kỳ rủi ro trong tình huống tồi tệ nhất.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các yếu tố chính trị là không quan trọng hoặc không nên suy xét tới. Ngược lại, các yếu tố chính trị có thể tác động đáng kể đến đồng tiền của một quốc gia hoặc tính thanh khoản của thị trường chứng khoán quốc gia đó. Ngoài ra, các yếu tố này có thể tác động đến mối quan hệ thương mại và các thị trường xuyên biên giới, qua đó có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong hoạt động của các công ty.
Thế nhưng, bất ổn chính trị có thể đem lại cơ hội mua chứng khoán khi bất ổn khiến nhà đầu tư không nhận ra được tình hình thực tế của một quốc gia hoặc triển vọng của một công ty. Thị trường có xu hướng phản ứng thái quá trước các vấn đề như vậy. Đối với một nhà đầu tư có thể đánh giá tình huống một cách hợp lý, điều này có thể tạo cơ hội để họ mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị nội tại.
Trường hợp này đang xảy ra ở Mexico. Đồng Peso và thị trường chứng khoán của quốc gia này bị bán tháo nặng nề khi ông Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều khiến Mexico lo sợ là lập trường “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Donald Trump sẽ tác động tiêu cực tới sự thịnh vượng của đất nước này.
Tuy nhiên, liệu các công ty Mỹ có thực sự mang hoạt động sản xuất từ Mexico trở về quê nhà? Chi phí sản xuất ở Mỹ có thể cao hơn rất nhiều so với Mexico, qua đó làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với các công ty mang hoạt động sản xuất về Mỹ và những người tiêu dùng vì họ có thể phải gánh chịu các chi phí gia tăng. Dù vậy, những rủi ro này có thể không đáng kể khi xét về dài hạn. Tại một thời điểm nào đó, Mexico có thể đem lại cơ hội mua ngược xu thế cho nhà đầu tư.
Mặc dù chúng ta không thể dự báo kết quả chính trị tốt hơn những người khác, nhưng chúng ta có thể đánh giá liệu kết quả đó có được phản ánh trong giá cổ phiếu hay không. Về trường hợp này, sẽ rất hữu ích nếu bạn có một tư duy đi ngược với đám đông. Ví dụ, ở Brazil, thị trường rõ ràng đã phản ánh vụ luận tội Dilma Rousseff vào giá cổ phiếu. Như vậy, sự kiện chính trị chỉ tạo ra cảm xúc thật khi thực sự xảy ra. Công bằng mà nói, việc hạ bậc tín nhiệm dường như rất đáng chú ý tại thời điểm đó, nhưng thị trường lại không phản ứng mạnh mẽ. Điều này là do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thường là những người đưa ra động thái sau cùng và thị trường cũng đã dự đoán được là sẽ có đợt hạ bậc tín nhiệm trong tương lai gần.
Chúng ta cảm thấy lo lắng về rủi ro chính trị ở những nơi có tình hình chính trị khó lường. Tại Ấn Độ, quyết định rút các tờ tiền có mệnh giá cao ra khỏi lưu thông đã làm cả thị trường phải điêu đứng. Sự chuyển đổi từ các chính sách chính thống sang chính sách cực đoan như thế này là lý do để nhà đầu tư lo lắng và xa lánh thị trường Ấn Độ. Trong quá khứ, cổ phiếu Ấn Độ được giao dịch cao hơn so với các thị trường mới nổi khác cũng vì sự ổn định chính trị. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ dường như đã thay đổi.
Đây là một điểm then chốt khi so sánh rủi ro chính trị ở thị trường mới nổi với các thị trường phát triển: Rủi ro chính trị đã được các thị trường mới nổi dự tính tới và được phản ánh trong giá cổ phiếu thấp hơn. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ, Anh và châu Âu đã liên tục tăng cao mặc cho môi trường chính trị bất ổn. Điều này cho thấy rủi ro chính trị chưa được phản ánh trong giá cổ phiếu. Nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi thường dự đoán trước các vấn đề chính trị và các dự đoán này được phản ánh vào giá cổ phiếu. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ở thị trường phát triển thì không phản ánh sự bất ổn chính trị.
Có những lĩnh vực mà Aberdeen tin rằng rủi ro chính trị rất cao nhưng lại không được phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu. Đây là lý do tại sao Aberdeen không đầu tư đáng kể vào thị trường Thổ Nhĩ kỳ, Nga hoặc Nam Phi. Trong mỗi thị trường trên, tình hình chính trị trong nước vẫn khá rối rắm, qua đó làm giảm lượng đầu tư.
Ngược lại, Aberdeen đã gia tăng tỷ trọng vào Mỹ Latinh, vốn là một trong những khu vực có chính sách kinh tế và chính trị mang hướng chính thống nhiều hơn. Trên thực tế, các quốc gia như Chile, Peru và Comlumbia đã và đang tiến hành các mô hình kinh tế chính thống có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Các yếu tố chính trị có thể tác động đến thị trường tài chính, nhưng đứng trên góc độ là nhà đầu tư, chúng ta không những cần phải cẩn thận khi cố gắng dự báo kết quả của các sự kiện chính trị mà còn phải chuẩn bị tốt cho tất cả tình huống có thể xảy ra./.
|