Sôi động M&A từ dự án bất động sản đắp chiếu
Nhiều dự án lớn bị ngưng trệ nhiều năm đã được hồi sinh nhờ những thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A). Đây được xem là liệu pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
TPHCM có khoảng 500 dự án ngừng triển khai đang chờ được hồi sinh. Ảnh minh họa: Cao Ban
|
Giữa tháng 3, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment) cùng với Quỹ đầu tư Creed Group đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7) từ Tập đoàn Vạn Phát Hưng (VPH).
Ông Lương Sỹ Khoa, Phó chủ tịch HĐQT An Gia Investment cho biết, dự án mới này có quy mô khoảng 6 ha với 2.000 căn hộ bao gồm cả office-tel, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng.
“Dự án này đã ngưng trệ từ năm 2013 do ảnh hưởng của khủng hoảng thị trường giai đoạn 2009-2013. Dự án sẽ được mở bán vào khoảng quí 3-2017 và được triển khai theo từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn từ lúc mở bán đến lúc bàn giao căn hộ trung bình khoảng 2 năm”, ông Khoa cho biết.
Trước thương vụ này, An Gia đã mua lại 5 dự án “đắp chiếu” khác và cho biết đang có kế hoạch M&A thêm một số dự án nữa.
Không chỉ An Gia, M&A từ dự án “trùm mền” là chiến lược được nhiều doanh nghiệp địa ốc lựa chọn. Công ty cổ phần đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh thời gian qua cũng đã mua lại khoảng 20 dự án ngưng hoạt động, trong số này đã có hơn 10 dự án được xây dựng lại và mở bán ra thị trường như Moonlight Park View, 8X Plus, Tân Hương Tower, Sky Center, Melody Residences, Lavita Garden…
Tới thời điểm này, tập đoàn Novaland (NVL) cũng đã tiến hành hàng chục thương vụ M&A từ các dự án ngưng triển khai như Icon56, Galaxy 9, The Tresor, Lexington, RiverGate Residence, Sunrise City…
Đại diện một doanh nghiệp địa ốc cho biết, hầu hết các dự án “đắp chiếu” đều có pháp lý hoàn chỉnh, có giấy phép xây dựng để phát triển dự án bài bản, nên M&A là một liệu pháp giúp tăng tính thanh khoản của thị trường, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Theo ông Lương Sỹ Khoa, nếu phát triển dự án mới, công đoạn làm thủ tục pháp lý và đền bù, giải phóng mặt bằng có thể kéo dài hơn một năm, trong khi M&A sẽ giúp tiết kiệm thời này.
Ngoài ra, phần lớn các dự án bị đứng đều nằm tại các vị trí đẹp, quỹ đất lớn, cận kề trung tâm, có hạ tầng dân sinh phát triển. Do vậy, chủ đầu tư phải tận dụng cơ hội để phát triển sản phẩm ngay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, trong giai đoạn suy thoái của thị trường bất động sản giai đoạn 2009-2013, TPHCM có hơn 14.000 căn hộ tồn kho với khoảng 500 dự án đang tạm ngưng triển khai. Đây chính là cơ hội cho hoạt động M&A diễn ra sôi động.
“Nhờ M&A, bên bán sẽ giải quyết được khó khăn tài chính, bên mua giảm được chi phí đầu tư và thời gian thực hiện, người mua nhà không lo bị mất nhà, còn thị trường sẽ giảm được lượng tồn kho”, ông Châu nói.
http://www.thesaigontimes.vn/158385/Soi-dong-MA-tu-du-an-bat-dong-san-dap-chieu.html
|