Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc: Việt Nam đứng trước cơ hội lớn khi nền kinh tế thế giới được tái cấu trúc
“Thế giới đang đứng trước nhiều biến động khó lường, không chỉ có trào lưu thúc đẩy hội nhập mà còn có sự trỗi dậy của bảo hộ cực đoan, cùng với những tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, tất cả những yếu tố trên sẽ tạo nên một sự tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu”.
Đây là những chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi họp báo về các hoạt động doanh nghiệp trong năm APEC 2017 vào ngày 21/03.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại Và Công nghiệp Việt Nam
|
Cơ cấu nguồn nhân lực tương lai sẽ đổi thay
Ông Lộc đã đề cập đến 2 vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Thứ nhất là Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản trong nền kinh tế, trong tổ chức xã hội và trong đời sống con người. Thứ 2 là những biểu hiện mới của xu thế bảo hộ mậu dịch, thứ đáng trỗi dậy trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
Ông Lộc cho biết, dưới sự tác động của 2 xu thế trên, các động cơ tạo việc làm và cách thức phát triển nguồn nhân lực sẽ thay đổi. Điển hình như Việt Nam, “những cỗ máy” tạo việc làm chính hiện nay là ngành dệt may, giày dép, điện tử với khoảng 4-4.5 triệu lao động . Tuy nhiên, với sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và xu thế bảo vệ mậu dịch, các nhà đầu tư Mỹ sẽ trở về Mỹ, các doanh nghiệp lớn trở lại nước sở tại để hoạt động; sử dụng những công nghệ mới, người máy, trí tuệ nhân tạo thì những lao động trong các ngành giản đơn kể trên sẽ phải đón nhận sự chuyển dịch.
Tổ chức Lao động Thế giới đã đưa ra số liệu dự báo, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% lao động ngành dệt may đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Điều này chứng tỏ, sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ sẽ khiến những ngành lao động giản đơn dần bị thu hẹp và những lĩnh vực liên quan đến internet, công nghệ cao sẽ trỗi dậy. Chính vì thế mỗi quốc gia, doanh nghiệp cần phải có những chuẩn bị cho nguồn nhân lực đáp ứng cho nền kinh tế trước sự thay đổi trong động lực tạo việc làm.
Đối với Việt Nam, ông Lộc cho biết, nếu Việt Nam xác định ngành nông nghiệp là thế mạnh, hay nhận thấy những tiềm năng trong mảng du lịch, IT thì cần phải có sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai.
Việt Nam có nhiều cơ hội khi các chuỗi giá trị được cơ cấu lại
Đề cập đến sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), ông Lộc khẳng định đây chính là xương sống của nền kinh tế thế giới nói chung và các nước APEC nói riêng. Tuy nhiên ngoài SME, hiện nay cũng là thời điểm lên ngôi của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vì vậy nếu chỉ bàn về các SME thì mới chỉ được một nửa của vấn đề.
Trước đây, rào cản đặt ra là các doanh nghiệp siêu nhỏ khó có thể kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu vì quá nhỏ bé, nhưng ở thời điểm hiện tại, dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 thì vấn đề trên đã có lời giải. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ dựa trên nền tảng sáng tạo hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành người khổng lồ, trong khi các doanh nghiệp lớn có thể sẽ mãi cô đơn nếu không tham gia kết nối.
“Nguyễn Hà Đông có thể kinh doanh được những trò chơi trên internet, các nhà khởi nghiệp cũng như vậy, trong khi đó những người khổng lồ đôi khi chỉ cô đơn”- ông Lộc chia sẻ.
Các SME và doanh nghiệp siêu nhỏ Việt Nam hiện nay có 2 chiều hướng kết nối. Thứ nhất là vươn về nông nghiệp nông thôn, phát triển và gắn kết với các hộ nông thôn. Thứ hai là vươn ra thế giới để tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Lộc cho biết, trước những biến động của nền kinh tế, xu thế bảo hộ mậu dịch và cách mạng công nghệ, nền kinh tế sẽ được tái cấu trúc, các chuỗi giá trị sẽ được xóa đi lập lại hoặc thu hẹp lại và được tái cơ cấu theo hướng mở ra để tiếp nhận các SME, các doanh nghiệp siêu nhỏ, đảm bảo sự phát triển công bằng. Thời gian 5 năm tới khi mà các chuỗi giá trị cơ cấu lại chính là cơ hội và cũng là thách thức đối với Việt Nam.
“Chuỗi giá trị là một cái chợ toàn cầu, người ta làm lại chợ mới thì chúng ta có cơ hội đưa hàng vào, nếu như chỉ điều chỉnh nhỏ thì việc Việt Nam chen chân vào sẽ rất khó”- Ông Lộc nhận định.
Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia, tận dụng cơ hội với 2 điều kiện, một là cải cách thể chế tại Việt Nam, chính sách doanh nghiệp cần phải tăng tốc để tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển; và hai là bản thân mỗi doanh nghiệp cần nhận thức và chủ động hội nhập để nắm bắt cơ hội.
Ông Lộc cho biết với xu hướng thế giới đang chú ý tới Việt Nam, cùng những cải cách mạnh mẽ về thể chế từ năm trước, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi giá trị trong lần tái cấu trúc này./.
|