Thứ Năm, 30/03/2017 16:44

REE đầu tư vào VSH: Nhìn thấy cơ hội từ biến cố?

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) sáng 30/03, Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh thương vụ đầu tư vào CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HOSE: VSH).

* ĐHĐCĐ REE: Kế hoạch doanh thu 2017 tăng 26% nhưng lãi chỉ nhích 4%, đạt 1,136 tỷ đồng

Trong năm 2016 vừa qua, một trong những thương vụ M&A lớn nhất mà REE thực hiện là chi ra hơn 670 tỷ đồng để đầu tư sở hữu 21% vốn tại VSH dù rằng tại đơn vị này đang diễn ra một vụ kiện liên quan đến dự án mà VSH làm chủ đầu tư - đó chính là Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum.

Đây là dự án với nhiệm vụ khai thác thủy năng sông Đăk Nghé. Dự kiến sẽ là công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia và bổ sung nguồn nước phục vụ dân sinh, nông nghiệp và công nghiệp vùng hạ lưu. Dự án được khởi công cuối tháng 9/2009 với giá trị phê duyệt lên tới 5,744 tỷ đồng.

Vào năm 2011, VSH thực hiện đấu thầu để thực hiện dự án này. Khi đó, nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu nhờ bỏ giá thấp. Khi đó, liên doanh Viện Hoa Đông (Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc) và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 bỏ thầu khoảng 1,600 tỷ đồng trong khi nhà thầu thứ hai bỏ gấp đôi con số đó chỉ cho tuyến năng lượng và nhà máy.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh

Liên quan đến dự án này, tại ĐHĐCĐ thường niên sáng nay (30/03), bà Mai Thanh cho biết, khi thực hiện dự án Thượng Kon Tum, Viện Hoa Đông đã thuê Công ty đường sắt Trung Quốc số 16 (chứ không phải là Công ty Cục Đường sắt Trung Quốc số 18) thực hiện việc đào hầm. Và kết quả là đơn vị này không thể vận hành máy móc (robbins của Mỹ) nên hư luôn máy trong khi mới chỉ hoàn thành 20% phần hầm công trình. Sau đó thì việc thi công phải ngưng và 6 tháng sau thì hủy hợp đồng.

Phía VSH khi đó cũng tuyên bố ngưng hợp đồng và tịch thu bảo lãnh. Song, liên doanh nhà thầu Trung Quốc lúc này lại quay ra đâm đơn kiện VSH lên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Khi khởi kiện, phía nhà thầu Trung Quốc thuê các đơn vị luật từ Anh rất nổi tiếng, còn VSH thuê công ty luật YKVN tại Việt Nam để bảo vệ cho mình. Bà Thanh đánh giá công ty luật mà VSH thuê không đưa ra một chiến lược rõ ràng nên phát sinh nhiều chi phí cho VSH (hơn 1 triệu USD).

Và ngay trong lúc căng thẳng nhất thì REE chính thức nhảy vào VSH. Phía nhà thầu Trung Quốc lúc đó muốn hòa giải nên REE thuê các chuyên gia thực hiện làm quyết toán để thanh toán đúng giá trị cho nhà thầu. Tuy nhiên, do không có sự thống nhất nên thỏa thuận hai bên không thể thực hiện và vụ kiện sẽ vẫn tiếp tục.

Với diễn biến như hiện nay thì phiên tòa diễn ra tại Singapore nhiều khả năng phần thắng sẽ nghiêng về phía nhà thầu Trung Quốc”, bà Thanh bộc bạch.

Tuy nhiên, bà Thanh cũng cho biết thêm, REE hiện đã tìm được một chứng cứ mới khá căn bản, đó là phía nhà thầu không tuân thủ theo luật pháp Việt Nam khi sang đầu tư. Do đó, sắp tới đây vụ kiện sẽ được tòa án Hà Nội thực hiện.

Nhìn thấy cơ hội gì từ VSH khi đang trong biến cố?

Bà Thanh cho biết, vụ kiện có thể sẽ vẫn còn kéo dài, phía nhà thầu Trung Quốc tự tin thắng nhưng REE cũng quyết không thua.

Có thể thấy, chính vụ kiện này cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của VSH. Theo BCTC kiểm toán năm 2016, VSH vẫn chưa thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản nợ liên quan đến vụ kiện do kết quả sau cùng chưa xác định. Ngoài ra, đây cũng là một vấn đề mà kiểm toán đã nhấn mạnh trong BCTC kiểm toán hợp nhất 2016 của VSH.

Nói về việc đầu tư vào VSH, Chủ tịch REE cho biết thực tế Công ty đã muốn đầu tư từ lâu. Theo đánh giá của REE, nhà máy của VSH dù ở miền Trung nhưng nằm trên vùng bằng phẳng gồm có 3 hồ, công suất 136 MW và có thời điểm sản lượng đạt đến 1 tỷ kWh. Trung bình trong năm 2016, nhà máy VSH chạy 700 triệu kWh.

Rồi cho đến thời gian qua, tại VSH xảy ra vụ kiện tại dự án Thượng Kon Tum nên SCIC quyết định đã bán ra và REE đã mua VSH.

Bà Thanh cho biết thêm, độ cao của hồ Thượng Kon Tum dẫn về dưới chênh nhau cả 1,000m, kéo dài 17km, nên chỉ cần 1m3 nước là sản xuất ra được 1kWh trong khi thủy điện như Thác Mơ (TMP) cần đến mấy khối nước mới ra được 1kWh hay Thác Bà cũng vậy, dù hồ chứa to nhưng không có độ chênh nên phải cần 10m3 nước mới ra được 1kWh.

Hiện nay dự án Thượng Kon Tum đã được tái khởi động do liên doanh nhà thầu mới thực hiện và tiến độ đang rất tốt. Dự kiến nhà máy này sẽ chính thức đưa vào vận hành từ tháng 1/2019 với công suất 220 MW, tương đương sản lượng điện 900 triệu kWh/năm. Cùng với nhà máy hiện tại của VSH thì sản lượng sẽ đạt đâu đó trên 1.5 tỷ kWh/năm .

Dù biết rằng VSH đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về vụ kiện, về hợp đồng điện nhưng vì cái nhìn lâu dài và đánh giá tốt vị trí nhà máy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh nên REE quyết định đầu tư vào VSH”, bà Thanh nói thêm.

Ngoài ra, bà Thanh còn tiết lộ một lý do tại sao sản lượng điện cao vậy mà doanh thu của VSH lại thấp là vì giá điện EVN mua chỉ 478 đồng/kWh. Chính vì vậy, với xu hướng giá điện trên thị trường ngày càng mở thì khi đó có thể bán với giá gấp đôi giá bán hiện tại sẽ giúp lợi nhuận tăng vọt./.

Các tin tức khác

>   KHP: BCTC năm 2016 (30/03/2017)

>   C21: Báo cáo tài chính năm 2016 (Công ty mẹ) (30/03/2017)

>   HNF: Báo cáo tài chính năm 2016 (30/03/2017)

>   PJS: Nghị quyết HĐQT (30/03/2017)

>   HJC: Báo cáo tài chính năm 2016 (30/03/2017)

>   HJC: Báo cáo Tài chính năm 2016 văn phòng Cty (30/03/2017)

>   APG: Giải trình chênh lệch LNST trước và sau kiểm toán BCTC năm 2016 (30/03/2017)

>   MTH: Ngày đăng ký cuối cùng Tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (30/03/2017)

>   TVG: Ngày đăng ký cuối cùng Tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (30/03/2017)

>   NSG: Ngày đăng ký cuối cùng Tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (30/03/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật