HUT quyết định dừng đầu tư vào mảng BOT sau gần 10 năm gắn bó
Trong năm 2017, CTCP Tasco (HNX: HUT) đặt kế hoạch lãi ròng tăng gần 12% so với kết quả năm 2016. Bên cạnh đó, Công ty cũng quyết định dừng đầu tư vào lĩnh vực BOT dù đã gắn bó gần 10 năm.
* HUT: Lãi ròng quý 1 ước đạt 100 tỷ đồng
Tasco nguyên là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1971 với tên gọi là Đội cầu Nam Hà và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. Tháng 11/2000 Công ty tiến hành cổ phần hoá, chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần. Tháng 4/2008, 5.5 triệu cổ phiếu của Công ty chính thức được giao dịch trên HNX với mã cổ phiếu HUT. Đáng chú ý đây cũng là năm Công ty chuyển mô hình kinh doanh từ nhà thầu thi công giao thông thủy lợi thành nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và BT.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Công ty quyết định sẽ dừng đầu tư vào lĩnh vực này. Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 17/03 tại TPHCM, bà Trần Thị Thanh Tân – Thành viên HĐQT HUT cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã đầu tư khoảng 15,000 tỷ đồng vào lĩnh vực BOT. Trong đó, vốn chủ sở hữu của HUT chiếm 20%, tương đương 3,000 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) mỗi năm ổn định khoảng 11.5%. Theo đánh giá của HUT, mức lợi nhuận này không đột phá trong khi vốn chủ đầu tư bị “giam” quá lâu, Công ty nhận thấy nhiều cơ hội khác tốt hơn nên muốn tập trung khai thác những cơ hội mới.
Mặc dù không thực hiện đầu tư vào các dự án BOT nhưng HUT vẫn thực hiện đầu tư hạ tầng theo hình thức BT. Công ty sẽ tiếp tục khai thác các dự án BOT đã đầu tư nhưng trong trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài nào quan tâm thì HUT sẽ chuyển nhượng lại và đầu tư vào các mảng khác có mức sinh lợi tốt hơn như y tế, công nghệ, bất động sản…
Liên quan đến khoản nợ hơn 4,000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016 của HUT, ông Trần Huy Hoàng – Giám đốc Tài chính của HUT phân tích trong đó gồm 3,500 tỷ đồng nợ BOT (sau khi hoàn tất hai dự án BOT mới là Hải Phòng và Đông Hưng – Thái Bình, số nợ sẽ lên khoảng 5,000 tỷ đồng), còn 500 tỷ đồng là nợ vay ngân hàng cho các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, khi các dự án BOT đi vào hoạt động thì lợi nhuận mang về sẽ ổn định. Tất cả dự án BOT khi thực hiện trả nợ ngân hàng thì Công ty phải tính toán kỹ để không làm mất cân đối dòng tiền.
Ở điểm này, bà Tân chia sẻ thêm rằng, các dự án BOT của Công ty không chịu lãi vay ngân hàng, thay vào đó Nhà nước sẽ gánh chịu khoản lãi vay này. Do đó, nếu lãi suất thị trường tăng hay giảm, Công ty không bị rủi ro phần nợ vay 3,500 tỷ đồng của các dự án BOT. Hiện vốn chủ sở hữu của HUT tham gia vào BOT khoảng 20% trên tổng số 15,000 tỷ đồng. Theo phương án tài chính đề ra, phần vốn chủ sở hữu sẽ được thu hồi sau khi trả hết nợ vay ngân hàng, đồng thời hệ số nợ Công ty hoàn toàn không chịu rủi ro.
Bà Trần Thị Thanh Tân – Thành viên HĐQT HUT
|
Kế hoạch lãi 2017 đạt 450 tỷ đồng
Năm 2017, HUT đề ra kế hoạch doanh thu 3,332 tỷ đồng, trong đó từ bất động sản là 2,300 tỷ đồng, các trạm thu phí BOT 447 tỷ đồng, y tế và các dịch vụ khác 367 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2017 dự kiến 450 tỷ đồng, tăng 12% so với kết quả năm 2016.
Năm 2018 thì HUT tiếp đặt kế hoạch tăng trưởng ấn tượng hơn với doanh thu và lợi nhuận lần lượt ở mức 4,560 tỷ và 650 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến là 18%.
Kết quả kinh doanh 2016 và kế hoạch 2017, 2018 của HUT
Đối với lĩnh vực bất động sản (mảng đóng góp chính vào doanh thu trong hai năm tới), năm 2017 sẽ đến từ các dự án như Xuân Phương Residence (hơn 600 căn đã bàn giao gần hết), South Building (hiện đã bán 110/140 căn), Foresa Mỹ Đình, Foresa Villa Xuân Phương (đã bán gần hết, hiện còn khoảng 20 căn).
Riêng dự án như Foresa villa Xuân Phương, giá bán bình quân 69 triệu đồng/m2, đã bàn giao 400 căn và dự kiến xong trong quý 2/2017. Dự án South Building Pháp Vân có giá từ 21 đến 23 triệu đồng/m2, đã bán được khoảng 110/140 căn; đến 30/4 này dự án sẽ cất nóc và tháng 12/2017 bàn giao nhà.
Tham gia lĩnh vực này, lãnh đạo HUT đánh giá khá thận trọng vì liên quan đến tính chu kỳ, kinh tế vĩ mô ổn định hay không. Do đó mà Công ty vẫn sẽ chỉ tập trung ngoài thị trường Hà Nội, chưa có kế hoạch sẽ đầu tư vào Đà Nẵng hay TPHCM.
Năm 2017, HUT đưa hai dự án BOT mới vào thu phí là BOT QL10 Hải Phòng với tổng mức đầu tư 2,815 tỷ đồng và BOT Đông Hưng – Thái Bình với tổng mức đầu tư 436 tỷ đồng. Khi 6 trạm BOT hoạt động ổn định, Công ty sẽ có khoảng 800 - 900 tỷ đồng doanh thu mỗi năm với biên lợi nhuận ròng bình quân khoảng 11.5%./.
|