Nhịp đập Thị trường 29/03: Nhóm Large Cap cứu thị trường
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (Large Cap) đã có sự tăng trưởng tốt và giúp cho các chỉ số thị trường khỏi một phiên giảm điểm.
VN-Index kết phiên giao dịch tăng 1.21 điểm tương đương 0.17% lên mức 720.47 điểm. HNX-Index tăng 0.14% lên mức 90.67 điểm. Độ rộng toàn thị trường khá mạnh với 228 mã tăng điểm và 206 mã giảm điểm. Ưu thế đang nghiêng nhẹ về bên mua.
Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 3,796 tỷ đồng. Như vậy, mức độ giao dịch trong thời gian gần đây là khá sôi động bất chấp nguy cơ điều chỉnh hiện diện.
Đáng chú ý nhất trên sàn HOSE là nhóm cổ phiếu Nông – Lâm – Ngư, Chứng khoán với mức điều chỉnh khá lớn. Nhóm Nông – Lâm – Ngư có mức giảm mạnh nhất chủ yếu đến từ HAG, HNG,... điều chỉnh rất mạnh. Nhóm cổ phiếu Thực phẩm - Đồ uống tăng 0.87% với VNM, MSN, SAB giữ nhịp chính. Cầu từ khối ngoại rất mạnh giúp các cổ phiếu này gia tăng khá tốt trong phiên hôm nay.
SAB đã có thời gian điều chỉnh, tích lũy kéo dài 4 tuần trong vùng đáy cũ tháng 12/2016 (tương đương vùng 190,000-199,000). Hiện tại, giá đã hồi phục nhẹ trở lại với hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại.
HNX-Index sau phần lớn thời gian chìm trong sắc đỏ cũng đã lấy lại sắc xanh thành công khi kết phiên. PVI là động lực tăng trưởng chính của sàn này khi kéo HNX-Index tăng hơn 0.38%.
Riêng về PVI, cổ phiếu này vẫn giữ nhịp tăng rất tốt cho đến kết phiên và chính thức phá vỡ vùng kháng cự 27,000 – 27,500 (tương đương đỉnh cũ tháng 08/2016). Hiện cổ phiếu ở mức giá cao nhất kể từ tháng 03/2008.
Khối ngoại mua ròng 143 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng chỉ 1.88 tỷ trên HNX (chưa loại bỏ giao dịch thỏa thuận).
Thông tin CPI không tác động nhiều
Thị trường không có nhiều biến động đáng kể do thông tin về CPI không có nhiều bất ngờ so với dự tính của giới đầu tư.
Dưới góc nhìn Market Cap thì nhóm Large Cap đang có biểu hiện tốt nhất trên thị trường. Nhờ sự tăng trưởng của các mã như SAB, VNM, GAS, VIC... mà VN-Index thoát khỏi kịch bản giảm mạnh.
CPI tháng 3 tăng 0.21% so với tháng trước. CPI bình quân quý 1 năm nay tăng 4.96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Thông tin CPI không tác động nhiều đến diễn biến thị trường do nằm khá sát với mức dự tính của giới đầu tư.
Nhóm Nông – Lâm – Ngư vẫn đang là “đầu tàu” giảm giá trên thị trường với HNG chạm mức giá sàn. Bên cạnh đó, nhóm Chứng khoán cũng đang đồng loạt điều chỉnh ở cả hai sàn. Dù mức độ giảm không nhiều nhưng cả SSI, HCM, BSI, FTS, SHS, MBS... đều đỏ điểm.
Riêng SSI và HCM thì đều đang test lại các vùng đỉnh cũ khá mạnh trong quá khứ nên khả năng còn rung lắc trong các phiên tới là rất cao.
VNM đã quay trở lại đà tăng sau phiên điều chỉnh trước đó. Trong 5 phiên gần nhất khối ngoại liên tục mua mạnh nên khả năng có điều chỉnh mạnh bất ngờ (thrust down) là khá thấp.
TCH đang về gần vùng hỗ trợ mạnh 17,000-17,500. Đây là vùng giá có độ tin cậy cao và vững chắc do có khá nhiều lần test thành công.
Tính tới 14h, VN-Index ở mức 719.9 điểm tương ứng mức giảm 0.50%, HNX-Index giảm 0.71% xuống mức 90.74 điểm.
Giằng co mạnh, Bảo hiểm lên ngôi
Thị trường giằng co mạnh liên tục trong phiên giao dịch buổi sáng với thanh khoản khá yếu cho thấy tâm lý thận trọng đang bao trùm.
Độ rộng thị trường khá yếu với 177 mã tăng điểm và 220 mã giảm điểm. Điều này cho thấy rủi ro sụt giảm vẫn còn trong ngắn hạn.
Trên HOSE, đáng chú ý nhất là mã SAB. Mã này đã có thời gian diều chỉnh, tích lũy kéo dài 4 tuần trong vùng đáy cũ tháng 12/2016 (tương đương vùng 190,000-199,000). Hiện tại, giá đã bứt phá mạnh mẽ trở lại với hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại. Nhóm Ngân hàng vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, STB, CTG, BID vẫn đang được khối ngoại mua ròng.
Nhóm Nông – Lâm – Ngư đang giảm mạnh nhất thị trường sau một thời gian dài bứt phá. Các mã HAG, HNG, CTP... đều đang điều chỉnh sâu.
Riêng HAG, phân kỳ giá xuống của Stochastic Oscillator và giá đang hình thành trong vùng overbought nên rủi ro tăng lên. Mặt khác, khối ngoại cũng bán ròng trở lại và bình quân bán lớn hơn bình quân mua trong 5 phiên gần nhất khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo ngại.
Nhóm ngành Bảo hiểm hiện dẫn đầu thị trường. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang dần chuyển qua những ngành đã điều chỉnh hoặc tích lũy khá lâu trong thời gian qua. Dù BVH không tăng nhiều nhưng BMI, PGI, PVI đều tăng rất mạnh.
Đáng chú ý là cả BMI và PVI đều đang đạt mức giá cao nhất kể từ tháng 03/2008 nếu tính theo giá điều chỉnh.
Thanh khoản toàn thị trường khá thấp khi đạt 117.73 triệu đơn vị và giá trị đạt 2,054 tỷ đồng.
Khối lượng giao dịch sụt giảm
Nhà đầu tư đang thận trọng trước các thông tin từ thị trường tài chính thế giới cũng như chờ đợi kế hoạch kinh doanh của các công ty niêm yết.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trên HOSE là các mã cổ phiếu GAS,VNM,VIC VCB đều đang tăng trưởng góp phần lớn vào đà tăng chỉ số. Ở chiều giảm có ROS, BID, CTG. Mã HNG sau nhiều phiên tăng mạnh, hiện đang giảm gần 4% do gặp áp lực chốt lời mạnh.
Cổ phiếu nhóm dầu khí GAS, PVD, PVS tăng nhẹ trở lại sau khi giá dầu thế giới hồi phục vào ngày thứ Ba. FPT với kế hoạch kinh doanh khả quan, hiện đang tăng 100 đồng với thanh khoản hơn 170 ngàn cổ phiếu.
Trên HNX, cổ phiếu PVI tăng mạnh 2 phiên gần đây và đã chính thức phá vỡ vùng kháng cự 27,000 – 27,500 (tương đương đỉnh cũ tháng 08/2016). Hiện cổ phiếu ở mức giá cao nhất kể từ tháng 03/2008.
Độ rộng thị trường nghiên về bên mua khi số mã tăng điểm là 192 trong khi có 160 mã giảm điểm. Đến thời điểm này mới có 65 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công với giá trị hơn 1,200 tỷ đồng.
Giao dịch chậm rãi
Chỉ số Dow Jones hồi phục và kiểm tra lại đường kháng cự động EMA 20 ngày. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của DJIA đang là giảm. Bên cạnh đó, các ETF vẫn đang trong trạng thái discount nên rủi ro vẫn còn.
Các ETF quan trọng như Van Eck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) discount 0.86% và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) trong trạng thái discount 1.15% nên khả năng điều chỉnh vẫn còn.
Chỉ số Dow Jones hồi phục và kiểm tra lại đường kháng cự động EMA 20 ngày. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của DJIA đang là giảm và rủi ro vẫn còn.
Trên HOSE, mã VNM sau 2 tuần tăng mạnh, hình thành mẫu hình nến đảo chiều Bear Sash. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 135,000. Nếu có sụt giảm xảy ra thì sẽ là cơ hội đầu tư.
Mã KBC tiếp tục duy trì xu hướng tăng khi tạo các đáy sau cao hơn, hiện đang test lại đỉnh cũ tháng 02/2017 (tương đương vùng 15,500 – 16,000).
Trên HNX, SHB bứt phá khỏi kênh giá giảm kéo dài từ tháng 03/2014, ngưỡng hỗ trợ hiện tại là 5,000 – 5,200. Đây là một trong những mã được nhà đầu tư chú ý nhiều nhất trong các phiên gần đây.
Tính tới 9h30, VN-Index đang giảm nhẹ 0.02% giao dịch ở mức 719.29 điểm trong khi HNX-Index giảm 0.04% và giao dịch tại mức 90.51 điểm.
Cập nhật trước phiên
Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ sự suy yếu của nhóm cổ phiếu Large Cap khi nhiều cổ phiếu trong nhóm bước vào điều chỉnh. Tuy vậy, không cần phải quá bi quan khi nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap vẫn đang duy trì sự phân hóa khá tốt cùng với khối ngoại và dòng tiền thông minh vẫn đang hiện diện khá sôi động trên thị trường.
VN-Index giảm khá trong phiên ngày 28/03. Chỉ số thoái lui về vùng 705–720 điểm sau 2 phiên giằng co trên vùng này.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong ngày thứ Ba nhờ đà leo dốc của cổ phiếu tài chính và năng lượng khi dữ liệu cho thấy niềm tin tiêu dùng tại Mỹ vọt lên mức cao nhất trong hơn 16 năm. Thâm hụt thương mại giảm mạnh trong tháng 2/2017. Những yếu tố cơ bản quan trọng của nền kinh tế cũng được hỗ trợ nhờ dữ liệu cho biết giá nhà ở tăng mạnh trong tháng 1/2017.
Các hợp đồng vàng tương lai gần như đi ngang trong ngày thứ Ba khi nhà đầu tư cân nhắc triển vọng các chính sách tài khóa dưới thời Tổng thống Donald Trump sau nỗ lực không thành công hồi tuần trước trong việc bãi bỏ và thay thế đạo luật Obamacare, MarketWatch đưa tin.
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh lên mức cao nhất trong 1 tuần vào ngày thứ Ba, nhờ vào tình trạng gián đoạn của hoạt động sản xuất dầu tại Libya và thông tin về khả năng kéo dài thỏa thuận cắt giảm thêm 6 tháng nữa nhằm xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu.
|