Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ niêm yết ở đâu?
Sự kiện niêm yết được mong đợi của Saudi Aramco hiện được kỳ vọng rộng rãi là thương vụ niêm yết lớn nhất trên thế giới, và sự cạnh tranh toàn cầu cho sự kiện uy tín này đang nổ ra từ các phòng giám đốc và lan ra công chúng, CNBC đưa tin.
* Sự kiện IPO của công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới tác động gì đến các thị trường?
* Tập đoàn dầu lớn nhất thế giới vẫn định IPO vào năm 2018
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Tư vừa qua, Hidetoshi Nagata, người chịu trách nhiệm về các vụ niêm yết mới trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE), đã giải thích vì sao TSE đang theo đuổi thương vụ Saudi Aramco, và cho biết ông tin rằng tập đoàn năng lượng này có thể chọn niêm yết ở Nhật Bản.
“Chúng tôi đã gặp người của Aramco năm ngoái. Chúng tôi tin rằng họ khá quan tâm tới TSE”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng các đại diện đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Bộ trưởng Bộ năng lượng Ả-rập Xê-út hồi tháng 10 năm ngoái.
Gần đây, Reuters đưa tin rằng Ả-rập Xê-út đang lên kế hoạch bán 5% cổ phần của Saudi Aramco bằng cách niêm yết ở sàn giao dịch chứng khoán Saudi và ít nhất ở 1 thị trường quốc tế. Hãng tin này cũng cho biết thêm thương vụ này được mong đợi sẽ huy động được khoảng 100 tỷ USD.
Điều đó đã tạo ra cuộc đua giữa các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn cầu từ nhiều thành phố khác nhau, trong đó Hồng Kông, Singapore, New York, Toronto, và Tokyo là các địa điểm tiềm năng cho lần niêm yết này.
Arun Kant, Giám đốc điều hành (CEO) và cũng là Giám đốc đầu tư tại công ty đầu tư Leonie Hill Capital có trụ sở ở Singapore, cho CNBC biết hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) của ông dự báo rằng khả năng công ty này sẽ chọn niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York là 55%. Theo sau đó là Luân Đôn với 30%, Toronto có 10%, và 5% còn lại là dành cho Hồng Kông.
“Mô hình dự báo của chúng tôi cho thấy rằng do nhu cầu thanh khoản của thị trường và để làm cho Tổng thống Donald Trump vui nên họ sẽ thực hiện vụ IPO lớn nhất này ở Mỹ”, Kant viết trong một email gửi cho CNBC.
Kant viết thêm rằng Tokyo sẽ có thể bị xem là quá rủi ro cho Ả-rập Xê-út vì những bất ổn trong đồng Yên của Nhật Bản.
Dù vậy, Quốc vương Salman của Ả-rập Xê-út đã có kế hoạch viếng thăm Nhật Bản vào ngày 12/3 tới, và đại diện của Aramco được mong đợi sẽ có mặt trong đoàn đại biểu tháp tùng cùng đức Vua.
“Chúng tôi muốn cho Aramco thấy lợi ích của việc niêm yết trên một sàn giao dịch toàn cầu. Chúng tôi có nhiều nhà đầu tư cá nhân và một lịch sử huy động vốn lớn thành công, như thương vụ Japan Post”, Nagata nói.
“Chúng tôi có một lượng nhà đầu tư có chiều sâu. Aramco có thể huy động các quỹ lớn, chúng tôi được xếp thứ 3 theo giá trị vốn hóa thị trường, chúng tôi cũng là một sàn giao dịch toàn cầu, chúng tôi có nhiều công ty chất lượng hàng đầu nằm trong nhóm First Section, một nhóm dành cho các công ty lớn. Giới đầu tư đến từ các tổ chức hiện chiếm phân nửa lượng giao dịch”, Nagata cho biết thêm.
Quan chức của TSE nói thêm rằng hiện có nhiều nhà đầu tư cá nhân với lượng tài sản ròng cao ở Nhật Bản có thể bị thu hút bởi sự kiện IPO của Aramco trên một sàn giao dịch địa phương.
“Chúng tôi tin rằng mình có thanh khoản cao so với những sàn giao dịch khác ở châu Á như Singapore và Hồng Kông”, ông nói.
Ông cho rằng sàn giao dịch của Singapore được biết đến nhờ sản phẩm phái sinh, nhưng lại ít nổi tiếng hơn về các vụ niêm yết chứng khoán tiền mặt. Còn đối với Hồng Kông, Nagata cho rằng sàn này có thể thu hút được những nhà đầu tư đến từ các tổ chức có trụ sở ở Trung Quốc, nhưng lại có ít nhà đầu tư cá nhân hơn Tokyo.
Trò chuyện với CNBC tuần này, Charles Li, CEO của sàn giao dịch Hồng Kông, cho biết mình đã thuyết phục Aramco. Ông cho rằng một thương vụ IPO ở Hồng Kông sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo cho cả hai phía vì nơi này có điều xác lập nên giá trị riêng biệt cho công ty.
“Chúng tôi mang lại sự xác lập giá trị rất cạnh tranh và độc nhất, vì Hồng Kông vẫn dùng hệ thống luật pháp Anh, được đông đảo mọi người chấp nhận là một địa điểm niêm yết với hệ thống điều hành vững mạnh và thân thiện nhất. Chúng tôi cũng là một thị trường quốc tế và hoạt động hoàn toàn theo luật pháp quốc tế”, Li nói.
Cho dù trí thông minh nhân tạo dự báo gì đi nữa thì giới phân tích và chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng Saudi Aramco đã có một quyết định thật sự từ trước.
“Tôi nghĩ sự cạnh tranh giữa các sàn giao dịch chủ chốt là rất thật, nhưng Ả-rập Xê-út sẽ rất kén chọn”, Ayham Kamel, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi của tập đoàn Eurasia, nói trong một email.
"New York và Luân Đôn là các mục tiêu hàng đầu nhưng giới lãnh đạo Ả-rập Xê-út hiện tại rất muốn thu hút các nhà đầu tư châu Á”.
Cả hai sàn giao dịch Luân Đôn và New York đều từ chối bình luận về kế hoạch niêm yết của Saudi Aramco khi được CNBC liên hệ. Còn Toronto trước đó đã xác nhận rằng họ vẫn đang theo đuổi thương vụ này.
Kamel gọi những hy vọng giành được vụ niêm yết này của Tokyo là “khó thành công nhưng cũng bõ công theo đuổi”, đồng thời nhấn mạnh mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Ông cho rằng Hồng Kông rất “phức tạp” vì vướng một quy định về cổ phiếu tự do giao dịch tối thiếu – điều mà Ả-rập Xê-út muốn được miễn. “Trong khi đó, Singapore thì ‘khả thi’ nhưng lại có những mối liên kết chính trị yếu kém”, ông nói.
Một vài nhân vật khác đã có phân tích tương tự dành cho các sàn giao dịch ở châu Á, trong đó có chuyên gia kinh tế trưởng và Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) của Saxo Bank, Steen Jakobsen, người từng phát biểu rằng cơ hội của Tokyo là “gần như bằng 0” và của Singapore là “nhỏ”.
Jakobsen xem nỗ lực giành IPO của Hồng Kông là có sức “thuyết phục”.
Tuy nhiên, hầu hết những người được CNBC phỏng vấn đều cho rằng họ thấy ít nhất có một vụ niêm yết của Saudi Aramco ở phương Tây.
“Vì đây là một vụ niêm yết có sự tham gia của nhiều sàn giao dịch, nên châu Á hiện có cơ hội cạnh tranh, nhưng Ả-rập Xê-út vẫn ở giai đoạn đầu của quá trình khám phá sự khả thi của một vụ niêm yết ở châu Á”, Kamel nói.
Nhiều sàn giao dịch quốc tế cùng chia sẻ một vụ niêm yết là một điều có thể xảy ra, và một số nhà phân tích cũng cho rằng một kết quả như thế là những điều hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, dự đoán về tương lai của Saudi Aramco rõ ràng là một thách thức, khi một số chuyên gia biết rõ vụ việc nói với CNBC rằng New York hoặc là người chiến thắng hoàn toàn cho vụ niêm yết này, hoặc là tuyệt đối không có cơ hội vì những lo ngại về địa chính trị và điều hành./.
|