Nhịp đập Thị trường 03/03: Bay cao
Bắt nguồn từ STB, nhóm ngân hàng đồng loạt khởi sắc trong đó, cổ phiếu của Sacombank là mạnh nhất khi tăng kịch trần và không còn dư bán. Các cổ phiếu khác như ACB, BID, CTG và VCB đồng loạt tăng giá, VIB, NVB lấy lại giá tham chiếu trong khi MBB và SHB chỉ còn giảm nhẹ khi đóng cửa.
Các cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng có phiên giao dịch khả quan khi SSI, HCM, BVS tăng giá khá tốt trong khi MBS thậm chí còn làm tốt hơn khi tăng kịch trần. Ở chiều ngược lại, VND là cổ phiếu đáng chú ý trong nhóm này bị giảm điểm nhẹ.
Tuy vậy, diễn biến ở nhóm những cổ phiếu lớn nhất thị trường mới thực sự đáng chú ý, khi cả 10 mã lớn nhất đều đồng loạt tăng điểm vào cuối phiên. Cùng với đó, diễn biến mạnh mẽ của BVH và VJC (vốn hóa thứ 11 và 12) đã giúp VN-Index tăng mạnh 5.11 điểm, tương ứng với 0.72% giá trị.
Một số trường hợp cá biệt tăng giá (có thanh khoản) trong ngày còn phải kể đến như APC, CDO hay TTF tại sàn Tp.HCM và SFN, FID, TEG hay SIC tại sàn Hà Nội.
Như vậy, kết thúc tuần, VN-Index lần đầu giảm điểm sau 8 tuần tăng liên tiếp, đóng cửa tại 712.62 điểm, giảm nhẹ 0.26%, thanh khoản bình quân đạt 4,138.45 tỷ đồng/phiên, thấp hơn 10.63% so với tuần trước đó.
14h: Ranh giới giữa tăng và giảm khá mong manh
Một lần nữa cổ phiếu của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình – HBC lại thu hút mọi sự chú ý của thị trường khi bất ngờ tăng điểm trở lại trong những phút đầu phiên giao dịch buổi chiều, thanh khoản nhảy vọt lên mức hơn 2.2 triệu đơn vị. Trước đó, có thời điểm cổ phiếu này giảm mạnh đến 4.75% giá trị.
Ở phần còn lại, đà tăng cuối phiên sáng của các trụ cột đang hạ nhiệt dần kéo chỉ số VN-Index lùi lại gần hơn mức tham chiếu. Thị trường đang trong vùng nhạy cảm, ranh giới gữa tăng và giảm điểm là khá mong manh, bởi chỉ cần 1 sự dao động của một vài cổ phiếu lớn là tình hình sẽ rất khác.
Trong một diễn biến khác, các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu thủy hải sản đang có được một phiên giao dịch khá thành công, khi khá nhiều cổ phiếu đang tăng giá tốt. Đáng kể nhất phải nhắc đến VHC (+3.27%), AGF(+4.44%) hay ATA, AVF đều tăng kịch trần, … Mới đây, tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2016 do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức thì dự báo xuất khẩu thủy sản sang Mỹ năm 2017 của Việt Nam ước đạt 1.48 tỉ đô la Mỹ, tăng 1% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 11% của năm 2016). Nguyên nhân của nhận định không mấy lạc quan này bắt nguồn từ những áp lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và Nam Mỹ, đồng thời thuế chống bán phá giá và những hàng rào kỹ thuật sẽ được Mỹ đưa ra cho mặt hàng thủy sản.
Tại thời điểm 13h45, VN-Index tăng nhẹ 0.07%, trong khi HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 0.63% và 0.16% giá trị.
Phiên sáng: Khởi sắc trước giờ nghỉ
Sự trở lại của hàng loạt ông lớn là VNM, VCB, VIC và GAS đã giúp VN-Index tăng điểm ngay trước khi phiên giao dịch buổi sáng đóng cửa. Ở phân khúc vốn hóa thấp hơn, BVH, CII, FPT, HCM, SSI, … cũng có diễn biến tích cực khi lực cầu được bổ sung mạnh mẽ.
Tạm đóng cửa, VN-Index cộng thêm 1.89 điểm, tương ứng tăng 0.27%, mặc dù vậy, sức lan tỏa từ chỉ số này là chưa đủ lớn khi chỉ số tại 2 sàn còn lại vẫn dưới mức tham chiếu.
Thanh khoản toàn thị trường trong buổi sáng ghi nhận 129.6 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 1,979 tỷ đồng.
10h20: VJC bắt đầu có thanh khoản
Sau khi giá tăng phiên thứ tư liên tiếp kể từ khi chào sàn, cổ đông của VJC - Vietjetair bắt đầu hài lòng với mức lãi và sẵn sàng thoái vốn với vùng giá quanh 130,000 đ/cp. Đến 10h05 sáng, tổng cộng đã có hơn 1.7 triệu đơn vị VJC được trao tay, giá trị giao dịch đạt mức khủng 226 tỷ đồng, cao thứ 2 thị trường và chỉ kém 1 chút so với vị trí số 1 của ROS với 228 tỷ đồng.
Ngược lại, bất chấp thông tin Techcombank đã thoái xong 21 triệu cổ phần, HVN của Vietnam Airline tiếp tục có phiên giao dịch kém khả quan khi mất 1,000 đ/cp, nối dài số phiên giảm điểm lên con số 4.
Hai cổ phiếu tạo sự bất ngờ trong phiên 01/03 khi tăng mạnh cuối phiên là HBC và HPG lại cho thấy dấu hiệu hụt hơi dù cho các thông tin phát ra từ 2doanh nghiệp này là rất đáng chú ý.
HBC với thông báo trúng gói thầu Tổng thầu thi công XD các công trình thuộc dự án Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay và dịch vụ cao cấp với giá trị 1,650 tỷ đồng hiện đang giảm 3.36%. Trong khi đó, HPG đang giảm 1.19% chỉ 2 ngày sau khi có nghị quyết điều chỉnh lợi nhuận kế hoạch 2017 thêm 1,000 tỷ đồng.
9h30: Khởi đầu kém sôi động
Với tâm lý thận trọng nên không khó hiểu khi thị trường bắt đầu phiên giao dịch cuối tuần với một sự thăm dò nhất định của cả bên mua lẫn bên bán.
Phần lớn các cổ phiếu dao động nhẹ khi mở cửa với thanh khoản thấp, một số tín hiệu tiêu cực phát đi ở BHN, GMD, HBC, HPG, HSG, … Nhóm cổ phiếu dầu khí phản ứng xấu trước việc giá dầu giảm dưới mức 53 USD/thùng khi đồng loạt giao dịch dưới giá tham chiếu.
Chỉ số chính VN-Index cùng với UPCoM-Index tăng nhẹ trong khi HNX giảm nhẹ 0.19%, thanh khoản 15 phút đầu chỉ đạt 13.12 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 225.7 tỷ đồng.
Nhận định trước phiên
Những kỳ vọng cho rằng sự hưng phấn từ cuối phiên giao dịch ngày 01/03 sẽ giúp thị trường có sự khởi sắc nhất định, đã nhanh chóng biến mất ngay trong buổi sáng phiên giao dịch 02/03.
Sức ép bán ra là khá lớn, ngăn cản phần lớn ý định hồi phục của nhiều cổ phiếu, ngay cả đó là những trường hợp có biểu hiện rất mạnh trong phiên giao dịch 01/03 như HBC, DPM hay FPT.
Bất chấp việc khối ngoại mua ròng mạnh trở lại (122.3 tỷ đồng), thanh khoản chung vẫn giảm 6.74% so với phiên trước và là mức thấp nhất trong vòng 11 phiên trở lại đây đang cho thấy sức mạnh của bên mua đã sứt mẻ đáng kể, và với đà này, khả năng lực cầu còn tiếp tục suy yếu vì phần nhiều nhà đầu tư vẫn đang bị mắc kẹt ở vùng giá cao trước đó.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, nếu không có những thông tin hỗ trợ đủ mạnh, thị trường tiếp tục giảm điểm là kịch bản có xác suất xảy ra cao nhất bởi khi sự kiên nhẫn dần mất đi khi chứng kiến tài khoản bị bào mòn, mong muốn nắm giữ tiền mặt sẽ được ưu tiên hơn cả.
|