Thứ Tư, 01/03/2017 09:06

Trái phiếu Chính phủ không ảnh hưởng tới việc vay vốn của DN

Tỉ trọng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) khá ít so với dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại cùng với mức lãi suất thấp hơn chứng tỏ TPCP không ảnh hưởng đến việc vay vốn từ các ngân hàng của doanh nghiệp (DN).

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là khẳng định của Bộ Tài Chính tại buổi họp báo chuyên đề thông tin về thị trường trái phiếu năm 2016 và định hướng phát triển trong các năm tiếp theo tổ chức ngày 28/2 tại Hà Nội.

Không cạnh tranh vốn với DN

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc TPCP cạnh tranh với việc vay vốn của DN, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2016, số dư nợ TPCP do hệ thống ngân hàng nắm giữ mới chỉ chiếm 8% tổng giá trị tài sản, trong khi dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại chiếm khoảng 65% tổng tài sản. Nếu so sánh 2 tỉ lệ trên, có thể thấy tỉ trọng vốn TPCP là khá ít so với vốn vay của ngân hàng thương mại, nên không ảnh hưởng đến việc vay vốn của DN. Hơn nữa, cũng không có sự cạnh tranh về lãi suất, vì lãi suất TPCP do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành kỳ hạn 5 năm vào khoảng 6%, thấp hơn mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của DN (ở mức 6-7%).

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, những thành công trong năm 2016 đang tạo ra động lực và cơ sở vững chắc để thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bảo đảm hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Theo đó, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 281.750 tỷ đồng, tương đương 98,3% kế hoạch phát hành năm với 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (vượt mục tiêu do Quốc hội đề ra là 70% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên).

Đồng thời, lần đầu tiên phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài. Trên thị trường, nhà đầu tư đã có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tỉ lệ nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư dài hạn như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi, DN bảo hiểm (tăng từ mức 23% năm 2015 lên mức 44,6% năm 2016), giảm tỉ lệ nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng thương mại (từ mức 77% năm 2015 xuống còn 55,4% năm 2016).

Trên thị trường thứ cấp, khối lượng giao dịch trái phiếu tăng mạnh so với năm 2015, bình quân phiên đạt 6.285 tỷ đồng tăng 72% so với năm 2015, giúp thanh khoản thị trường tăng đáng kể.

Kênh phát hành TPCP bảo lãnh và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2016 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu huy động vốn của các ngân hàng chính sách để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.

Năm 2016, khối lượng phát hành trái phiếu DN đạt 129.636 tỷ đồng, tăng 203,1% so với năm 2015. Thị trường trái phiếu DN từng bước trở thành kênh huy động vốn cho các DN để phát triển sản xuất kinh doanh.

Kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả

Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tiếp tục bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và chủ động hội nhập thị trường quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính tập trung vào các giải pháp như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn, tăng cường công khai minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu. Theo đó, trong năm 2017, Bộ Tài chính dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến 2030 với đầy đủ các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu. Bộ Tài chính cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn trái phiếu, tăng cường minh bạch hóa và công khai thông tin trong quá trình huy động vốn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí tự nguyện để thúc đẩy sự ra đời của hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam; ban hành Thông tư mua lại trái phiếu Chính phủ để thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ.

Về nguồn cung cho thị trường, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn mực cho thị trường tài chính, làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu. Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tiếp tục phát hành kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm nhằm kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ Chính phủ theo hướng bền vững; nghiên cứu triển khai sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi.

Về phía cầu, Bộ Tài chính tiếp tục đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, tập trung phát triển nhà đầu tư dài hạn để tạo cầu bền vững thông qua các giải pháp như đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên thị trường trái phiếu theo quy định tại Nghị định 30/2016/NĐ-CP của Chính phủ; phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện; khuyến khích các DN bảo hiểm đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ tăng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu; xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phát triển các định chế trung gian và hạ tầng của thị trường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tạo sự liên kết giữa thị trường trái phiếu trong nước với khu vực và thế giới.

http://baochinhphu.vn/tai-chinh/trai-phieu-chinh-phu-khong-anh-huong-toi-viec-vay-von-cua-dn/299733.vgp

Các tin tức khác

>   Trái phiếu Chính phủ 2016 đạt 281,750 tỷ đồng, bằng 98.3% kế hoạch năm (28/02/2017)

>   Huy động thành công 1,550 tỷ đồng trái phiếu do VDB phát hành (23/02/2017)

>   Đặt kế hoạch phát hành 183.3 ngàn tỷ trái phiếu Chính phủ năm 2017 (17/02/2017)

>   Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 234 về trái phiếu (15/02/2017)

>   HNX huy động được hơn 13 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tháng 1/2017 (09/02/2017)

>   Huy động được 6,815 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (09/02/2017)

>   Một số điểm mới về hướng dẫn quản lý giao dịch Trái phiếu (08/02/2017)

>   Thị trường trái phiếu phái sinh sẽ chính thức đi vào hoạt động từ quý 1/2017? (19/01/2017)

>   Bơm ròng hơn 57 ngàn tỷ đồng qua kênh OMO trong tuần qua (18/01/2017)

>   ACB đã phát hành 1,054 tỷ đồng trái phiếu (14/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật