Năm 2017, sản lượng thép Việt Nam sẽ tăng 12%
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, năm 2017 sản lượng thép
thành phẩm sẽ tăng 12% đạt gần 20 triệu tấn. Đến năm 2020, sản lượng
thép Việt Nam sẽ đạt 10 triệu tấn gang, 18 triệu tấn phôi thép và 22
triệu tấn thành phẩm; và tầm nhìn tới năm 2025 là 18 triệu tấn gang, 25
triệu tấn phôi thép và 30 triệu tấn thành phẩm.
Hội thảo “Ngành thép & Thị trường chứng khoán Việt Nam 2017" tại HNX,chiều ngày 13/03
|
Tại buổi hội thảo “Ngành thép & Thị trường chứng khoán Việt Nam 2017. Gặp gỡ CTCP Ống Thép Việt Đức – VG PIPE (VGS)", ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản lượng sản xuất ước tính năm 2016 đạt 8.6 triệu tấn thép dài, 3.6 triệu tấn CRC, 2.06 triệu tấn ống thép và 3.4 triệu tấn tôn mạ. Ngành công nghiệp thép Việt Nam hiện vẫn chưa vận hành tối đa công suất. Trong khi, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, đặc biệt là các sản phẩm thép cuối cùng như thép dẹt, tôn mạ và thép hợp kim.
Cụ thể, sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép & tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Và vẫn phải nhập khẩu những sản phẩm trong nước chưa cung ứng được như HRC, thép chế tạo... Năm 2016, nhập khẩu sản phẩm thép ở mức 17.5 triệu tấn, tăng trưởng 25%.
Dự báo năm 2017, ngành thép sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến sản lượng gang tăng 80%, đạt 4.5 triệu tấn; sản lượng phôi thép tăng 47.2%, lên mức 11.5 triệu tấn; sản lượng thép thành phẩm tăng 12% lên gần 20 triệu tấn, trong đó sản lượng thép xây dựng tăng 11%, thép lá cuộn cán nguội tăng 13%, thép ống hàn tăng 15% và tông mạ và sơn phủ màu tăng 12%.
Về giá thép năm 2017, ông Sưa cho biết giá thép Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ vào giá nguyên liệu và bán thành phẩm trên thế giới, dự báo chính xác về xu hướng giá là điều rất khó, song chiều hướng chung là gia tăng, có thể không quá nhiều do đã tăng rất mạnh năm 2016. Giá một số nguyên liệu, bán thành phẩm nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2017.
Tại buổi hội thảo ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc, cũng đưa ra một số luận điểm về cơ hội phát triển ngành thép Việt Nam. Ông Đăng cho rằng cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp. Đơn cử như việc tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình khép kín, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ.
Ông Đăng cho biết, theo thống kê của Hiệp hội thép Thế giới, ngoài bán thành phẩm, các sản phẩm gia công sau cán như tôn mạ, ống thép là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu thép toàn cầu. Và hiện nay, tôn mạ kim loại cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 33% (tương ứng với hơn 1.3 triệu tấn) trong cơ cấu xuất khẩu thép năm 2016 (VSA). Bên cạnh đó, nguyên liệu thép sản xuất que hàn có biên lợi nhuận gộp cao, ở mức 20% vẫn đa số phải nhập khẩu. Do vậy, đây đều là những phân khúc còn tiềm năng tăng trưởng tốt cho các doanh nghiệp thép Việt./.
|