Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Của đáng tiền!
Tuần vừa qua (06-10/03) cho thấy khá nhiều giao dịch ở chiều bán ra của lãnh đạo và người có liên quan, đặc biệt là việc “xả hàng” của lãnh đạo doanh nghiệp trước khi từ nhiệm.
* Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Hàng khủng?
Trong đó có một giao dịch thoái hết hơn 5 triệu cp LDG của vị Chủ tịch Lê Kỳ Phùng được thực hiện từ cuối năm 2016 nhưng do không công bố thông tin nên đến nay bị UBCKNN phạt tiền hơn 42 triệu đồng.
Điểm đáng chú ý của giao dịch này là ông Phùng thực hiện bán số cổ phần trên ngay trước thời điểm từ nhiệm tại LDG 2 ngày. Đó cũng là thời điểm giá cổ phiếu LDG chạm đáy về mức dưới 5,000 đồng/cp (30/11/2016).
Tại TLG, tiếp bước đồng nghiệp cũ, Thành viên HĐQT Huỳnh Văn Thiện cũng đăng ký thoái hết 1 triệu cp. Tuy nhiên, liệu vị Thành viên HĐQT này có xin từ nhiệm ngay sau khi giao dịch bán hết cổ phiếu như người cũ hay không?
Thời gian qua có sự thay đổi lớn về dàn lãnh đạo của TLG, trong đó ông Võ Văn Thành Nghĩa - người đã có hơn 10 năm gắn bó (từ 2006) đã từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT và chức Tổng giám đốc điều hành kể từ ngày 21/02. Thay vào đó, Chủ tịch Cô Gia Thọ sẽ tạm thời phục trách công việc điều hành cho đến kỳ ĐHĐCĐ gần nhất. Đồng thời, TLG miễn nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Tài chính Kế toán kiêm Kế toán trưởng đối với ông Hồ Ngọc Cảnh kể từ ngày 24/02 và bổ nhiệm bà Trần Phương Nga thay thế.
Giá cổ phiếu TLG đã ghi nhận mức trên 90,000 đồng/cp từ hồi tháng 8/2016 đến nay và đã tăng tới 724% từ khi niêm yết. Nếu theo mức giá chốt ngày 10/03 là hơn 100,000 đồng/cp thì khả năng ông Thiện sẽ thu về khoảng 113 tỷ đồng từ giao dịch này, một số tiền không hề nhỏ với một cá nhân.
Sau khi giảm nắm giữ từ mức 15.98% xuống còn 12.53% vốn GMC, Thành viên HĐQT Lâm Quang Thái tiếp tục đăng ký thoái hết số cổ phần còn lại là hơn 1.94 triệu cp theo phương thức thỏa thuận. Như vậy, khả năng trong thời gian tới tại GMC cũng sẽ xuất hiện thêm một cổ đông lớn mới! Nếu giao dịch thành công, ông Thái dự thu về khoảng 54 tỷ đồng.
Trở lại với câu chuyện tại TOP, nếu như tuần trước đó Chủ tịch Đinh Văn Tạo đăng ký gom vào tới hơn 5 triệu cp bất chấp kết quả kinh doanh 2016 ảm đạm thì mẹ và vợ của vị này vừa bán thành công toàn bộ hơn 3% vốn tại đây. Dù TOP có tín hiệu khả quan trong năm 2017 và vị Chủ tịch này cũng đã cam kết sẽ từ nhiệm nếu như kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch đề trước toàn thể cổ đông vừa qua.
Một số giao dịch lớn của lãnh đạo và người có liên quan
(Tuần từ 06-10/03)
|
Ở chiều ngược lại, ngay sau khi XHC lên sàn (tháng 11/2016), UBND TP Hà Nội đã thoái hết hơn 40% vốn, tương ứng 8 triệu cp. Từ đó đến nay tại XHC có thêm hai giao dịch lớn là Ủy viên HĐQT Đoàn Hương Sơn đã mua gần như thành công số lượng đăng ký 2 triệu cp. Đồng thời, vợ Tổng giám đốc Lê Duy Anh cũng đang cật lực gom vào 3 triệu cp XHC.
Mặc dù thị giá cổ phiếu SDP hiện chỉ quanh mức 6,000 đồng/cp nhưng cổ đông lớn PVX đã thoái thành công 3 triệu cp cho 3 cá nhân với mức giá 10,000 đồng/cp, tức gần gấp đôi thị giá. Trong 3 cá nhân chịu chi số tiền lớn đó có Phó TGĐ SDP Vũ Trọng Hùng với 1.5 triệu cp, tương ứng 15 tỷ đồng.
Với mức giá 40,000 đồng/cp, nếu muốn mua 500,000 cp VC3, Chủ tịch Phạm Văn Thành dự kiến sẽ phải chi gần 22 tỷ đồng cho giao dịch này. “Của đáng tiền” khi mà năm 2016 VC3 ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 75 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm và trả cổ tức 34%. Còn kế hoạch cho năm 2017, VC3 đặt mục tiêu lãi sau thuế gần 81 tỷ đồng, tăng 7.5% và cổ tức dự kiến 30%. Bên cạnh đó là hàng loạt kế hoạch khác như phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn gần gấp đôi và 300 ngàn trái phiếu nhằm triển khai thực hiện các dự án đầu tư./.
|