Tương lai nào cho VAMC và nợ xấu?
Dự kiến, một “Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu” (tổ công tác) sẽ được thành lập nhằm hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) đẩy nhanh quá trình xử lý các khoản nợ đang nằm trong “kho”, theo Thesaigontimes đưa tin.
“Lôi” các bộ, ngành vào cuộc
“Là một công ty trực thuộc cơ quan ngang bộ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VAMC không có nhiều quyền lực thực sự. Cần chuyển VAMC thành thuộc Chính phủ thì mới thay đổi được tình hình”, một đại diện VAMC nói với TBKTSG. Và, “trong khi việc chuyển VAMC về Chính phủ chưa thể thực hiện thì việc thành lập Tổ công tác... là biện pháp tạm thời để giúp VAMC vướng đâu đánh đó”, ông nói.
Đây là một nội dung trong Đề án nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020. Tổ công tác này gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương gồm: NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tòa án, UBND thành phố Hà Nội, TPHCM và VAMC.
Trong khi việc chuyển VAMC thành trực thuộc Chính phủ thay vì NHNN chưa thể thực hiện thì việc thành lập Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu được cho là biện pháp tạm thời để giúp VAMC... vướng đâu đánh đó.
|
Tổ công tác sẽ tập trung vào việc: Chỉ đạo xử lý các khoản nợ xấu của khách hàng vay tại một, một số TCTD hoặc (và) VAMC có mức dư nợ lớn được xác định theo từng thời kỳ. Chỉ đạo, phối hợp trực tiếp với VAMC, TCTD trong quá trình xử lý về mặt pháp lý đối với các khoản nợ xấu để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng TSBĐ và các thủ tục thuế liên quan đến việc chuyển nhượng TSBĐ.
Tổ công tác chỉ đạo tiến hành thu hồi nợ bằng nhiều biện pháp, như đôn đốc thu hồi nợ, thu giữ, phát mại TSBĐ, bán nợ theo quy định của pháp luật thông qua đấu giá công khai, minh bạch. Những khoản nợ xấu là đối tượng xử lý của tổ công tác sẽ không xem xét cơ cấu nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp. Tổ công tác sẽ hoạt động trên tinh thần “các khoản nợ xấu VAMC đã mua là tài sản của Nhà nước, mọi tổ chức cá nhân không trả nợ, không hợp tác thì sẽ xử lý hình sự theo tội chiếm đoạt tài sản nhà nước”.
Một VAMC mới?
Trả lời báo chí, tân Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông cho biết, dự kiến trong năm 2017, VAMC mua khoảng 25.000 tỉ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và tập trung xử lý khoảng 33.000 tỉ đồng.
Còn theo đề án trên, VAMC sẽ tiếp tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt từ các TCTD yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN. Dự kiến đến 2020, VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt với giá trị khoảng 150.000 tỉ đồng dư nợ gốc, có tính đến việc mua nợ của một số ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và số dư nợ được cơ cấu lại.
Về hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường, VAMC sẽ thực hiện đối với các khoản nợ đang được TCTD hạch toán nội bảng, ngoại bảng và các khoản nợ VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Dự kiến đến năm 2020, VAMC thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với giá mua nợ dự kiến từ 10.000-50.000 tỉ đồng tùy theo tiến độ cấp vốn điều lệ từ Chính phủ với công ty.
Bên cạnh mua nợ, nhiệm vụ quan trọng là xử lý nợ. Kế hoạch VAMC và NHNN đặt ra là đến hết năm 2020, VAMC mua nợ xấu của các TCTD qua các hình thức đạt tổng giá trị dư nợ gốc là 400.000 tỉ đồng và thu hồi nợ đạt 100.000-150.000 tỉ đồng. Các biện pháp xử lý nợ cụ thể gồm: thu hồi nợ qua bán nợ (20.000-35.000 tỉ đồng), thu hồi nợ qua xử lý TSBĐ (30.000-45.000 tỉ đồng), thu hồi nợ qua đôn đốc khách hàng trả nợ (50.000-70.000 tỉ đồng).
Về cơ cấu nợ, đến hết năm 2020, VAMC dự kiến thực hiện cơ cấu nợ đạt 50.000 tỉ đồng dư nợ gốc qua các hình thức như cơ cấu thời hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất và thực hiện miễn giảm lãi phù hợp trên cơ sở đánh giá thực trạng khoản nợ, khách hàng.
Về lâu dài, theo định hướng của Chính phủ và NHNN, VAMC sẽ giữ vai trò trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu hệ thống các TCTD, là tổ chức do Chính phủ quản lý có cơ chế đặc thù để đảm bảo xử lý nhanh và hiệu quả nợ xấu trong khuôn khổ các quy định pháp luật liên quan.
Hoạt động của công ty này sẽ được phát triển theo hai vai trò chính. Thứ nhất, vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD. Hoạt động của VAMC không vì mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, VAMC có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phối hợp với TCTD duy trì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ) theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; phối hợp với TCTD để triển khai các biện pháp xử lý nợ trong khuôn khổ các quy định pháp luật hiện hành như cơ cấu nợ, bán nợ, bán TSBĐ... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, VAMC giữ vai trò là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường nợ, khi đã có nền tảng pháp lý cơ bản để thúc đẩy hoạt động mua, bán nợ theo giá trị thị trường. Theo đó, công ty sẽ kinh doanh dịch vụ mua bán nợ/tài sản bảo đảm; môi giới, tư vấn mua bán nợ, tài sản; là trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của Việt Nam; quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản liên quan đến nợ xấu.
Đáng chú ý, theo lộ trình này, VAMC sẽ thành lập Trung tâm Đấu giá tài sản Việt Nam, đồng thời mở sàn giao dịch nợ để hình thành trung tâm giao dịch mua, bán nợ tại thị trường Việt Nam, thu hút người bán, người mua tìm hiểu thông tin và thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch nợ của VAMC; tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản...
Thách thức vì xuất phát điểm thấp
Hiện nay, VAMC chưa thực hiện đầy đủ các hoạt động nghiệp vụ xử lý nợ. Công tác mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC chưa có kết quả cụ thể. Nhiều hoạt động nghiệp vụ chưa được tổ chức thực hiện như: chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê TSBĐ đã được VAMC thu nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản; đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của TCTD.
Việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài không thể tiến hành. Theo Luật Đất đai, việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Trong khi đó, TSBĐ là bất động sản và tài sản trên đất chiếm tỷ lệ 72% trong tổng giá trị TSBĐ của các khoản nợ mà VAMC đang nắm.
Hoạt động xử lý nợ xấu chưa thu hút được các nhà đầu tư. VAMC đã tiếp cận nhiều tổ chức quốc tế, đã ký nhiều thỏa thuận bảo mật cung cấp thông tin tuy nhiên đến hiện tại, VAMC chưa thực sự phối hợp được với tổ chức nào trong việc xử lý nợ xấu.
Cựu chủ tịch VAMC từng chia sẻ với TBKTSG rằng có rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC để tìm hiểu thực tế hoạt động của công ty, khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai xử lý nợ, bán các khoản nợ xấu đã mua. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản... thì các nhà đầu tư không đặt vấn đề nào cụ thể.
Bản thân VAMC cũng cần tái cấu trúc chính mình vì đội ngũ cán bộ quy tụ chủ yếu từ cán bộ tín dụng ở các ngân hàng, với tư duy “truyền thống” và nguồn lực hạn chế...
http://www.thesaigontimes.vn/158221/Tuong-lai-nao-cho-VAMC-va-no-xau.html
|